Hôm về thăm nhà, thấy bố tôi đề xuất với mẹ: “Tết năm nay bà làm vài cái bánh chưng không nhân nhá. Thịt thà mãi chán”. Mẹ tôi thở dài, đáp: “Ôi dào. Cùng lắm mới phải ăn bánh chưng không nhân mà ông”. Thì ra cả bố và mẹ vẫn nhớ.
Hồi đó, nhà tôi mới dọn vào Lâm Đồng xây dựng kinh tế mới. Vườn chưa có gì thu, để nuôi 5 đứa con, bố mẹ phải đi rừng lấy mây về bán, có đêm ngủ lại trong rừng. Sau những lần đi rừng về, bố cởi tất ra cho anh Hai tôi bắt vắt. Đó là “thú vui tao nhã” của anh Hai. Anh lấy được ở chân bố những con vắt đầy máu, tròn lẳn như đầu đũa. Chỉ nhìn những con vắt thôi, tôi đã thấy ghê rợn, không thể hình dung bố mẹ khốn khổ thế nào.
Có lần, sau một tuần ngủ ở rừng về, bố lên cơn sốt dữ dội. Mẹ nói bố tiểu ra cả thau máu. Mẹ với bác Tường, bác Thủy, hai người hàng xóm thân thiết của gia đình phải đưa bố đi bệnh viện. Bố nằm ở bệnh viện tỉnh vài ngày rồi người ta phải chuyển bố xuống Sài Gòn. Mẹ tất tả bế thằng út đi nuôi bố, dặn anh Hai ở nhà trông các em.
Mấy hôm sau, bác Tường về. Bác đi khắp xóm mượn mỗi nhà một ít tiền để đem xuống Sài Gòn đóng viện phí cho bố. Bác bảo bố bị bệnh thận nặng lắm, phải mổ. Nghe vậy, anh Hai tôi vào bếp lấy hũ gạo ra đong từng lon một. Anh đếm đi đếm lại được chục lon. Anh tính, 4 anh em ngày chỉ được ăn nửa lon gạo. 20 ngày nữa là tết, bố mẹ về đong gạo nếp gói bánh chưng.
Nhưng đến 30 Tết, bố mẹ vẫn chưa về. Hôm ấy, anh Lân bạn của anh Hai len lén giấu sau lưng một lon gạo nếp mang qua nhà tôi: “Mẹ tao đang gói bánh chưng. Tao lấy trộm cho mày. Mày đợi đây. Tao về xúc thêm lon nữa”. Hình như lần sau, anh Lân bị bắt quả tang. Nhưng mẹ anh không đánh anh. Bác mang qua cho anh em tôi thêm 2 lon gạo nếp nữa, bảo anh Hai gói bánh cho các em ăn tết. Anh vui lắm, cầm dao chạy ra bờ rào chặt tre chẻ lạt, đi róc lá rong để gói bánh.
Anh tôi - mười hai tuổi, xếp lá, xếp 3 lon gạo ra cái thúng to đùng, gãi đầu nhìn 3 đứa em gái vây quanh: “Anh biết gói, gói thế này, thế này”. Xoay xở cả buổi chiều, anh cũng gói được 3 cái bánh chưng méo mó, không có nhân. Vừa gói xong thì bác Tường ghé qua nhà, cho 3 miếng đậu phụ trắng. Bác bảo, đêm nay bố mẹ về.
Đêm, bố mẹ về thật. Bố được bác Thủy dìu một bên, mẹ dìu một bên. Bác Tường bế thằng út đi sau. Vừa thấy mấy anh em tôi, mẹ trào nước mắt hỏi: “Các con ăn cơm chưa?”. Đó là cái tết vui nhất trong ký ức của tôi. Nhà hết dầu, trong ánh lửa lờ mờ của bếp củi, tôi thấy bố gầy xọp nhưng vẫn cố cười tươi. Mẹ ôm thằng út và phụ anh Hai tôi trông nồi bánh chưng. Năm đó, nhà tôi có 3 cái bánh chưng không nhân và 3 miếng đậu phụ trắng để đón tết.
Hơn hai mươi năm trôi qua. Giờ đây, 5 anh em tôi đều đã lớn khôn, đi làm xa mỗi người mỗi nơi. Căn nhà rộng thênh thang chỉ có bố mẹ ở. Thấy tôi về chơi, bố hỏi: “Tết đứa nào xung phong về dọn nhà cho bố?”. Tôi hồn nhiên đáp: “Con phải về nhà nội trước bố ạ. Chắc mấy chị con cũng thế”. Bố cười buồn, lẩm bẩm, tưởng tôi không nghe thấy: “Ngày xưa, bánh chưng không nhân cũng thành tết, giờ thịt thà lắm mà tết vẫn nhạt”.
Làng bánh chưng Tranh Khúc vào vụ Tết
Gần đến Tết cổ truyền, làng Tranh Khúc lại nhộn nhịp với những nồi bánh chưng dẻo thơm, nóng hổi. |
Làng làm bánh chưng lớn nhất Đồng Nai hối hả vào Tết
Những ngày này, làng làm bánh chưng ở phường Hố Nai (TP Biên Hòa, Đồng Nai) bước vào đợt cao điểm sản xuất hàng phục ... |
Ngày đăng: 10:33 | 05/02/2018
/ https://laodong.vn