Đề xuất đổi giờ làm sang 8h30 và rút ngắn thời gian nghỉ trưa còn 1 tiếng mà đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đưa ra nhận được nhiều ý kiến phản hồi trái chiều. Liệu đề xuất này có giá trị về mặt sức khoẻ cho công nhân viên chức, người lao động và học sinh hay không?
Mới đây, tại hội trường Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) đề xuất Chính phủ đổi giờ làm, giờ học từ 8h30, thời gian nghỉ trưa trong 1 tiếng.
Vậy trên phương diện y học, đề xuất trên ảnh hưởng ra sao đến sức khoẻ công nhân viên chức, người lao động và học sinh?
Đi học, đi làm từ 8h30: Nhiều ý kiến trái chiều
Bác sĩ Đinh Thị Kim Liên - Nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng đề xuất thay đổi giờ học, giờ làm sáng 8h30 có ý nghĩa nhất định về mặt sức khoẻ. Bởi, giờ học sớm khiến nhiều cha mẹ không thể chuẩn bị bữa sáng trong khi đó là bữa quan trọng nhất cho hoạt động thể chất trong ngày.
"Tuy nhiên, xét tổng thể đề xuất này không có tác động lớn về sức khoẻ vì được bữa sáng mất bữa tối. Trong khi đó, y học khuyến cáo ăn tối sớm, tốt nhất không nên ăn sau 18-19h do buổi tối ăn no vận động ít tích tụ mỡ bụng, rối loạn mỡ máu và gây nhiều bệnh lý khác" - Bác sĩ Kim Liên phân tích.
Về vấn đề này, Tiến sĩ, Bác sĩ Cao Thị Thu Hương - Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) phân tích nếu đi làm muộn đồng nghĩa với việc kết thúc giờ làm việc muộn cộng hưởng thêm yếu tố tắc đường dẫn đến ăn tối và đi ngủ muộn hơn.
"Sở dĩ trẻ em thiếu ngủ và không có thời gian ăn sáng vì thức khuya nhưng lại dậy sớm. Hơn nữa, hóoc môn sinh trưởng bài tiết trong giấc ngủ và khoảng thời gian tốt nhất cho quá trình này là từ 22-24h.
Vì thế, điều cốt lõi để giải quyết gốc rễ là cha mẹ cho trẻ đi ngủ sớm và dậy sớm thay vì việc thức muộn, dậy muộn. Khi trẻ em ngủ trước 22h và dậy vào 6h sáng vẫn đảm bảo giấc ngủ ban đêm 8 tiếng. Cộng thêm thời gian ngủ trưa 2 tiếng, trẻ em có thể ngủ đủ 10 tiếng trong ngày tốt cho quá trình phát triển thể chất và trí não " - Bác sĩ Thu Hương cho hay.
Nhiều bác sĩ cho rằng dậy muộn có thể đảm bảo việc chuẩn bị bữa sáng cho trẻ em. Ảnh: PV. |
Theo bác sĩ Thu Hương, quan trọng nhất là dậy bao lâu thì ăn sáng chứ không phải thời gian ăn sáng. Bởi, khi chúng ta thức dậy, dạ dày ở trạng thái rỗng thì có thể uống nước trước để cân bằng nước trong cơ thể và sau 30 phút dùng bữa sáng.
Tuy nhiên, xét tổng hoà mọi phương diện, các chuyên gia này cho rằng đề xuất này thiếu khả thi và chỉ phù hợp một nhóm đối tượng trong bối cảnh chênh lệch nếp sống nông thôn - đô thị tại Việt Nam.
Trong khi đó, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội hoàn toàn ủng hộ đề xuất này.
"Trẻ con nước nào cũng học muộn từ 8h30-9h thư thả ăn sáng, không chạy cấp tập, mắt trước mắt sau ngáp ngủ như ở ta. Khó, nhưng cứ không làm thì đợi đến bao giờ" - PGS.TS Duy Thịnh nói.
Rút ngắn giờ nghỉ trưa: Chuyên gia, bác sĩ ủng hộ
Theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, một ngày chia làm 2 lần ngủ nghỉ "xả láng" ăn sâu tiềm thức thói quen lao động. Rút ngắn thời gian nghỉ trưa sẽ khiến 8 tiếng làm việc liền mạch hơn vì nghỉ trưa nhiều có thể khiến khí thế lao động giảm sút, lao động năng suất thấp.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) cho biết, ngủ trưa rất quan trọng. Tuy nhiên, chỉ cần 20 - 30 phút ngủ trưa mỗi ngày, não bộ sẽ được nạp đầy năng lượng, giúp tăng cường trí nhớ, cải thiện tâm trạng, tăng tư duy sáng tạo và tăng hiệu quả làm việc.
Cũng theo Tiến sĩ Hải, nên ngủ trưa nhưng đừng ngủ trưa quá nhiều. 30 phút đầu tiên của giấc ngủ trưa có thể đạt tương đương khoảng 60 phút của giấc ngủ về đêm. Với giấc ngủ trưa quá lâu, hơn 1 giờ, cơ thể sẽ rơi vào trạng thái ngủ sâu. Lúc đó, nếu bị đánh thức hay buộc phải thức dậy, bạn sẽ cảm thấy nhức đầu, mệt mỏi, đờ đẫn… do các cơ quan trong cơ thể chưa sẵn sàng làm việc lại.
Nhiều chuyên gia lên tiếng về đề xuất thay đổi giờ làm |
Đại biểu Quốc hội đề xuất đổi giờ học, giờ làm, dân nói gì? |
Đổi giờ làm |
Ngày đăng: 08:29 | 03/11/2019
/ laodong.vn