Giò chả, thịt, bánh chưng... là những thực phẩm phổ biến sau Tết được các gia đình tận dụng chế biến và sử dụng lại.
Sau Tết Nguyên đán, hầu hết các gia đình đều dư thừa nhiều thực phẩm. Nhiều nhà có thói quen chế biến đi chế biến lại, thậm chí sử dụng các thực phẩm đã để lâu ngày. Điều này khiến tình trạng ngộ độc thực phẩm sau Tết tăng cao.
Theo các chuyên gia y tế, những thực phẩm hỏng, bị nấm mốc rất nguy hiểm. Khoa học đã chứng minh, ăn thức ăn nhiễm nấm mốc có thể xảy ra ngộ độc cấp tính, thậm chí ngộ độc mạn tính nếu cơ thể tích lũy dần những lượng nhỏ nấm mốc và độc tố nấm.
Các bác sĩ cho biết, gần 40% loài nấm mốc có thể sản sinh ra độc tố, mức độ khác nhau nên gây bệnh khác nhau. Loại ít độc hoặc một liều lượng nhỏ độc tố nấm chỉ gây ngộ độc nhẹ, người bệnh bị nôn mửa, tiêu chảy, choáng váng. Độc tố vi nấm tích lũy dần trong cơ thể lâu dần dẫn đến bệnh hiểm nghèo như ung thư, suy thận. Do đó, thực phẩm bị nấm mốc thì không nên ăn.
Bánh chưng là món ăn ngày Tết rất dễ mốc nếu để lâu.
Vậy chúng ta cần xử lý những thực phẩm dư thừa này thế nào để không lãng phí mà vẫn đảm bảo sức khỏe.
Những thực phẩm hỏng
Bánh chưng, bánh tét là món ăn quen thuộc dịp Tết. Hầu như nhà nào cũng tích trữ bánh chưng lâu ngày để ăn. Tuy nhiên, đây cũng là loại thực phẩm dễ bị nấm mốc nhất. Nếu thấy các góc bánh chưng, bánh tét bị nhão, chảy nước, vị hơi the thì bạn nên vứt bỏ toàn bộ, không nên chỉ cắt bỏ phần hư hỏng.
Cũng như bánh chưng, bánh tét, các loại mứt, bánh ngọt được sản xuất từ nhiều nguyên liệu khác nhau như bột, đường, bơ, sữa, trứng... Nếu để lâu, bảo quản kém, bánh mứt dễ bị hỏng do vi sinh vật và nấm mốc. Nếu thấy mứt chảy nước là cần bỏ đi ngay. Bên cạnh đó, khi thấy bề mặt các loại bánh ngọt chảy nước, mất mùi vị, màu sắc biến đổi hoặc mất màu sắc đặc trưng bạn cũng cần bỏ ngay.
Tương tự như vậy, giò, chả, lạp xưởng, thịt luộc, thịt ngâm nước mắm... biểu hiện đổi màu so với ban đầu, xuất hiện các đốm vàng, cam, xanh; biểu hiện nấm mốc; sờ thấy nhớt; ngửi có mùi lạ; nếm có vị lạ các gia đình đừng giữ lại.
Nếu bạn tiếc mà ăn những thực phẩm bị hỏng sẽ dễ bị ngộ độc thực phẩm, kéo theo nhiều bệnh nguy hiểm khác như nhiễm trùng dạ dày, ruột; nặng hơn có thể nhiễm trùng máu; làm nặng thêm các bệnh lý có sẵn.
Cách xử lý thức ăn dư thừa sau Tế
- Hãy "ăn rau trước": Các loại rau lá xanh bị mất vitamin nghiêm trọng sau khi đun nhiều lần và nitrit rất dễ hình thành qua đêm. Nếu như bạn không muốn lãng phí thì hãy ăn rau trước.
- Bọc kín thực phẩm, bỏ tủ lạnh kịp thời: Một số món ăn còn nhiều nên cho vào ngăn đá cấp đông để sử dụng dần. Ví dụ măng hầm giò heo có thể cho vào hộp với lượng đủ dùng một lần, rồi cho vào ngăn đá bảo quản.
Các loại thịt, tôm, cá, khoai củ nên cho vào ngăn đá cấp đông để kéo dài thời gian sử dụng. Tủ lạnh gia đình cấp đông thực phẩm chỉ ở mức độ cơ bản nên thời hạn sử dụng không thể kéo dài như cấp đông công nghiệp.
Các bà nội trợ cần lưu ý, các loại thịt sau khi cấp đông nên sử dụng trong một tuần. Đối với thủy hải sản nên sử dụng trong vòng 5 ngày sau khi cấp đông. Các loại thịt đã được chế biến khô, nếu chưa cắt bao bì thì sử dụng trong vòng một tháng kể từ ngày cấp đông.
Để nhớ được hạn sử dụng, bạn nên lưu ý ghi chú ngày cấp đông trên bao bì để biết ngày "hết hạn" sử dụng thực phẩm.
- Bảo quản giò chả, bánh chưng, lạp xưởng:
Với bánh chưng: Bánh chưng bị mốc là tình trạng rất phổ biến bởi tiết khai xuân thường kèm với khí hậu nồm ẩm. Nếu bánh chưng của bạn được bảo quản trong tủ lạnh mà bị mốc, bạn có thể gọt bỏ phần mốc bên ngoài và sử dụng phần bánh không bị mốc còn lại bình thường. Nếu bánh chưng bảo quản ở nhiệt độ thường, nấm mốc lên thành sợi, bánh chuyển mùi chua thì nên bỏ đi vì đó là hiện tượng mốc do nhiễm khuẩn. Một hiện tượng khác thường gặp ở bánh chưng là bánh bị lại gạo. Để khắc phục tình trạng này, bạn chỉ cần luộc lại bánh. Nhưng lưu ý là chờ nước thật sôi rồi mới thả bánh chưng vào để tránh bị nhão.
Giò, chả: Sau Tết, nếu lượng giò chả chuẩn bị còn dư lại nhiều, bạn nên cắt giò chả thành miếng vừa ăn, rim mặn với nước mắm rồi chia ra thành nhiều hộp nhỏ theo khẩu phần ăn của gia đình trong một bữa.
Cách xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm tại nhà
Theo các bác sĩ, với những trường hợp bị ngộ độc thực phẩm nhẹ có thể xử trí ở nhà bằng cách cố gắng nôn hết thực phẩm đã ăn, hoặc uống nước gây nôn nếu người bệnh từ 2 tuổi trở lên, tỉnh táo, mới ăn trong vòng vài giờ và chưa nôn.
Trường hợp bị ngộ độc thực phẩm nặng, gia đình cần nhanh chóng gọi cấp cứu hoặc nhân viên y tế, người hỗ trợ để đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Một điều quan trọng cần lưu ý là người thân nên giữ lại thực phẩm nghi ngờ, bao gồm nhãn mác, thậm chí chất nôn của người bệnh để giúp việc xác định nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm, sẽ dễ dàng hơn trong việc cấp cứu.
https://vtc.vn/banh-chung-sau-tet-co-dau-hieu-nay-bo-ngay-keo-ngo-doc-ar739672.html
Ngày đăng: 20:04 | 03/02/2023
Vân Anh / VTC News