Bạn hãy tưởng tượng rằng mình đang ở trong một quán ăn vỉa hè ở Bangkok.
bàn tay
Thành phố này, giống như Hà Nội hay Sài Gòn, nổi tiếng vì những quán ăn đường phố. Nhưng có một vài điểm khác biệt rất cơ bản. Bạn nhìn xuống dưới chân: mặt đất không một cọng rác. Bạn liếc nhìn tủ kính bày gà vịt của ông đầu bếp: mặt kính trong suốt. Bạn chạm tay lên mặt bàn: không có dầu mỡ bám. Bạn nhìn khuôn mặt của người làm công: họ luôn chân luôn tay, nhưng vẫn giữ nét mặt tươi tỉnh đón khách.
Bát mì ở một quán ăn như thế này, được bán với giá 50 bath, theo tỷ giá hiện nay thì đúng bằng một bát bún/phở ở Hà Nội hoặc Sài Gòn. Và bạn tự hỏi: Tại sao lại không có rác?
Người bạn đồng hành của tôi trong chuyến đi Bangkok lần ấy, giữa một quán ăn bình dân trong chợ Chatuchak, đã hỏi câu đó. Và tôi trả lời: Vì bàn tay vô hình đã dọn rác.
“Bàn tay vô hình” là khái niệm do Adam Smith đề xuất vào thế kỷ 18, để mô tả sức mạnh của thị trường tự do, khi xã hội vô tình được lợi vì các hành vi phục vụ mục đích cá nhân. Nó thể hiện ở trong các quán ăn bình dân như thế này:
Nếu người phục vụ không luôn tay luôn chân dọn dẹp, anh ta biết mình sẽ bị thay thế.
Nếu người chủ không liên tục đốc thúc người làm công, không bằng mọi giá thay thế người làm công lười biếng, anh ta cũng sẽ bị thay thế (bởi một quán ăn sạch hơn). Và trên hết, nếu chính quyền không thể tạo ra một môi trường làm ăn nơi trăm hoa đua nở, khiến cho người chủ quán ăn phải chịu áp lực cạnh tranh, tối ưu hóa tiền thuế thu về, thì “ông chính quyền” cũng sẽ bị thay thế.
Ngược lại, khi các cá nhân này tự tối ưu hóa công việc của bản thân, họ sẽ được thị trường tưởng thưởng. Trong cơ chế vận hành của “bàn tay vô hình”, mỗi cá nhân chỉ cố làm lợi cho bản thân mình, nhưng lại tạo ra lợi ích công.
Hãy rời khỏi tưởng tượng Bangkok, và quay trở lại với một quán ăn bình dân điển hình tại Hà Nội. Dưới gầm và trên mặt bàn đầy giấy rác, người phục vụ có móng tay dài, di chuyển uể oải và chỉ chịu động tay sau rất nhiều gắt gỏng của khách. Đôi lúc, họ gắt gỏng ngược với khách. Bạn đi trên một thảm giấy ăn trắng lóa để bước vào quán. Tôi thậm chí biết những người bạn ngoại quốc đã bật khóc nức nở vì sợ hãi trong một quán ăn như thế. Một hiện thực phi lý. Câu hỏi đặt ra: có điều gì đã sai để “bàn tay vô hình” không hoạt động?
Người làm công không lau dọn cũng không đối mặt khẩn cấp với nguy cơ bị thay thế. Bởi vì bà chủ quán thờ ơ cũng chẳng đối mặt với áp lực của sự cạnh tranh. “Môi trường đầu tư” của nước ta không cho phép người ta mở quán ra tranh phần với bà dễ dàng như vậy.
Đơn cử, sau tất cả những phát biểu của lãnh đạo Hà Nội và Sài Gòn, thậm chí là tuyên bố chắc nịch về việc “có bảo kê vỉa hè” trong năm 2017, chưa thấy một trường hợp cán bộ bảo kê nào được lôi ra xử lý nghiêm khắc, loại trừ. Có thể hiểu rằng sự tồn tại của bà chủ quán vốn đòi hỏi nhiều “kỹ năng sinh tồn” hơn là phục vụ thị trường. Và vì thế, không dễ gì bà bị một quán ăn mới mở ra thay thế. Cuối cùng, khách hàng không có nhiều lựa chọn, nên quán của bà bẩn cũng không sao.
Trên tất cả, dường như người chịu trách nhiệm quản lý môi trường đầu tư này, cũng không chịu nhiều áp lực bị thay thế nếu nó hoạt động thiếu hiệu quả. Ở đây, thị trường không được phát huy tối đa sức mạnh của nó, và “bàn tay vô hình” không thể dọn rác dưới gầm bàn.
Trong các mệnh đề trên, bạn có thể thay thế bà chủ quán ăn bình dân bằng chủ doanh nghiệp, thay thế quán ăn bằng một cơ quan công, hoặc thậm chí là công ty tư nhân. Bạn có thể thay cô phục vụ quán ăn bằng một nhân viên tổng đài hay kỹ thuật. Theo lý tưởng của thị trường tự do, những thứ tồn tại phải là thứ hiệu quả nhất (như là một quán ăn sạch sẽ). Nhưng ở nước ta, có những công ty tồn tại vì chúng thực sự hiệu quả, nhưng cũng có những công ty tồn tại chỉ là vì… nó tồn tại. Đó có thể là một doanh nghiệp thân hữu, một doanh nghiệp biết điều hoặc một doanh nghiệp may mắn. Ngay tại chuyên mục này, đại diện của giới doanh nghiệp Việt Nam đã từng tuyên bố rằng họ “không dám lớn mạnh” – vì sợ những phiền toái mà các cơ quan công quyền có thể mang tới. Sẽ rất khó có chuyện “trăm hoa đua nở” để rồi thứ hiệu quả nhất trên thị trường được tôn vinh. Những thứ tồn tại, không cần là thứ tốt.
Nếu lần sau đi ăn, và nhìn thấy dưới gầm bàn đầy rác, bạn hãy thử tưởng tượng ra gương mặt của người đáng ra phải dọn đống rác này. Có vẻ hơi lạ lùng: người chịu trách nhiệm dọn rác, thật không phải là cô bé làm công đang uể oải ngồi lướt facebook ở đằng xa. Cô có quyền ngồi chơi chừng nào thị trường chưa gây đủ áp lực cần thiết. Người phải dọn rác, thật là một nhà ban hành chính sách hoặc thi hành luật pháp nào đó đã khiến “bàn tay vô hình” của thị trường bị trói chặt ở xứ sở này.
Rất có thể nếu Adam Smith sinh ra tại Việt Nam, ông sẽ đề xuất một khái niệm “bàn tay vô hình” khác. Một bàn tay quyền lực tác động lên thị trường khiến nó trở nên thiếu sức sống, và “vô hình” vì chúng hoạt động dưới gầm bàn, nhưng không phải để dọn rác.
Nạn karaoke
Hơn 70 ha, công viên Bình Dương khiến tôi liên tưởng đến những công viên thênh thang xanh mướt bóng cây ở các thành phố ... |
Phía sau một kỷ lục
Việt Nam năm nay lập kỷ lục lượng khách quốc tế. Tính đến hết tháng 8, gần 8,5 triệu lượt khách tới Việt Nam, tăng ... |
Ngày đăng: 08:30 | 28/12/2017
/ Đức Hoàng/VnExpress