Ba tuyến tàu phía Bắc được Công ty đường sắt Hà Nội (HARACO) đề nghị Nhà nước trợ giá do quá trình vận hành lỗ hàng chục tỷ đồng.
Đây là ba tuyến đường sắt Hà Nội-Đồng Đăng, Long Biên-Quán Triều (Thái Nguyên) và Yên Viên-Hạ Long.
Báo cáo của HARACO nêu, từ giữa năm 2015, tuyến Long Biên-Quán Triều khai thác đôi tàu QT91/QT92 với các toa chất lượng cao, có điều hoà, thời gian chạy tương đương với ôtô đi trên quốc lộ, giá vé được giữ nguyên (từ 39.000 đến 55.000 đồng). Tuy nhiên, cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên đi vào hoạt động khiến phương án kinh doanh của tuyến này không hiệu quả, lỗ hơn 16 tỷ đồng trong hai năm 2016, 2017. Từ tháng 2 đến tháng 8/2018, tuyến Long Biên-Quán Triều dừng hoạt động.
Tuyến Hà Nội-Đồng Đăng trước đây chạy một đôi tàu khách, song từ khi quốc lộ1A đoạn Hà Nội-Lạng Sơn nâng cấp thì lượng hành khách, hàng hóa đi tàu suy giảm; năm 2016 và 2017, tuyến này lỗ hơn 20 tỷ đồng.
Khoang hành khách của chuyến tàu Yên Viên - Hạ Long thường xuyên trong tình trạng vắng vẻ. Ảnh: Bá Đô |
Tuyến Yên Viên-Hạ Long trong hai năm 2016 và 2017 cũng lỗ trên 26 tỷ đồng; do vắng khách nên HARACO chỉ duy trì trên tuyến một đôi tàu khách hỗn hợp, chạy vào thứ sáu hàng tuần để tránh hư hỏng hệ thống đường ray mới đầu tư xây dựng.
"Các tuyến này có doanh thu thấp, mật độ hành khách đi lại không cao nhưng chúng tôi vẫn chạy tàu vì mục đích an sinh xã hội, phục vụ người thu nhập thấp", lãnh đạo HARACO nói hôm qua 20/8.
Theo vị này, HARACO đã có báo cáo về kế hoạch chạy tàu và đề xuất trợ giá (mỗi năm 35 tỷ đồng cho cả ba tuyến) gửi đến Cục Đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải. "Lâu nay chúng tôi tự bỏ tiền bù lỗ, nhưng để hoạt động này mang tính lâu dài thì rất cần hỗ trợ từ Nhà nước", đại diện HARACO nói.
Trước đề xuất trên, ông Vũ Quang Khôi - Cục trưởng Đường sắt cho hay, pháp luật đã có quy định về hoạt động của đoàn tàu an sinh, hiện Cục đang thẩm định đề xuất của HARACO để tham mưu cho cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Theo ghi nhận của VnExpress, trong nhiều năm qua, trung bình mỗi ngày đoàn tàu đi từ Yên Viên đến Hạ Long chỉ có doanh thu khoảng 4 triệu đồng do vắng khách; nhiều hôm tàu xuất phát từ Hà Nội với chỉ một hành khách trên khoang. Lý giải việc này, trưởng tàu Nguyễn Hữu Ninh nói, "tàu xuất phát từ sáng sớm, lại nằm xa trung tâm Hà Nội, đoàn tàu thì cũ kỹ, không có hệ thống điều hòa và thời gian chạy quá dài (tốc độ 25 km/h, chạy toàn tuyến mất 8 tiếng) nên ít người lựa chọn".
Anh: Nhóm nam sinh say xỉn phá hủy mô hình đường sắt 30 năm |
Tuyến đường sắt Quốc gia hầu như “bị chặt tay, chặt chân” |
Ngắm từ trên cao cầu đường sắt 117 năm tuổi ở Sài Gòn sắp tháo dỡ |
Ngày đăng: 06:00 | 22/08/2019
/ vnexpress.net