Bài phát biểu đầu tiên của Tổng thống Trump trước Liên Hợp Quốc được đánh giá là "tràn ngập hăm dọa", khác xa những người tiền nhiệm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters. |
Bài phát biểu đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc được đánh giá là khác xa với những người tiền nhiệm. Giọng điệu cứng rắn của ông Trump thậm chí còn được so sánh với diễn văn của nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev hay cựu tổng thống Venezuela Hugo Chavez, Guardian ngày 19/9 đưa tin.
Bài phát biểu của Tổng thống Trump cũng được so với tuyên bố về "trục ma quỷ" của cựu tổng thống George W. Bush hồi năm 2002. Tuy nhiên, ông Bush nói chuyện trước người dân Mỹ, trong khi bài phát biểu của ông Trump được đưa ra tại Đại hội đồng, nơi hoàn toàn yên tĩnh và không có những tiếng reo hò của người ủng hộ như ông thường thấy.
Tổng thống Trump không hề nhắc tới biến đổi khí hậu, vấn đề được coi là một trong những mối đe dọa tới Trái Đất tại Liên Hợp Quốc (LHQ). Ông luôn coi đó là một trò lừa đảo trong suốt nhiều năm qua. Xuyên suốt bài phát biểu là những luận điểm hăm dọa từng được ông Trump sử dụng trong lễ nhậm chức hồi tháng 1, cũng như lời kêu gọi củng cố văn minh phương Tây của ông tại Ba Lan cách đây hai tháng.
Cả ba bài phát biểu đều dùng nỗi sợ hãi làm trung tâm. Chúng mang đậm dấu ấn của Stephen Miller, chuyên gia viết diễn văn và cũng là người thân cận của cựu chiến lược gia Steve Bannon. Dù đã rời Nhà Trắng từ lâu, rõ ràng Steve Bannon vẫn có sức ảnh hưởng không hề nhỏ tới chiến lược của Tổng thống Trump.
Giống cựu tổng thống Bush, ông Trump mang tới cộng đồng thế giới lựa chọn trắng đen rõ ràng giữa "số đông đúng đắn" và "số ít xấu xa". Tuy nhiên, ngôn ngữ trong diễn văn của Tổng thống Trump thẳng thừng hơn nhiều so với những người tiền nhiệm. Chưa từng có nước nào đe dọa "hủy diệt hoàn toàn" một quốc gia khác trước Đại hội đồng. Ông Trump thậm chí còn không nói riêng về ban lãnh đạo Triều Tiên, mà khẳng định cả đất nước Triều Tiên đang đối mặt với nguy cơ hủy diệt.
Tổng thống Mỹ đưa ra cảnh báo cứng rắn tới Bình Nhưỡng chỉ vài phút sau khi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi bầu không khí hòa giải. "Các tuyên bố nảy lửa có thể dẫn đến hiểu lầm chết người", ông Guterres nói trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị Tổng thư ký LHQ.
Tổng thư ký LHQ Guterres (ngồi ngoài cùng bên trái) phản ứng trước bài phát biểu của Tổng thống Trump. Ảnh: Reuters. |
Các tuyên bố đe dọa của ông Trump xuất hiện giữa lúc căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đạt đỉnh điểm. Sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 6 và phóng hai tên lửa qua lãnh thổ Nhật Bản, Mỹ nối lại hoạt động tuần tra bán đảo Triều Tiên bằng oanh tạc cơ chiến lược, thậm chí còn tiến hành nhiều lần diễn tập bắn đạn thật gần giới tuyến phi quân sự.
Chỉ một ngày trước bài phát biểu của Tổng thống Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis tuyên bố có nhiều giải pháp quân sự để đối phó với Triều Tiên mà không đẩy các đồng minh Đông Á vào vòng nguy hiểm. Ban lãnh đạo Triều Tiên hiểu rõ chiến thuật "chặt đầu rắn" của Mỹ, khiến họ liên tục xây dựng chiến lược răn đe, dọa hủy diệt mọi mục tiêu của Mỹ và Hàn Quốc trong tầm pháo binh và tên lửa hạt nhân.
Cũng giống cựu tổng thống Bush cách đây 15 năm, ông Trump tập trung vào bộ ba đối phương gồm Triều Tiên, Iran và Venezuela. Trong đó, Iran liên tục hỗ trợ phiến quân Hezbollah bị Mỹ và Israel coi là khủng bố. Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với 6 cường quốc ký hồi năm 2015, vốn được coi là dấu ấn ngoại giao của người tiền nhiệm Barack Obama, cũng bị Tổng thống Trump chỉ trích trước Đại hội đồng.
Venezuela bị nhắm tới do chính sách đối nội của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Tuy nhiên, ông Trump lại không phân biệt rõ những vấn đề của chính phủ Tổng thống Maduro với những chính quyền được Mỹ ủng hộ.
Arab Saudi và Nga không được nhắc tới, dù ở đầu bài diễn văn, ông Trump thể hiện ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ Ukraine, một hành động rất hiếm gặp.
Tổng thống Mỹ tìm cách tạo sự khác biệt rõ rệt trong quan điểm đối ngoại với những người tiền nhiệm. Ông nhấn mạnh rằng các quốc gia có quyền tự quyết định "giá trị và nền văn hóa" mà không có sự ảnh hưởng từ bên ngoài. LHQ là diễn đàn hợp tác giữa những quốc gia độc lập và mạnh mẽ, chứ không phải nơi áp đặt việc "quản lý toàn cầu".
Trong buổi họp báo sau cuộc họp Đại hội đồng, một quan chức Nhà Trắng khẳng định Tổng thống Trump đã suy nghĩ rất lâu về phân đoạn "mang triết lý sâu sắc" này. Nó thể hiện cách tiếp cận được gọi là "hiện thực chủ nghĩa" của ông với chính sách đối ngoại.
Với bài phát biểu đầu tiên trước Liên Hợp Quốc, Tổng thống Trump đã đánh dấu chính sách tương lai của mình, bao gồm việc chỉ ra kẻ thù, thể hiện sự kinh hãi với cách đối nội của họ, đồng thời đe dọa hủy diệt đối phương để tự bảo vệ nước Mỹ và các đồng minh.
Điều duy nhất còn lại sau bài phát biểu, khi những tiếng vỗ tay đã kết thúc, là một bầu không khí khó hiểu và đầy vẻ hăm dọa tràn ngập trong phòng họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/bai-phat-bieu-dam-mui-ham-doa-cua-trump-tai-lien-hop-quoc-3643960.html
Ngày đăng: 12:01 | 20/09/2017
/ vnexpress.net