Một tuần sau khi Công an tỉnh Hòa Bình công bố bản kết luận điều tra bổ sung trong vụ án Vô ý làm chết người và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của sự cố y khoa dẫn tới 9 người thiệt mạng, bác sĩ Hoàng Công Lương đã có đơn khiếu nại phần kết luận về mình.
Đơn khiếu nại tố cáo của bác sĩ Hoàng Công Lương dài 8 trang A4 được viết ngày 11/7 và đã được anh gửi đi. Trong lá đơn này, bác sĩ Lương cho biết, không đồng ý với bản kết luận điều tra bổ sung và xin được khiếu nại, đồng thời tố cáo những việc làm mà anh cho là không đúng, vi phạm tố tụng của cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình.
Trong đơn, bác sĩ Lương cho rằng, việc dựa vào bảng chấm công để quy kết mình làm việc cố định tại đơn nguyên Thận nhân tạo theo kết luận của cơ quan điều tra là hoàn toàn không đúng.
Bác sĩ Lương đã có đơn khiếu nại về kết luận điều tra bổ sung của Công an Hòa Bình
Đơn viết: “Trong kết luận điều tra có nêu: Cho đến thời điểm xảy ra sự cố, tại đơn nguyên Thận nhân tạo, Hoàng Công Lương là bác sĩ duy nhất được phân công làm việc cố định tại đơn nguyên Thận, hưởng chế độ lương, phụ cấp thủ thuật và các chế độ khác theo quy định tại đơn nguyên (các bác sĩ khác được luân chuyển định kỳ giữa Hồi sức tích cực và đơn nguyên thận theo phân công của lãnh đạo khoa). Nội dung kết luận này là không đúng.
Thực tế, tôi và 2 bác sĩ khác được chấm công - hưởng lương cố định tại đơn nguyên Thận nhân tạo (đơn nguyên Thận nhân tạo có 3 bác sĩ và 10 điều dưỡng được tính lương theo các phòng, ban của bệnh viện) nhưng tôi và các bác sĩ khác cũng đều được luân chuyển làm việc định kỳ giữa Hồi sức tích cực (HSTC) và đơn nguyên Thận nhân tạo. Các chế độ lương, phụ cấp và các chế độ khác của các bác sĩ đều được hưởng như nhau. Do phải trả tiền thuê máy thận (7,7 USD /ca chạy thận) nên hạch toán kinh tế hàng tháng của đơn nguyên Thận nhân tạo không đủ chi trả lương và các khoản phụ cấp khác cho cán bộ tại đơn nguyên.
Lãnh đạo bệnh viện thống nhất tính lương và các khoản phụ cấp khác của cán bộ tại đơn nguyên Thận nhân tạo (3 bác sĩ và 10 điều dưỡng) theo các phòng, ban của bệnh viện. Việc chấm công, hưởng lương tại đơn nguyên Thận nhân tạo là thủ tục để chi trả lương hàng tháng theo hướng dẫn của phòng Tài chính – Kế toán về hoạt động trả lương cho khoa HSTC (trong đó bệnh viện hỗ trợ khoa HSTC trả lương cho 3 bác sĩ và 10 điều dưỡng tại đơn nguyên Thận nhân tạo dựa trên bảng chấm công hàng tháng của đơn nguyên), còn thực tế làm việc tại khoa HSTC thì các bác sĩ đều luân phiên nhau xuống làm việc tại đơn nguyên Thận nhân tạo. Ví dụ: Tháng 5/2017, bác sĩ Nguyễn Mạnh Linh chấm công ở HSTC nhưng làm việc ở đơn nguyên Thận nhân tạo, bác sĩ Quách Thế Tùng chấm công ở đơn nguyên Thận nhân tạo nhưng làm việc ở HSTC…”.
Tiếp đến Hoàng Công Lương cho rằng, việc cơ quan chức năng kết luận anh đủ điều kiện hành nghề và chữa bệnh độc lập, trong khi bác sĩ Phạm Thị Huyền và bác sĩ Nguyễn Mạnh Linh chưa đủ điều kiện để hành nghề khám chữa bệnh độc lập là không đúng.
“Thực tế, tại thời điểm xảy ra sự cố ngày 29/5/2017, tôi và bác sĩ Phạm Thị Huyền đã được cấp Chứng chỉ hành nghề và có thể khám chữa bệnh độc lập. Riêng bác sĩ Nguyễn Mạnh Linh đã đủ điều kiện cấp Chứng chỉ hành nghề, nhưng do phải chờ đợt cấp của sở Y tế... Song, về trình độ chuyên môn, điều kiện đáp ứng nghiệp vụ khám chữa bệnh của bác sĩ Linh là đã đủ thời gian và vững vàng về chuyên môn của bác sĩ đa khoa”, Hoàng Công Lương viết trong đơn.
Bác sĩ Lương đã có đơn khiếu nại kết luận điều tra bổ sung
Bác sĩ Lương một lần nữa cho rằng, việc các bác sĩ ký cùng y lệnh ở khoa HSTC là trên cơ sở hội ý chuyên môn, chia sẻ nghiệp vụ khám chữa bệnh… chứ không phải vì đóng vai trò lãnh đạo trong đơn nguyên Thận.
“Trong kết luận điều tra có nêu: Theo lời khai của bác sĩ Nguyễn Mạnh Linh và Phạm Thị Huyền khẳng định: Bác sĩ Hoàng Công Lương có quyền ký xác nhận vào y lệnh của 2 bác sĩ Huyền và Linh. Nhưng ngược lại Huyền và Linh không có quyền ký xác nhận với y lệnh của bác sĩ Hoàng Công Lương. Tôi (Lương) không đồng ý với cách suy diễn này của cơ quan điều tra. Việc tôi ký bên cạnh chữ ký của bác sĩ Huyền trong bệnh án bệnh nhân của Huyền điều trị là sự chia sẻ về chuyên môn và y đức, chứ không phải tôi là người phụ trách đơn nguyên hoặc tôi là người phụ trách bác sĩ (vì bác sĩ Huyền đã có Chứng chỉ hành nghề và có thể khám chữa bệnh độc lập).
Chữ ký của tôi bên cạnh chữ ký của bác sĩ Huyền, chỉ đơn thuần là khía cạnh chuyên môn điều trị. Tôi không ký thì vẫn có thể thực hiện y lệnh bình thường, nhưng tôi ký mà không có chữ ký của Huyền thì cũng không thực hiện y lệnh được vì tôi không trực tiếp thăm khám bệnh nhân đó… Tóm lại, chữ ký của các bác sĩ trong bệnh án điều trị chỉ đơn thuần là về chuyên môn điều trị, không liên quan đến vấn đề quản lý, lãnh đạo tại đơn nguyên Thận nhân tạo”, đơn nêu rõ.
Tiếp đó Hoàng Công Lương nêu một loạt các quan điểm và các lý lẽ, ví dụ cho rằng bản kết luận điều tra bổ sung khép tội anh là không đúng thực tế.
Lương cũng bác bỏ việc kết luận điều tra đề cập đến việc anh không được người có trách nhiệm cho biết hệ thống nước RO số 2 đã đảm bảo an toàn để đưa vào sử dụng mà chỉ nghe điều dưỡng viên Đỗ Thị Điệp nói rồi ra y lệnh. Hoàng Công Lương cho rằng, việc báo cáo tình trạng thiết bị sau sửa chữa, hoàn thiện các thủ tục thanh lý hợp đồng là trách nhiệm của phòng Vật tư thiết bị y tế, phòng Tài chính kế toán và phía đơn vị được bệnh viện thuê sửa chữa, không thuộc trách nhiệm của đơn nguyên Thận nhân tạo. Không có quy định nào bắt buộc bác sĩ đơn nguyên Thận nhân tạo phải báo cáo Trưởng khoa mỗi khi chạy thận nhân tạo chu kỳ cho bệnh nhân.
Cuối đơn, bác sĩ Hoàng Công Lương dành 1 trang A4 để tố cáo cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình.
Bác sĩ Lương cho rằng, cơ quan CSĐT đã có hành vi tố tụng không khách quan, không tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Đồng thời đề nghị xử lý nghiêm đối với các điều tra viên có hành vi vi phạm tố tụng trong việc mớm cung, dụ cung, thu thập chứng cứ không đầy đủ và không khách quan…
Công an kết luận hành vi phạm tội của bác sĩ Lương thế nào? Trước đó, Công an Hòa Bình đã có kết luận điều tra bổ sung theo 6 nhóm kiến nghị của TAND TP. Hòa Bình yêu cầu. Kết luận điều tra bổ sung phần về bác sĩ Lương có nêu: Cho đến thời điểm xảy ra sự cố y khoa, tại đơn nguyên Thận nhân tạo, bác sĩ Hoàng Công Lương là bác sĩ duy nhất được phân công làm việc cố định, hưởng chế độ lương, phụ cấp thủ thuật và các chế độ khác theo quy định tại đơn nguyên. Có 6 luật sư tham gia bào chữa cho bác sĩ LươngNgoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, bác sĩ Lương còn thực hiện một số nhiệm vụ khác như ký xác nhận y lệnh của bác sĩ khác, chủ trì giao ban tại đơn nguyên thận khi không có lãnh đạo khoa, phân buồng thăm khám bệnh nhân cho các bác sĩ khác, ký đề xuất sửa chữa hệ thống lọc nước RO2 ngày 20/4/2017. Liên quan đến sự cố y khoa làm 9 bệnh nhân chạy thận tử vong, kết luận bổ sung của Công an tỉnh Hòa Bình xác định bị can Hoàng Công Lương chưa được người có trách nhiệm cho biết hệ thống lọc nước RO số 2 đã đảm bảo an toàn để đưa vào sử dụng. Lương chỉ nghe điều dưỡng Đỗ Thị Điệp nói với mọi người trong đơn nguyên Thận nhân tạo là hệ thống nước đã sửa chữa xong. Bác sĩ Lương không báo cáo, không trao đổi với ai về việc hệ thống lọc nước sau sửa chữa đã đảm bảo an toàn chưa trước khi ra y lệnh chạy thận. Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hòa Bình cho rằng bác sĩ Lương phải chịu trách nhiệm trong việc ra y lệnh chạy thận cho 18 bệnh nhân ngày 29/5/2017. Bác sĩ Lương là người được đào tạo và có chứng chỉ về lọc máu, biết rõ nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng, hiểu quy trình và biết rõ hệ thống lọc nước RO2 vừa sửa chữa ngày 28/5/2017. Tuy nhiên, sáng 29/5/2017 khi chưa có ý kiến chỉ đạo của Trưởng khoa – người có thẩm quyền trong đảm bảo chất lượng nước sử dụng trong lọc máu; cùng với đó, khi không có căn cứ xác định an toàn của hệ thống lọc nước sau sửa chữa, không báo cáo lãnh đạo khoa đã ra y lệnh lọc máu cho bệnh nhân dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng… Cũng trong bản kết luận điều tra bổ sung này, cơ quan điều tra cũng xác định, nội dung trong biên bản cuộc họp cuối năm 2015 có phần ghi “bác sĩ Lương phụ trách chuyên môn và các hoạt động tại đơn nguyên thận” là không khách quan. Theo kết luận giám định thì thư ký cuộc họp là Đinh Tiến Công đã ghi thêm sau khi sự cố xảy ra. Tuy nhiên trong bản kết luận điều tra thể hiện, Đinh Tiến Công và Hoàng Đình Khiếu đều khai nhận: "Sau sự cố xảy ra ngày 29/5/2017, lãnh đạo khoa gồm ông Khiếu, ông Công, ông Tình (bác sĩ Hoàng Công Tình) có ngồi hội ý riêng với nhau. Ông Khiếu và ông Tình có yêu cầu Công hoàn thiện các thủ tục hành chính. Về nội dung này, ông Khiếu không nhớ đã bảo Công ghi những nội dung gì, nhưng Công khẳng định nội dung phân công nhiệm vụ trong cuộc họp cuối năm 2015 cho Hoàng Công Lương là phụ trách đơn nguyên Thận nhân tạo… Về lời khai của Hoàng Công Tình: Không thừa nhận được hội ý bàn bạc với Khiếu và Công…”, bản kết luận điều tra nêu. Mặc dù đã trưng cầu giám định và xác định Công có ghi thêm nhưng cơ quan điều tra cho rằng, với các tài liệu thu thập được, đơn vị này chuyển tài liệu cho cơ quan điều tra VKSND Tối cao giải quyết. |
Công an tiếp tục khẳng định đủ căn cứ xử lý hình sự bác sĩ Lương
Sau hơn một tháng điều tra bổ sung, Công an Hòa Bình vẫn kết luận Hoàng Công Lương thiếu trách nhiệm trong sự cố y ... |
Vụ bác sĩ Lương: Luật sư nói gì về việc khởi tố thêm 2 bị can?
Luật sư bào chữa trong vụ án sự cố chạy thận khiến 9 người tử vong đã có chia sẻ về việc khởi tố Phó ... |
Vụ BS Lương: 2 bác sĩ và 3 điều dưỡng bị điều tra đã khai gì tại phiên tòa?
HĐXX yêu cầu điều tra làm rõ trách nhiệm của 2 bác sĩ và 3 điều dưỡng liên quan đến việc ra y lệnh chạy ... |
Ngày đăng: 14:22 | 13/07/2018
/ http://www.nguoiduatin.vn