Mạng xã hội này liên tục “tấn công” nếu bạn không đăng nhập thường xuyên với mục tiêu làm đẹp các con số trong các bản báo cáo của mình.
Đã một năm kể từ ngày Rishi Gorantala xóa ứng dụng Facebook khỏi smartphone, công ty này liên tục “tấn công” anh bằng email với mong muốn đưa anh trở lại.
Họ bắt đầu bằng cách gửi cảnh báo đến anh vài ngày một lần về những gì bạn bè đã đăng hoặc bình luận – mỗi lần đều mời gọi anh click vào một đường link và xem nội dung trên Facebook. Rishi hiếm khi làm vậy.
Thông báo, cảnh báo đến phát ngán
Sau đó, mỗi tuần một lần vào tháng 9 năm ngoái, anh nhận được thông báo từ địa chỉ dịch vụ bảo mật khách hàng của Facebook. “Có vẻ như bạn gặp vấn đề khi đăng nhập Facebook”, email này nói. “Chỉ cần nhấn vào nút bên dưới, chúng tôi sẽ giúp bạn đăng nhập”, anh tất nhiên không làm vậy nhưng anh tin không phải ai cũng có cùng suy nghĩ.
Facebook tìm mọi cách giữ chân người dùng. Ảnh: Bloomberg. |
“Nội dung email họ gửi giống như đang cố gắng lừa bạn”, Gorantala, 35 tuổi, sống ở Chile cho hay. “Giống như có ai đó cố gắng truy cập vào tài khoản của tôi và tôi nên đăng nhập thử”.
Facebook, với khoảng 2 tỷ người dùng hàng tháng, chưa bao giờ dừng mong muốn thu hút thêm người dùng. Để đạt kỳ vọng của các nhà đầu tư về con số người dùng, việc giữ lại những người như Gorantala cũng quan trọng không kém tìm kiếm người dùng mới.
Những người đăng nhập Facebook ít, nhưng không hoàn toàn từ bỏ - đang nhận được ngày càng nhiều những lời mời gọi quay lại, đôi khi vài lần mỗi ngày thông qua email hoặc tin nhắn nhắc nhở. Gorantala, người hạn chế dùng Facebook vì vấn đề bảo mật, nói những lời mời gọi này xuất hiện “bất cứ khi nào tôi không đăng nhập trong vài ngày”.
Ngay cả với người dùng bình thường, Facebook cũng yêu cầu họ đăng bài nhiều hơn. Mạng xã hội này có một cửa sổ nhắc nhở ở trên khu vực News Feed, thường xuyên hiển thị các kỷ niệm, ngày kết bạn hoặc một vài thứ như bạn được tag trong 10 ảnh hay đạt 100 biểu tượng cảm xúc trái tim.
Lượng người dùng Facebook đang giảm
Từ quý I/2016, Facebook không còn công bố thông tin về việc người dùng bỏ ra trung bình bao nhiêu thời gian trên mạng xã hội Facebook mỗi ngày. Tuy nhiên, theo thống kê của Nielsen và Comscore, lượng người dùng đạt mức thấp kỷ lục trong quý III/2017.
Mặc dù vậy, kết quả tài chính của Facebook không có dấu hiệu bị ảnh hưởng. Quý gần nhất, họ đạt doanh thu 12,97 tỷ USD, đưa tổng doanh thu một năm xấp xỉ mức 40,3 tỷ USD. Vẫn còn rất nhiều đất trống cho Facebook ở thị trường quảng cáo di động, nơi Facebook và Google chiếm phần lớn thị phần.
Và mặc dù có chuyện gì xảy ra với ứng dụng Facebook, họ vẫn sở hữu một vài nền tảng lớn khác như Instagram, WhatsApp hay Messenger, những thứ bắt đầu phát sinh lợi nhuận khổng lồ.
Để được tính là người dùng thường xuyên hàng tháng, bạn phải đăng nhập hoặc chia sẻ nội dung trên Facebook ít nhất 1 lần trong 30 ngày gần nhất. Trở ngại lớn nhất cho việc tăng trưởng của Facebook là lượng người dùng đã bão hòa.
Hơn 2 tỷ người đang bị trói chặt với nền tảng của Facebook. Ảnh: Bloomberg. |
Toàn thế giới hiện có khoảng 3,6 tỷ người dùng Internet. Trong số khoảng 1,6 tỷ người không thường xuyên dùng Facebook, khoảng một nửa đến từ Trung Quốc, nơi Facebook bị chặn.
Facebook cho hay có “nhiều lý do” vì sao người dùng nhận được thông báo từ công ty. “Chúng tôi luôn tìm cách giúp người dùng truy cập vào tài khoản của họ nhanh và dễ dàng hơn, đặc biệt khi có thông báo từ bạn bè”, Lisa Stratton - người phát ngôn của Facebook - chia sẻ qua email với Bloomberg. “Email nhắc nhở vấn đề bảo mật không phải lời mời gọi”, công ty này cho biết.
Những động thái như nhắc nhở về bài đăng trong quá khứ, những kỷ niệm tình bạn xuất hiện từ tháng 8 năm ngoái vì một nhóm người dùng nói với Facebook rằng họ thích những lễ kỷ niệm.
Việc các công ty mời gọi người dùng bằng email hoặc tin nhắn vốn đã quá quen thuộc. Kuldeep Patil, 32 tuổi, xóa ứng dụng Facebook khỏi điện thoại nhiều tháng trước nói rằng anh nhận được ít nhất 2 tin nhắn mỗi ngày mời gọi quay lại. “Kuldeep, bạn có 90 thông báo, 6 tin nhắn và 4 lời mời tham gia nhóm” là một trong những lời mời như thế anh nhận được hồi tháng 12.
Giống Gorantala, Patil, sống tại Ấn Độ, hạn chế dùng Facebook vì lo ngại việc ứng dụng này theo dõi mình. Anh nói rằng những lời mời gọi gây phiền nhiễu đến mức họ cung cấp cả những thông tin chẳng có liên quan đến anh – chẳng hạn, một người vừa bình luận vào bài đăng cũ của họ, nơi anh từng bình luận.
Nghiên cứu của Facebook
Tháng 12 năm ngoái, Facebook còn tung ra một nghiên cứ cho rằng sức khỏe con người sẽ bị tổn hại khi sử dụng ứng dụng này một cách bị động, chẳng hạn đọc bài đăng của người khác mà không phản hồi. Nếu một ai đó tương tác với bạn thân, bình luận hoặc chia sẻ, điều này có thể giúp cải thiện sức khỏe theo hướng tích cực, nghiên cứu này kết luận.
Nói cách khác, giải pháp cho việc sức khỏe bị tổn hại do sử dụng Facebook là sử dụng nó nhiều lên. Càng sử dụng Facebook nhiều, bạn càng kết nối với nhiều người và khó thoát khỏi nó hơn. Gorantala thực sự lo lắng khi ứng dụng này biết quá nhiều về mình. Anh khẳng định rất khó để xóa bỏ hoàn toàn tài khoản Facebook. Nó vẫn lưu trữ hàng loạt hình ảnh của mình và các địa chỉ liên lạc không có trên điện thoại.
Một vài người khác vẫn giữ lại Facebook bởi họ không biết cách xóa tài khoản. Chỉ cần tìm kiếm từ khóa "how to delete...", gợi ý xóa Facebook sẽ xuất hiện trong nhóm đầu tiên. Nhiều người thích lựa chọn đơn giản hơn là deactive tài khoản.
Rogerio Pereira, một người dùng tại Bồ Đào Nha, thậm chí còn phải nhờ bạn bè chia sẻ với nhau trên Facebook rằng anh đã chết để Facebook đưa tài khoản của anh vào dạng “kỷ niệm” và thôi không làm phiền mình.
Nhóm người dùng Facebook vờ bán tiền giả để lừa đảo Nhóm thanh thiếu niên tuổi từ 13 đến 19 sử dụng Facebook cá nhân giả vờ rao bán tiền giả và cho số trúng (số ... |
Thời gian người dùng dành cho Facebook tiếp tục giảm Mark Zuckerberg, CEO Facebook, thừa nhận tổng số thời gian người dùng dành cho mạng xã hội lớn nhất thế giới đã giảm 5%. |
https://news.zing.vn/ban-bi-facebook-hanh-ra-sao-khi-co-gang-khoa-tai-khoan-post816639.html
Ngày đăng: 09:00 | 05/11/2019
/