30 triệu đồng - số tiền người dân phải nộp cho UBND phường nếu muốn “làm nhà” cho người khuất tại nghĩa trang phường Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Việc mua 1 lô đất “làm nhà” cho người đã khuất trong nghĩa trang ở phường Xuân Đỉnh hiện được cho là không khó, miễn là người dân phải ... “khéo léo”.
Trong khi đó, từ năm 2008, HĐND xã Xuân Đỉnh đã thông qua Nghị quyết của HĐND về vấn đề thu tiền đối với việc mai táng tại nghĩa trang của xã. Sau đó, quận Bắc Từ Liêm đã kiểm tra và phát hiện ra việc thu sai, yêu cầu HĐND phường bỏ nghị quyết này.
Chỉ cần “biết ý một chút...”
Trong vai một người có hộ khẩu thường trú tại quận Đống Đa đang có nhu cầu mua đất an táng cho người thân tại nghĩa trang phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm), chúng tôi được nhiều người chỉ đến gặp người đàn ông tên Đậu, Ban quản lý nghĩa trang phường Xuân Đỉnh. Tại đây, hàng loạt những vấn đề “mờ ám” trong việc mua bán đất cho người mất được ông quản trang hé mở...
Người đàn ông tên Đậu, tuổi khoảng lục tuần tỏ ra khá thận trọng khi nghe chúng tôi đặt vấn đề muốn mua đất an táng cho người thân tại nghĩa trang, nhưng sau khi nghe nói là người quen của lãnh đạo quận Bắc Từ Liêm thì ông Đậu bắt đầu cởi mở.
Theo ông Đậu, người có hộ khẩu thường trú tại quận Đống Đa thì không được chôn cất tại nghĩa trang này, nhưng nếu muốn đưa người thân về đây cũng không khó, cứ liên lạc với UBND phường Xuân Đỉnh, sẽ được hướng dẫn cụ thể.
“Tôi chỉ là quản trang, trông nom giúp việc cho Ủy ban thôi, các cháu đến UBND phường Xuân Đỉnh nhé, không phải phường Xuân Tảo đâu, nghĩa trang này thuộc quyền quản lý của phường Xuân Đỉnh” - ông Đậu hướng dẫn.
Thấy chúng tôi tỏ ý lo ngại về việc không quen biết ai ở phường, gặp lãnh đạo như thế nào, ông Đậu gợi ý, “bằng con đường đối ngoại cả, các cháu quen biết ở quận thì cứ lên gặp trực tiếp Chủ tịch phường để liên hệ, cũng không khó lắm đâu; các sếp mà chấp nhận được thì các cháu phải nộp cho phường 30 triệu đồng, ngoài ra, các loại dịch vụ ở đây như xây, ốp, vệ sinh là tiền riêng, việc chôn tươi hay chôn khô tiền dịch vụ như nhau hết. Ban quản lý nghĩa trang chỉ được phép thu tiền dịch vụ thôi, còn tiền khác phải hiểu là mua đất để được về nghĩa trang của địa phương”.
Trả lời thắc mắc về việc đưa người thân về đây chắc là khó lắm, ông Đậu cho biết: “Khó hay không thì do mình làm việc với ủy ban phường và sự khéo léo tế nhị của mình mà thôi, cũng cần phải có chút thể hiện tình cảm”…
Ông Đậu chỉ dẫn, “lên phường thì gặp thẳng Chủ tịch phường, chỗ anh Tuyển, trước hết nên vận dụng tất cả các mối quan hệ của mình với lãnh đạo phường, không thì lãnh đạo quận, quận Bắc Từ Liêm cũng được, quận Nam Từ Liêm cũng được, cũng đều là quân của huyện Từ Liêm ngày xưa tách ra, các anh ấy sẽ gọi thẳng về cho Chủ tịch hoặc Bí thư Đảng ủy phường, ít nhiều, đây là những mối quan hệ đối nội, đối ngoại, chứ các cậu tự dưng mà liên lạc hỏi an táng cho người thân ở nghĩa trang địa phương như thế này thì khó đấy, nhưng khó không phải không làm được...”
Rồi ông Đậu cẩn thận dặn dò: “Khi lãnh đạo phường đã mở đường, người dân phải đóng 30 triệu, đây là quy định bắt buộc, có hóa đơn chứng từ gửi cho gia đình, còn ngoài ra thì cảm ơn lãnh đạo, con số là vô cùng, tùy theo mối quan hệ, tôi chỉ mách cho cậu đến thế thôi, đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn...”
Tiếp lời ông Đậu, một người đàn ông ngồi trong Ban quản trang nói: “Gặp chủ tịch không khó thì còn gặp ai khó nữa, nhưng cứ đến tận nơi, nói luôn với ông ấy là anh giúp cho em, nguyện vọng của gia đình em là như thế, nói trực tiếp, nếu có người quen chủ tịch thì càng tốt, còn nếu không quen biết thì phải “biết ý” một chút...”
“Hiện nay tỷ lệ an táng ở đây ít lắm, một năm có khoảng 5 đến 7 cụ qua đời án táng ở đây thôi, còn lại hỏa táng hết, sau đó mới đem về đây chôn. Đối với người ngoài địa phương thì số tiền bắt buộc phải đóng là 30 triệu đồng, còn người địa phương sinh ra và lớn lên ở đây, có hộ khẩu thường trú tại đây, xã viên thì 1 triệu, hưu trí thì 2 triệu, đây là quy định cứng bắt buộc ai cũng phải nộp”, ông Đậu nhắc lại.
Không đóng tiền - không giấy chứng tử
Theo một số người dân địa phương, việc chôn cất thân nhân của họ tại nghĩa trang là rất khó, trước đây an táng tại nghĩa trang, người dân chỉ đóng mỗi tiền dịch vụ là xong, nhưng hiện nay ngoài các khoản tiền dịch vụ thì họ phải bắt buộc đóng thêm người thì 1 triệu đồng, người 2 triệu đồng, có người phải đóng cả chục triệu, đây là số tiền UBND phường bắt buộc phải đóng, nếu không đóng sẽ không cấp giấy chứng tử cho.
Chị Nguyễn Thị P - phường Xuân Đỉnh - có người thân vừa mới qua đời cho biết: Anh em chúng tôi là người địa phương nhưng kinh tế gia đình không được khá giả lắm, khi mẹ tôi mất, chúng tôi phải lo ngoài việc nộp tiền cho ủy ban để lấy giấy chứng tử, chúng tôi còn phải nộp một khoản tiền được cho là bắt buộc để mua đất với giá 10 triệu đồng/lô. Việc thu này chúng tôi thấy có rất nhiều khuất tất, mà hỏi thì không ai trả lời cả.
Bà Đỗ Thị Th - tổ dân phố 4 (phường Xuân Đỉnh)- bức xúc: Người chính gốc ở đây, khi mất lên phường bắt đóng 2 triệu đồng. Chúng tôi cũng thắc mắc nhưng không ai trả lời. Nếu không đóng thì họ không làm giấy báo tử, không có chỗ chôn. Từ ngày vào HTX, chúng tôi năm nào cũng phải đóng quỹ phúc lợi, đến 70 tuổi mới không thu phúc lợi nữa. Nếu cứ “xã hội hóa chỗ chôn” thế này, nhà nghèo thì không biết sẽ chôn ở đâu.
Khi người chết không còn... kiếm được ra tiền
Lý giải về việc “xã hội hóa chỗ chôn”, ông Trần Trung Tuyển - Chủ tịch UBND phường Xuân Đỉnh - cho biết: “Ở đây chúng tôi thu xã hội hóa, ai có tiền ủng hộ thì phường thu thôi, chứ đâu ép buộc. Năm 2008, HĐND xã Xuân Đỉnh đã thông qua Nghị quyết của HĐND về vấn đề thu tiền đối với việc chôn cất người chết tại nghĩa trang. Sau đó, quận Bắc Từ Liêm đã kiểm tra và phát hiện ra việc thu sai, yêu cầu HĐND phường bỏ nghị quyết đó.
Thực tế, cho đến thời điểm hiện tại, phường Xuân Đỉnh không đề ra những khoản thu đó. Những gì mà cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn phường tham gia đóng góp hoặc trường hợp đặc biệt có công với địa phương, chúng tôi sẽ thông qua ý kiến của Đảng ủy, HĐND, MTTQ nếu có sự đồng thuận, đóng góp thì chúng tôi sẵn sàng đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của những người có công đó, cho họ vào chôn cất tại nghĩa trang”.
Tuy nhiên, ông Tuyển cũng thừa nhận, hiện nay chúng tôi không có 1 văn bản nào liên quan đến việc thu các khoản trên, tất cả đều là xã hội hóa.
Đối với các mức thu 10 triệu, 20 triệu và 30 triệu đồng để mua đất mai táng tại nghĩa trang, ông Tuyển cho biết: “Mức thu trên tồn tại khi HĐND xã Xuân Đỉnh ban hành nghị quyết từ năm 2008. Người dân truyền tai nhau đóng góp từ nghị quyết sai đó đến nay.
“Hiện nay, nhân dân tự nguyện đóng góp thì UBND phường Xuân Đỉnh vẫn thu tiền đất an táng của người đã khuất. Theo tôi, người chết không còn kiếm được ra tiền, nhưng thân nhân người chết có quyền được đóng góp cho địa phương. Chúng tôi khẳng định, nếu người dân tự nguyện đóng góp, chúng tôi không thu sai theo quy định. Chúng tôi có toàn quyền thu các khoản nguời dân tự nguyện đóng góp liên quan đến việc chôn cất ở nghĩa trang phường” - ông Tuyển nói.
Trả lời câu hỏi về việc nhiều người không sinh sống tại địa phương những vẫn có thể chôn cất tại đây, Chủ tịch phường Xuân Đỉnh thừa nhận: Tỉ lệ những người có đóng góp cho địa phương rất ít, mỗi năm có 1 đến 2 trường hợp. Tuy nhiên, khi được hỏi về số tiền xã hội hóa liên quan đến việc mai táng người mất lên tới hàng tỉ đồng ở đâu thì ông Tuyển từ chối trả lời.
Tại kết luận thanh tra số 3839 của Thanh tra TP.Hà Nội về Thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm trong Quản lý điều hành ngân sách nêu rõ: UBND phường Xuân Đỉnh đã tiến hành thu đóng góp của các cá nhân có thân nhân chết, có nguyện vọng được mai táng tại nghĩa trang Xuân Đỉnh mức thu là 1 triệu, 2 triệu, 10 triệu, 30 triệu (tùy theo từng đối tượng có hộ khẩu, có sinh sống hay không có hộ khẩu, không sinh sống trên địa bàn phường), với tổng số tiền thu trong 2 năm là 950.500.000 đồng. |
2.322 ngôi mộ vắng chủ ở nghĩa trang Bình Hưng Hoà đi về đâu?
Hiện còn 2.322 ngôi mộ thuộc dự án di dời nghĩa trang Bình Hưng Hoà giai đoạn 1 (12 ha), quận Bình Tân, TP.HCM, không ... |
Lo đất nghĩa trang trong Long Thành đắt hơn biệt thự hạng sang
Với hơn 50ha quy hoạch nghĩa trang, ĐB lo đất khu vực này trong tương lai có thể còn đắt hơn nhiều so với đất ... |
Ngày đăng: 08:30 | 29/12/2017
/ Lao động