Ở thời điểm thành lập (tháng 5-2007), Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) có 35 dự án dầu khí đang triển khai ở trong và ngoài nước (năm 2007, sản lượng khai thác bình quân đạt 46 nghìn thùng/ngày và 2 triệu m3 khí/ngày). Sau khi thành lập, PVEP đã nhanh chóng ổn định bộ máy tổ chức, phát triển các dự án dầu khí hiện có và mở rộng mạnh mẽ các hoạt động tìm kiếm, phát triển dự án mới ở cả trong và ngoài nước, số lượng và quy mô các dự án đầu tư ngày càng tăng. Chặng đường 10 năm phát triển vừa qua của PVEP đã ghi dấu biết bao sóng gió, thử thách ý chí và năng lực của tập thể người lao động PVEP, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư.
Ông Phạm Ngọc Khuê. |
Vững vàng trước sóng gió
Tính đến cuối năm 2010, PVEP có 54 dự án dầu khí ở cả trong và ngoài nước, hoạt động thăm dò khai thác dầu khí ở trong nước và nước ngoài được triển khai, mở rộng (tổng gia tăng trữ lượng trong giai đoạn này đạt khoảng 158 triệu tấn quy dầu (sản lượng khai thác bình quân đạt khoảng 61.000 thùng dầu/ngày và 4,3 triệu m3 khí/ ngày. Sản lượng khai thác tính đến 31-12-2010 là 12,6 triệu tấn dầu và 6,3 tỉ m3 khí); tiềm lực kỹ thuật, tài chính, năng lực quản lý điều hành được tăng cường cả về chất và lượng (doanh thu giai đoạn 2007-2010 đạt khoảng 118 nghìn tỉ đồng, đóng góp vào ngân sách Nhà nước khoảng 40 nghìn tỉ đồng); năng lực cạnh tranh, thương hiệu và uy tín trong cộng đồng dầu khí quốc tế được xác lập và ngày càng nâng cao.
Từ năm 2011 đến 2015, thực hiện Quyết định số 1381/QĐ-TTg ngày 12-8-2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch 5 năm (2011-2015) của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), trọng điểm đầu tư của PVN/PVEP là Đông Nam Á; Liên bang Nga và SNG; Nam Mỹ và châu Phi. PVEP đã tiếp tục phát triển ổn định và tạo ra sự thay đổi vượt bậc cả về chất và lượng; tính tự chủ được nâng cao; số lượng và quy mô các dự án đầu tư có bước phát triển đột phá; hoạt động thăm dò khai thác dầu khí ở trong và ngoài nước được đẩy mạnh và tiếp tục mở rộng.
Giai đoạn này, sản lượng khai thác trung bình đạt 74 nghìn thùng/ngày và 4,42 triệu m3 khí/ngày. Doanh thu giai đoạn 2011-2015 đạt khoảng 276 nghìn tỉ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 87 nghìn tỉ đồng. Tuy nhiên, việc giá dầu bắt đầu sụt giảm mạnh từ giữa năm năm 2014 và kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn tới công tác thực hiện chiến lược/định hướng đầu tư đã được phê duyệt của PVEP (tính đến 31-12-2015, PVEP triển khai 56 dự án trong và ngoài nước với cơ cấu dự án trong nước chiếm 77% và dự án nước ngoài chiếm 23%); tiềm lực kỹ thuật, tài chính, nhân lực, năng lực quản lý điều hành được nâng cao rõ rệt.
Từ năm 2016 đến nay, Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23-7-2015 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến 2025 và tầm nhìn đến 2035 có trọng điểm đầu tư là Liên bang Nga và SNG; Đông Nam Á; Bắc và Nam Mỹ; Bắc Phi và Trung Đông. Tuy nhiên, PVEP và ngành Dầu khí thế giới đã và đang chứng kiến những khó khăn kéo dài và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất kinh doanh do giá dầu suy giảm rất sâu (chạm đáy ~26USD/thùng vào tháng 1-2016) và kéo dài suốt từ giữa năm 2014 đến nay. Đây là quãng thời gian đầy khó khăn và thử thách với PVEP.
Để có thể tiếp tục phát triển ổn định, PVEP đã có những quyết sách lớn về đầu tư, mạnh dạn dừng, giãn dự án, chủ động đàm phán để cắt giảm chi phí, tái cơ cấu danh mục đầu tư để tăng hiệu quả sử dụng vốn. Với sự nỗ lực và quyết tâm cao độ, PVEP đã vững vàng trước sóng gió, dần ổn định và vượt qua các khó khăn, tiếp tục đóng góp to lớn cho nền kinh tế của đất nước, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, trong điều tiết nền kinh tế vĩ mô của Chính phủ và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Trong suốt quá trình triển khai công tác đầu tư, PVEP đã luôn bám sát chủ trương, chính sách, chiến lược và kế hoạch đã đề ra. Đối với dự án ở nước ngoài, chỉ thực hiện dự án vì mục tiêu kinh tế, đảm bảo hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, trong 10 năm qua, PVEP là đầu mối tổ chức đánh giá khoảng trên 385 cơ hội dự án dầu khí mới, trong đó có 15 cơ hội nghiên cứu, 273 cơ hội tìm kiếm thăm dò và 97 cơ hội phát triển khai thác. Tính đến đầu năm 2017, PVEP đang triển khai là 52 dự án dầu khí gồm 41 dự án trong nước và 11 dự án nước ngoài, trong đó PVEP điều hành 15 dự án, tham gia điều hành chung 11 dự án và tham gia góp vốn 26 dự án. Số lượng dự án tìm kiếm thăm dò là 25 dự án, dự án phát triển là 9 dự án và dự án khai thác là 18 dự án.
Tại nước ngoài, một số dự án đã thu được sản lượng khai thác như các mỏ Cendor, West Desaru tại Lô PM304, các mỏ Dorado và Piranna tại Lô 67 (Peru) đã cho dòng dầu đầu tiên trong năm 2013 và tới năm 2015 là mỏ Bir Seba tại Lô 433a&416b (Algeria). Thành quả này đã khẳng định bước đi đúng đắn và hiệu quả của PVEP trong chiến lược mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Các dự án tại nước ngoài đã đóng góp vào Quỹ trữ lượng của PVEP và góp phần hoàn thành mục tiêu gia tăng trữ lượng trong Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam.
Kinh nghiệm xương máu
Bên cạnh nhiều dự án thành công, đảm bảo hiệu quả đầu tư, PVEP cũng có một số dự án rủi ro, thách thức, đặc biệt là các dự án ở nước ngoài, do biến động giá dầu (nhiều dự án quyết định đầu tư ở thời điểm giá dầu cao), do môi trường đầu tư (gặp rủi ro về an ninh, chính trị), do chất lượng nhân lực chưa đủ mạnh so với yêu cầu đánh giá ở các dự án có quy mô lớn. Giá dầu giảm sâu và kéo dài từ giữa năm 2014 đến nay là nguyên nhân chính dẫn đến giảm hiệu quả đầu tư các dự án của PVEP, đặc biệt là các dự án ở nước ngoài, buộc PVEP phải đưa ra các quyết sách lớn như chấm dứt khai thác Lô SK305, tạm dừng hoạt động Lô Junin 2; tạm dừng khai thác Lô 67. Ở nhiều dự án, PVEP chỉ có tỷ lệ tham gia nhỏ nên không có quyền chi phối để định hướng quản trị dự án, phụ thuộc vào nhà điều hành, đối tác và công ty nước chủ nhà (như Lô PM 304, Lô Marine-XI).
Để có thể vượt qua những khó khăn, thách thức hiện nay trong công tác đầu tư, PVEP đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu và xây dựng thành những nhóm giải pháp có tính thực tiễn cao.
Chiến dịch thu nổ địa chấn 2D - Dự án Lô Danan - Iran. |
Trước hết, cần tranh thủ, phát huy được tối đa những điều kiện thuận lợi. Thứ nhất, sự ổn định kinh tế chính trị của đất nước và uy tín của Việt Nam nói chung, của PVN và PVEP nói riêng trên trường quốc tế - đây là điều kiện rất quan trọng để PVEP có thể huy động các nguồn lực cả trong và ngoài nước cho sự phát triển nhanh và bền vững; Thứ hai, PVEP là thành viên của PVN - công ty dầu khí quốc gia nên luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành và địa phương liên quan. Chính phủ và Tập đoàn về cơ bản đã tạo các chính sách, cơ chế thuận lợi cho PVEP;
Thứ ba, có cơ hội mở rộng đầu tư thăm dò khai thác ở trong nước và vào các nước, khu vực có tiềm năng dầu khí lớn thông qua quan hệ cấp nhà nước, chính phủ, quan hệ hợp tác với các công ty dầu khí quốc gia và quốc tế, cũng như dựa trên uy tín, vị thế của Việt Nam, Tập đoàn, PVEP; Thứ tư, mô hình công ty mẹ - công ty con bước đầu đã tạo hành lang pháp lý và cơ chế để PVEP hoạt động như một công ty dầu khí thực thụ. Tổ chức bộ máy và cơ chế quản lý được xây dựng và dần hoàn thiện theo hướng chuyên nghiệp của một công ty dầu khí hoạt động quốc tế; Thứ năm, đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học công nghệ và công nhân kỹ thuật của PVEP đã và đang lớn mạnh cả về chất và lượng. Với hơn 10 năm trực tiếp điều hành dự án dầu khí ở nước ngoài, PVEP đã cơ bản xây dựng được một đội ngũ quản lý và chuyên gia kỹ thuật ngày một trưởng thành, chuyên nghiệp và có kinh nghiệm làm việc trong môi trường quốc tế; Thứ sáu, hệ thống văn bản pháp quy về thăm dò khai thác dầu khí đã ngày càng hoàn thiện với mục tiêu khuyến khích và quản lý đầu tư thăm dò khai thác dầu khí ở trong nước và nước ngoài (Luật Dầu khí hợp nhất ban hành ngày 18-12-2013, Nghị định 121/2007/NĐ-CP ban hành ngày 25-7-2007, Nghị định 17/2009/NĐ-CP ban hành ngày 16-2-2009, Nghị định 33/2013/NĐ-CP ban hành ngày 22-4-2013, Nghị định 95/2015/NĐ-CP ban hành ngày 16-10-2015) tạo hành lang pháp lý cho hoạt động thăm dò khai thác dầu khí.
Bên cạnh đó, cũng cần áp dụng nhiều giải pháp cụ thể, linh hoạt, phù hợp với điều kiện của PVEP tại từng thời điểm cụ thể, như: Tăng cường tìm kiếm các cơ hội dự án tốt, khả năng thành công cao đến từ mối quan hệ đối tác song phương; Phối hợp với văn phòng dự án của PVN, PVEP tại nước ngoài tham gia trực tiếp vào nhiệm vụ tìm kiếm, sàng lọc nhanh các cơ hội DAM tại quốc gia đó và khu vực, quốc gia lân cận để chuyển về các cơ hội dự án tốt cho PVN, PVEP; Ưu tiên tìm kiếm các cơ hội dự án đàm phán trực tiếp để khắc phục hạn chế về tính cạnh tranh của PVEP trong các vòng đấu thầu, các cơ hội phải chào giá cạnh tranh; Từng bước hoàn thiện cơ sở dữ liệu về các bể trầm tích tiềm năng tại các khu vực, quốc gia trọng điểm đầu tư để tiết kiệm thời gian cho công tác sàng lọc, đánh giá và hỗ trợ tìm kiếm được các dự án tốt/chất lượng; Chủ động đề xuất, báo cáo, xin chủ trương đầu tư của PVN và một số điều kiện chào giá chính trước khi triển khai đánh giá chi tiết, lập báo cáo đầu tư; Đối với các vòng đấu thầu/chào giá cạnh tranh, nếu kết quả đánh giá cho thấy cơ hội là thực sự tốt/có tiềm năng thì mạnh dạn gửi bản chào với các thông số thật sự cạnh tranh để có khả năng trúng thầu.
Việt Nam với tiềm năng dầu khí có hạn, sản lượng khai thác đã qua giai đoạn đỉnh, nằm trong khu vực tăng trưởng nhanh với xu thế cạnh tranh vô cùng gay gắt trong việc tiếp cận với các nguồn tài nguyên dầu khí trong và ngoài khu vực, đòi hỏi phải tiếp tục đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài nhằm đảm bảo phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của PVN, PVEP và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước. Trên con đường bước ra thế giới đầy khó khăn và thử thách đó, nguồn nhân lực chính là tài sản quý giá nhất của PVEP. Một đội ngũ cán bộ giàu kinh nghiệm thực tiễn, chủ động, sẵn sàng ra quyết định và thực hiện một cách quyết liệt, đầy tinh thần trách nhiệm - chính là điểm tựa vững chắc nhất để PVEP tiến bước trên chặng đường tiếp theo.
Ngày đăng: 16:21 | 14/07/2017
/ Phạm Ngọc Khuê Trưởng ban Đầu tư Phát triển - PVEP/Petrotimes.vn