Lá thông và ngọn lửa cháy đượm trong rừng thay thế cho bảng trắng và bàn ghế thông thường ở trường mẫu giáo Phần Lan.

Timothy D. Walker, tác giả sách kiêm giáo viên Mỹ, kể lại chuyến tham quan một lớp học mẫu giáo trong rừng ở Phần Lan trên The Atlantic.

“Chạy đến con suối! Chạy đến con suối!”, ba bé gái hô vang bằng tiếng Phần Lan khi nhảy chân sáo trong rừng. Chỉ trong vài phút, những đứa trẻ mẫu giáo khác cũng chạy ùa đến cạnh rãnh nước giữa những bụi dương xỉ.

Cô giáo Kaija Pelo và tôi ngồi xuống gò đất trên cao quan sát trẻ. Hai cậu bé đội mũ bóng chày chọc que củi xuống con suối, hành động được Pelo giải thích là “câu cá”. Trong khi đó, vài đứa trẻ khác tập đi thăng bằng trên thân một cây thông bị đổ xuống, trông như cây cầu vắt qua dòng nước chảy. Hầu hết lũ trẻ không làm gì ngoài việc quanh quẩn dọc chiều dài con suối.

Đối với những đứa trẻ 5-6 tuổi, khu rừng là lớp học mẫu giáo của chúng, chiếm gần 80% thời gian học tập.

Bốn ngày mỗi tuần, từ 8h30 đến 12h30 (lượng thời gian hàng ngày của bậc mẫu giáo do Phần Lan quy định), nhóm 14 trẻ ra ngoài trời với cô giáo - người có kinh nghiệm lâu năm và hai trợ lý lớp học. Ở Phần Lan, đây không phải kiểu trường mẫu giáo điển hình, nhưng ở châu Âu, hình thức này đã phổ biến trong nhiều thập niên.

bai hoc tu lop mau giao trong rung cua tre em phan lan

Trẻ được tự do khám phá thiên nhiên khi học ở các trường mẫu giáo trong rừng. Ảnh: The Atlantic

“Lại đây nào, Timmy!”, cô bé Eeni vẫy tay ra hiệu cho tôi. Em và hai người bạn nhỏ đã leo lên gò đất chỉ để mời tôi xuống tham quan “lớp”.

Sau khi nhảy qua con suối, ba đứa trẻ dẫn tôi đến phần rễ bật gốc của cây thông bị đổ, ngay dưới đó là một hộp geocache (trò tìm kho báu dành cho người có máy định vị toàn cầu GPS), dấu hiệu hiếm hoi của nền văn minh trong khu rừng.

Chúng tôi tiếp tục leo lên một ngọn đồi, men theo dòng suối, đến khi tới chỗ đất tương đối phẳng mà những vũng nước nhỏ được hình thành. Tôi tưởng tượng rằng ba đứa trẻ này có thể ở đây ít nhất một giờ để chơi trò xây đập, phá đập. Nhưng chúng háo hức chỉ cho tôi thấy điểm dừng tiếp theo của chuyến tham quan - một cái hào lớn.

Cô giáo của chúng, người đang đi theo tôi, hô để trẻ đếm theo khi cùng nhảy qua chiếc hố trên mặt đất: “Một, hai, ba, bốn!”. Pelo giải thích những trải nghiệm như vậy là lý do khiến cô và hai trợ lý tha thiết với việc dạy trẻ trong rừng.

Cô mô tả phương pháp này là học tập “bí mật”, khi trẻ không ý thức được chúng đang tiếp thu nội dung học thuật. Ở trong rừng, các nhà giáo dục Phần Lan có thể hướng dẫn trẻ tìm que củi có chiều dài khác nhau và sắp xếp chúng từ ngắn nhất đến dài nhất, tạo chữ cái từ các nguyên liệu thiên nhiên và đếm số cây nấm.

Trường mẫu giáo trong rừng được tài trợ bởi chính phủ ra mắt giữa năm 2016, do vậy các hoạt động vẫn đang được xây dựng, nhưng tôi tò mò về lịch trình hàng ngày. Pelo nói kế hoạch giảng dạy khá lỏng lẻo và phụ thuộc vào từng ngày, bởi họ muốn trẻ thoải mái khám phá những gì chúng quan tâm. Thông thường, trẻ có hai giờ chơi tự do trong rừng mỗi ngày và thời gian ăn trưa do giáo viên sắp xếp.

Tuy thiếu đồ chơi và đồ điện tử, trẻ không bao giờ kêu chán. Khi mùa đông đến, cũng giống như những trường mẫu giáo trong rừng khác ở châu Âu, nhóm trẻ vẫn ra ngoài dù mưa hay nắng, kể cả khi nhiệt độ xuống thấp.

Trong suốt chuyến thăm, tôi cố tìm kiếm sự tồn tại “học sinh buồn chán”, và cuối cùng bắt gặp sau một tiếng. Tựa vào gốc cây, tôi chợt thấy một cậu bé tóc vàng với đôi mắt thẫn thờ. Nó ngồi nhìn chằm chằm vào con suối, lắng nghe tiếng nước chảy róc rách. Nhưng sau vài phút, nó bật dậy và băng qua bên kia dòng nước. Cậu bé không hề buồn chán, chỉ đơn giản là vừa nghỉ ngơi.

Phần dễ đoán nhất trong ngày của trẻ là nghi thức buổi sáng, sau khi đi bộ khoảng 100 mét từ trường mẫu giáo Western Puijo ở thành phố Kuopio. Khi chúng bỏ những chiếc balo màu đỏ sẫm xuống quanh gốc cây thông, cả lớp xếp thành vòng tròn và học sinh chào nhau bằng cách hô vang từng âm tiết tên của mỗi người - “Ju-ho! Lau-ri! I-lo-na!”.

Pelo tổng kết các ngày trong tuần bằng một bài hát vui (mỗi ngày một hoạt động riêng) và yêu cầu trẻ xác định đúng ngày diễn ra hoạt động đó.

Liều thuốc cho trẻ

Chứng kiến sự việc vào buổi sáng hôm đó giữa cánh rừng khiến tôi đặt câu hỏi, trẻ đạt được lợi ích đặc biệt gì khi học ngoài trời?

“Nghiên cứu chỉ ra rằng thời gian hòa mình cùng thiên nhiên có thể giúp trẻ học cách xây dựng sự tự tin, giảm triệu chứng rối loạn tăng động giảm chú ý, khiến chúng bình tĩnh và tập trung. Một số dấu hiệu cho thấy không gian vui chơi ngoài trời có thể giảm nạn bắt nạt, hỗ trợ trẻ béo phì, cung cấp các lợi ích sức khỏe thể chất và tâm lý khác”, Richard Louv, tác giả cuốn Last Child in the Woods cho biết.

Louv bổ sung, học tập dựa trên nền tảng thiên nhiên liên quan tới việc cải thiện chức năng nhận thức. Ông chỉ ra rằng trong một nghiên cứu kéo dài sáu năm trên hơn 900 trường tiểu học công lập ở bang Massachusetts (Mỹ), các nhà khoa học nhận ra mối liên kết “giữa sự xanh tươi của trường học vào mùa xuân (khi hầu hết học sinh Massachusetts làm bài thi cấp bang) và kết quả bài thi tiếng Anh, Toán của toàn trường, kể cả khi điều chỉnh các yếu tố kinh tế xã hội”.

Thời gian ngoài trời theo Louv “rõ ràng không phải liều thuốc cho tất cả”, nhưng là sự trợ giúp đặc biệt đối với những đứa trẻ bị stress do điều kiện, hoàn cảnh vượt quá tầm kiểm soát.

Sau khi quan sát trường mẫu giáo trong rừng ở Phần Lan một tiếng rưỡi, tôi biết mình vừa chứng kiến điều kỳ diệu. Trái ngược với loại hình giáo dục này, thời gian vừa học vừa chơi của trẻ em Mỹ ngày càng bị bớt xén đáng kể, và chúng thường dành hàng giờ mỗi ngày trong một căn phòng tù túng.

Tôi muốn biết, nếu mang khái niệm trường mẫu giáo trong rừng vào hệ thống trường công ở Mỹ, nơi chỉ tồn tại các tiêu chí và điểm chuẩn thì sẽ như thế nào?

Những người tiên phong

Mùa xuân năm 2013, khi Eliza Minnucci đang dạy mẫu giáo tại trường Ottauquechee ở Quechee, Vermont (Mỹ), hiệu trưởng mời nhân viên đến xem bộ phim tài liệu có tên School’s Out. Nội dung kể về một trường mẫu giáo trong rừng ở Thụy Sĩ, tương tự ngôi trường tôi vừa tham quan ở Phần Lan. Khi kết thúc bộ phim, Minnucci buột miệng: “Tôi sẽ làm việc đó ngay lập tức!”. Từng từ cô nói thu hút sự chú ý của hiệu trưởng.

Vài ngày sau, Minnucci tới gặp hiệu trưởng và ông đưa ra sáng kiến bắt đầu chương trình Forest Friday (Thứ sáu trong rừng), theo đó cô sẽ đưa những đứa trẻ mẫu giáo vào rừng mỗi tuần một lần.

Minnucci rất thích kế hoạch này. Cô hợp tác với Meghan Teachout, người có chung nhiệt huyết đối với loại hình mẫu giáo trong rừng. Sau đó, Teachout ghé thăm mỗi tuần với vai trò “giáo viên trong rừng”, và đến mùa thu năm 2013, họ cho ra mắt Forest Friday.

Kể từ đó, nỗ lực của Minnucci và Teachout đã làm dấy lên một phong trào nhỏ giữa các nhà giáo dục ở New England. Gần đây, hơn chục trường học lân cận đã thực hiện chương trình tương tự Forest Friday. Thông qua phòng giáo dục của trường đại học Antioch University New England, Minnucci và Teachout tổ chức khóa học kéo dài một năm cho 20 giáo viên, gồm các môn học phù hợp với chương trình giáo dục dựa trên nền tảng thiên nhiên.

Một ngày vào rừng thường bắt đầu bằng việc đặt một “câu hỏi tập trung” từ trong lớp. Cô giáo sẽ ghi lên bảng, chẳng hạn “Chúng ta lấy những gì từ cây?” và cho học sinh vài phút để nghĩ về những gì chúng muốn làm trong rừng. Trước khi ra ngoài, cô giáo cũng thảo luận với trẻ về trang phục phù hợp, tùy thuộc vào thời tiết.

Sau khi hoàn thành chặng đường ngắn dẫn tới khu rừng, trẻ sẽ đến “chỗ ngồi” của mình, quan sát những miếng gỗ một cách cẩn thận. Sau 5-15 phút ban đầu, giáo viên yêu cầu trẻ cùng dự đoán nhiệt độ dựa trên giác quan của chúng.

Giờ chơi tự do kéo dài một tiếng. Cả Minnucci và Teachout đều ca ngợi những lợi ích của khoảng thời gian học tập không có cấu trúc, trong đó trẻ thường xây dựng, giải quyết vấn đề, thực hiện nhiều hoạt động thể chất, phát triển kỹ năng vận động thô và tinh.

Sau bữa ăn nhẹ, thường là bánh nướng xốp, trẻ được hướng dẫn học môn toán về các công cụ đo lường hay nhặt que xếp thành chữ cái.

Các giáo viên, hoặc phụ huynh làm tình nguyện viên để hỗ trợ lớp, sẽ chuẩn bị một bữa ăn nhỏ nấu trên lửa ngoài trời, chẳng hạn món hầm, bánh pancake hay bánh mì que. Những món nóng hổi này được bổ sung vào bữa trưa mà họ mang theo vào rừng. Trước khi dọn dẹp và dập lửa bằng nước, trẻ có thêm vài phút chơi tự do. Sau đó, tất cả cùng đi bộ trở lại trường.

bai hoc tu lop mau giao trong rung cua tre em phan lan

Một học sinh trường mẫu giáo Ottauquechee nếm thử nhựa cây phong trong một buổi thứ sáu vào rừng. Ảnh: Vermont Public Radio

Theo Minnucci, những chương trình như Forest Friday tác động lớn đến một số trẻ. Một cậu bé trong lớp của cô trải qua “quãng thời gian khó khăn ở nhà trẻ”, do đó trong những ngày đầu vào mẫu giáo, em chưa thể bắt nhịp cùng bạn bè. Nhưng khi chương trình học trong rừng vào mỗi ngày thứ sáu được khởi động, cậu bé tỏ ra rất vui vẻ, tự tin hơn. Mẹ em kể rằng tối thứ năm hàng tuần, em hào hứng tự tìm quần áo để chuẩn bị cho buổi học.

Khi tôi hỏi Louv có gợi ý nào cho các giáo viên Mỹ, ông đưa ra vài ý tưởng, gồm việc tạo ra một khu vườn, đưa học sinh ra ngoài nửa tiếng để cảm nhận về thiên nhiên hoặc khuyến khích đọc sách ngoài trời.

Gần đây, Louv ghé thăm một trường tiểu học ở bang Georgia, nơi học sinh thường dành một phần ba ngày ở bên ngoài. Ông lưu ý rằng hầu hết học sinh trong trường đến từ gia đình có thu nhập thấp, nhưng kết quả học tập cải thiện hơn bất kỳ trường nào trong quận. Trong các bài kiểm tra đọc tiêu chuẩn, năm ngoái học sinh lớp ba ở đây thể hiện vượt mức trung bình toàn quốc 17 điểm và mức trung bình của khu vực 26 điểm.

Louv ca ngợi những nhà giáo dục dũng cảm như Minnucci và Teachout, những người đang vượt qua nhiều rào cản, tìm cách thức sáng tạo để giúp trẻ hòa nhập với thiên nhiên. Tuy nhiên, đó không chỉ là trách nhiệm của giáo viên và nhà trường. “Phụ huynh, các nhà hoạch định chính sách và toàn thể cộng đồng phải cùng chung tay”, ông nói.

Trong cuốn sách “Last Child in the Woods” năm 2005, Louv giới thiệu một thuật ngữ mà hiện nay đã trở nên nổi tiếng, “rối loạn thiếu hụt thiên nhiên”. Nhận thức về nhu cầu gần gũi thiên nhiên của trẻ nhỏ đã tăng lên đáng kể thời gian qua, nhưng ông tin chúng ta phải chuyển sang “chế độ hành động” một cách nhanh chóng.

bai hoc tu lop mau giao trong rung cua tre em phan lan Những lý do khiến Phần Lan trở thành quốc gia hạnh phúc nhất thế giới

Dù thời tiết khắc nghiệt, người Phần Lan vẫn hạnh phúc bởi môi trường an toàn, không khí trong sạch, hệ thống y tế miễn ...

bai hoc tu lop mau giao trong rung cua tre em phan lan Việt Nam xếp thứ 95 trong bảng hạnh phúc gồm 156 quốc gia

Việt Nam xếp thứ 95, Phần Lan xếp thứ nhất trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2018 của Liên Hợp Quốc.

bai hoc tu lop mau giao trong rung cua tre em phan lan Hòn đảo ở Phần Lan cấm tiệt đàn ông bén mảng

Địa điểm này được thiết kế để trở thành thiên đường cho phụ nữ nghỉ dưỡng và luyện tập.

Ngày đăng: 07:10 | 21/03/2018

/ vnexpress.net