''Nếu ở bất cứ nơi nào khác, tôi có lẽ đã chết'', BBC dẫn lời phi công Anh - bệnh nhân COVID-19 số 91 của Việt Nam - cho biết.
Trong một bài viết đăng tải ngày 27.6, Hãng BBC của Anh cho biết, phi công người Anh, 43 tuổi, đã bình phục sau khi trải qua 68 ngày điều trị bằng máy thở, thời gian dài hơn bất cứ bệnh nhân COVID-19 nào ở Anh. Bệnh nhân Stephen Cameron được điều trị như vậy không phải ở quê nhà Motherwell, Scotland, Anh Quốc, mà là tại Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam, nơi cách xa hàng nghìn dặm không có gia đình hay bạn bè thân thiết.
Bài viết đưa ra nhận định, Việt Nam là đất nước có 95 triệu người, nhưng chỉ có vài trăm ca COVID-19 được xác nhận, trong đó số ca được điều trị đặc biệt chỉ đứng ở một con số và không hề có trường hợp nào tử vong. Trường hợp mắc COVID-19 nghiêm trọng như bệnh nhân Cameron là rất hiếm, từng chi tiết về sự bình phục của ông đều được cập nhật trên báo, đài quốc gia.
Hành trình gian nan và 10% cơ hội sống sót
Bệnh nhân Stephen Cameron đến Việt Nam từ đầu tháng 3 để làm việc cho Hãng Hàng không Vietnam Airlines. Ngày 18.3, bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh và nhanh chóng trở thành bệnh nhân COVID-19 nguy kịch nhất cả nước - hôn mê trong nhiều tuần, các chức năng tim, phổi, thận, gan đều suy giảm. Bệnh nhân phải nhờ đến biện pháp điều trị ECMO (oxy hóa qua màng ngoài cơ thể) để duy trì sự sống, dung tích phổi lúc này giảm xuống chỉ còn 10%, cơ hội sống sót là rất thấp.
Tuy nhiên, sau 10 tuần điều trị, bệnh nhân cuối cùng đã tỉnh lại. BBC đã làm một phép so sánh, khi bệnh nhân 91 bắt đầu thở máy vào tháng 4, toàn thế giới có 1 triệu ca COVID-19, nhưng khi ông tỉnh lại vào 12.6, con số này đã tăng lên hơn 7 triệu. Hãng tin này cũng cho hay, Việt Nam đã tránh được hậu quả tồi tệ nhất của virus và không hề có ca lây nhiễm cộng đồng kể từ 16.4.
Nỗ lực cứu sống bệnh nhân của Chính phủ Việt Nam
Một tờ báo khác của Anh - The Guardian đã lên tiếng ca ngợi, Việt Nam, một quốc gia chưa báo cáo trường hợp tử vong nào do COVID-19, đã tập trung tất cả các nguồn lực sẵn có và chi hơn 200.000 USD để cứu sống bệnh nhân.
Cùng với đó, hàng chục chuyên gia y tế hàng đầu của Việt Nam đã thường xuyên tổ chức các hội chẩn để thảo luận về tình trạng của bênh nhân Cameron, hàng trăm nghìn USD đã được chi ra để điều trị, theo tin từ BBC.
Tờ báo Anh dẫn lời PGS.TS, Bác sĩ Lương Ngọc Khuê, tham gia nhóm chuyên trách ứng phó COVID-19 của Bộ Y tế Việt Nam, khẳng định: \'\'Chúng tôi tập trung ở mức cao nhất vào việc điều trị bệnh nhân, cả cơ sở vật chất và nguồn nhân lực, bất kể họ là người Việt Nam hay người nước ngoài\'\'.
Lòng biết ơn chân thành
Theo Daily Mail, Tổng lãnh sự Anh Ian Gibbons hôm 21.5 đã gửi thư tới Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh để bày tỏ lòng biết ơn đội ngũ y tế Việt Nam vì \'\'sự chăm sóc tuyệt vời\'\' dành cho bệnh nhân Anh. Trong thư có đoạn viết: "Họ đã làm việc không mệt mỏi và không tiếc công sức giúp đỡ bệnh nhân Cameron trong suốt thời gian nguy kịch trong bệnh viện".
Bệnh nhân Cameron hiện vẫn cần nhiều thời gian trước khi bình phục hoàn toàn, tuy nhiên ông đang rất nóng lòng được về nhà. Với tốc độ bình phục như hiện nay, dự kiến ông sẽ được đưa trở về Anh vào ngày 12.7 tới. Cuộc chiến cam go giành sự sống của viên phi công Anh đã thành công ngoạn mục.
Ông Cameron bộc bạch: \'\'Nếu ở bất cứ nơi nào khác, tôi có lẽ đã chết... Tôi cảm thấy vinh dự khi biết mình nhận được sự quan tâm của người dân Việt Nam. Và trên hết tôi biết ơn các bác sĩ điều trị đã quyết tâm cứu mạng sống cho tôi\'\'.
Cuối cùng, trong phần kết của bài viết, Hãng tin BBC khẳng định: \'\'Sự hồi sinh thần kì của bệnh nhân 91 không chỉ là câu chuyện một phi công người Anh bình phục trước COVID-19, đó cũng là câu chuyện về cách mà một đất nước Đông Nam Á đang phát triển đánh bại khó khăn, thử thách\'\'.
Phương Linh
Báo chí thế giới ca ngợi Việt Nam chữa trị cho phi công Anh mắc COVID-19
\'\'Nếu ở bất cứ nơi nào khác, tôi có lẽ đã chết\'\', BBC dẫn lời phi công Anh - bệnh nhân COVID-19 số 91 của ... |
Ngày đăng: 14:14 | 08/07/2020
/ laodong.vn