Mỹ tiến thêm một bước trong việc gia tăng áp lực lên tham vọng đòi độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc khi công bố một tài liệu nghiên cứu để một lần nữa phản bác “các yêu sách trái pháp luật” của Trung Quốc ở vùng biển chiến lược quan trọng toàn cầu này.
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson tiến vào Biển Đông tập trận - một hoạt động nhằm bác bỏ đòi hỏi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên thực tế |
Thêm bằng chứng khoa học bác bỏ yêu sách chủ quyền phi pháp
Cục Các vấn đề đại dương, môi trường và khoa học quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 12-1 đã công bố một tài liệu nghiên cứu với nội dung phản bác “các yêu sách trái pháp luật” của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó bác bỏ các cơ sở địa lý và lịch sử của Bắc Kinh. Tài liệu nghiên cứu 47 trang này là bản cập nhật của một nghiên cứu tiến hành năm 2014, trong đó tranh luận về cái gọi là “đường chín đoạn” (hay còn gọi là “đường lưỡi bò”, “đường lưỡi bò chín đoạn”) phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trung Quốc khi công bố yêu sách “đường lưỡi bò”, đơn phương đòi chủ quyền đối với khoảng 80% diện tích Biển Đông. Lý lẽ, căn cứ quan trọng nhất mà Trung Quốc đưa ra để đòi chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông - nơi có tuyến vận tải biển huyết mạch của thế giới, giàu có tài nguyên và có vị trị địa chính trị trọng yếu toàn cầu - là nước này có cái gọi “quyền lịch sử” với vùng biển này.
Tuy nhiên, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ngày 12-7-2016 tại phán quyết đưa ra trong vụ kiện Trung Quốc của Philippines đã tuyên bố bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc. Căn cứ theo luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), PCA khẳng định, không có bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã thực hiện việc kiểm soát độc quyền trên vùng biển hay tài nguyên (trong “đường lưỡi bò”) như họ tuyên bố để đòi quyền lịch sử. PCA cũng khẳng định, “các thực thể” ở Biển Đông hiện nằm dưới sự kiểm soát phi pháp của Trung Quốc không thể giúp nước này thành lập vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).
Tài liệu nghiên cứu 47 trang mà Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra ngày 12-1 cũng nêu rõ, những tuyên bố về “quyền lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông “không có cơ sở pháp lý” và Bắc Kinh đã không đưa ra lý lẽ cụ thể. Nghiên cứu cũng nêu rõ các lý do về mặt địa lý để bác bỏ tuyên bố đòi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc khi nhấn mạnh rằng hơn 100 thực thể mà Bắc Kinh đề cập ở Biển Đông đều chìm dưới mực nước biển khi thủy triều lên, “vượt quá giới hạn hợp pháp về lãnh hải” của bất kỳ quốc gia nào.
Trước đó, sau thời gian dài chưa thể hiện lập trường rõ ràng và dứt khoát trong vấn đề Biển Đông, Mỹ đã chính thức công bố quan điểm đối với yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc vào tháng 6-2020 khi gửi công hàm tới Liên hợp quốc và tất cả các thành viên Liên hợp quốc, trong đó bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông vì không phù hợp với luật pháp quốc tế dựa trên UNCLOS năm1982.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vào tháng 7-2020 đã lần đầu tiên công khai quan điểm của Washington khẳng định yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là không có cơ sở pháp lý. Đây được xem đánh dấu bước ngoặt chính sách then chốt của Mỹ bởi bên cạnh việc chính thức hóa lập trường bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò”, nếu bên nào bị Mỹ gửi công hàm phản đối lên Liên hợp quốc mà không tuân thủ thì Washington sẽ có động thái trừng phạt.
Nhất quán chiến lược về pháp lý và ngoại giao ở Biển Đông
Không chỉ bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc đối với Biển Đông về mặt pháp lý và ngoại giao mà Mỹ còn làm điều này bằng những hành động quyết liệt, mạnh mẽ. Không lâu sau khi gửi công hàm tới Liên hợp quốc, Bộ Thương mại Mỹ vào tháng 8-2020 đã áp lệnh trừng phạt với 24 công ty “giúp quân đội Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo bị quốc tế lên án ở Biển Đông”, bao gồm công ty con của Tập đoàn Kiến thiết Giao thông Trung Quốc, các doanh nghiệp viễn thông và một đơn vị của Tập đoàn Đóng tàu Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên chính quyền Mỹ đưa công ty Trung Quốc vào “danh sách đen” trừng phạt vì vấn đề Biển Đông.
Áp lực mà Mỹ dồn lên tham vọng đòi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông tiếp tục gia tăng khi Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày 20-10-2021 đã thông qua dự án luật mang tên “Đạo luật cấm vận Biển Đông và biển Hoa Đông 2021” (dự luật S.1657), thông điệp mới nhất nhằm răn đe tham vọng phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Dự án luật được thượng nghị sĩ Marco Rubio (đảng Cộng hòa) và thượng nghị sĩ Ben Cardin (đảng Dân chủ) bảo trợ này cho phép cấm vận mọi cá nhân và thực thể Trung Quốc tham gia nỗ lực của Bắc Kinh nhằm áp đặt yêu sách biển và lãnh thổ phi pháp tại Biển Đông và biển Hoa Đông.
Hoạt động của các lực lượng Mỹ ở Biển Đông nhằm răn đe, ngăn chặn tham vọng chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng biển này còn tiếp tục được tăng cường hơn nữa dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden. Bên cạnh việc tiếp tục chiến dịch Tự do Hàng hải (FONOPS) trên Biển Đông, triển khai tàu chiến, máy bay chiến đấu tuần tra, tập trận. Theo chiến dịch FONOPS, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Mỹ từng nhiều lần đi vào phạm vi 12 hải lý quanh các thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở Biển Đông như một sự khẳng định mạnh mẽ bác bỏ tuyên bố chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh trên thực tế.
Mỹ thời gian qua cũng tăng cường các hoạt động hợp tác, phối hợp với các quốc gia khu vực và đồng minh tiến hành các hoạt động nhằm khẳng định tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, đồng thời bác bỏ chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc. Ông Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), cho rằng các nỗ lực quốc tế phối hợp nhằm công khai và trừng phạt “hành vi xấu” của Trung Quốc là vũ khí có thể ngăn chặn tham vọng chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Có thể thấy, trước việc Trung Quốc đang bất chấp tất cả để biến Biển Đông thành “ao nhà” của mình, Mỹ với lợi ích chiến lược toàn cầu, trong đó có lợi ích cốt lõi và sát sườn ở Biển Đông, đang ngày càng có ứng phó mạnh mẽ, quyết liệt, trực diện hơn để ngăn chặn tham vọng phi lý, phi pháp của Bắc Kinh. Chiến lược xoay trục từ châu Âu về Đại Tây Dương - Thái Bình Dương để ngăn chặn tham vọng chủ quyền trên biển của Trung Quốc, bao trùm hơn là ngăn chặn sự trỗi dậy thành một siêu cường hàng đầu thế giới của Trung Quốc được các chính quyền Tổng thống Mỹ nhất quán thực thi với tốc độ nhanh hơn, cường độ mạnh mẽ hơn.
Mỹ tung tài liệu 47 trang bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông
Hôm 12/1, Mỹ tung tài liệu chi tiết nhất từ trước tới nay, bác bỏ các yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển ... |
Ngày đăng: 08:40 | 14/01/2022
/ www.anninhthudo.vn