Công ty dầu khí lớn nhất của Ba Lan cho biết họ có thể cung cấp dầu cho toàn bộ Trung và Đông Âu trong trường hợp EU áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga.

Công ty PKN Orlen tuyên bố trong trường hợp có lệnh cấm các nguồn nguyên liệu từ Nga, PKN Orlen sẽ duy trì nguồn cung dầu thô ổn định không chỉ cho Ba Lan mà cho toàn bộ Trung và Đông Âu. Công ty cũng cho biết đã không còn mua dầu của Nga kể từ khi cuộc chiến giữa Nga với Ukraine nổ ra. PKN Orlen  khẳng định công ty này đã thiết lập và tăng cường quan hệ với nhiều nhà sản xuất dầu thô khác nhau trên toàn cầu, đồng thời nhập khẩu và chế biến 100 loại nguyên liệu thô khác nhau từ bên ngoài nước Nga.

Ba Lan hiện là một trong những quốc gia đi đầu trong việc ủng hộ vòng trừng phạt thứ sáu do Ủy ban châu Âu đề xuất dự kiến ​​sẽ áp dụng một lệnh cấm vận đối với việc mua dầu của Nga trong vòng 6 tháng tới.

khi-dot-1-2903-1651103860
Ảnh minh họa

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trong bài phát biểu tại Nghị viện châu Âu cho biết Ủy ban châu Âu đã đề xuất lệnh cấm đối với dầu của Nga. Đây sẽ là lệnh cấm nhập khẩu hoàn toàn đối với tất cả dầu của Nga trên các phương diện.

Hiện tại, chỉ có Hungary và Slovakia, là những nước phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp nguyên liệu thô của Nga cho biết sẽ phản đối lệnh cấm vận này và vẫn có thể mua nguồn năng lượng từ Nga. Slovakia, quốc gia phụ thuộc gần như hoàn toàn vào năng lượng từ Nga cho biết muốn có thời gian chuyển tiếp kéo dài 3 năm. Trong khi đó, Hungary cũng tuyên bố sẽ không thể ủng hộ các lệnh trừng phạt hiện tại vì ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế của nước này

Trước đó, theo trang tin Euractiv.pl (Ba Lan) ngày 2/5, Ba Lan đã mở kết nối một đường ống dẫn khí đốt mới từ Litva sau khi tập đoàn Gazprom của Nga ngừng giao hàng cho Warszawa vào ngày 27/4 vừa qua.

Đường ống khí đốt Ba Lan-Litva (GIPL), được xây dựng từ năm 2020, bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 1/5. Cơ sở hạ tầng mới dài 580 km này sẽ cung cấp cho Ba Lan 2 tỷ mét khối (bcm) khí đốt mỗi năm, đáp ứng 10% nhu cầu hàng năm của Ba Lan.

“Theo kế hoạch, khí đốt từ Litva sẽ chảy sang Ba Lan kể từ hôm nay. Vào ngày 5/5, một cơ sở hạ tầng khác sẽ được mở để cho phép truyền tải khí đốt nhiều hơn. Ba Lan an toàn về mặt năng lượng”, Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường Anna Moskwa viết trên Twitter.

Nemunas Biknius, Giám đốc điều hành của Amber Grid, nhà điều hành lưới điện chính của Litva, nhận xét đường ống dẫn khí GIPL là một cột mốc trong lịch sử phát triển độc lập năng lượng giữa Litva và Ba Lan. Thông qua xuất nhập khẩu khí đốt bằng hệ thống kết nối này, Litva và Ba Lan không chỉ tăng cường an ninh năng lượng của riêng mình mà còn cho cả các nước Baltic và Phần Lan. 

Ba Lan phát triển mạng lưới khí đốt cũng là cơ hội để các nước Trung Âu độc lập khỏi khí đốt của Nga. Ví dụ, Ba Lan và Slovakia đang xây dựng một đường ống cho phép Bratislava nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ nhà ga LNG ở Swinoujscie.

Séc cũng bày tỏ sự quan tâm đến khí đốt của Ba Lan, vì lo ngại Nga cũng sẽ cắt giảm việc cung cấp khí đốt cho họ. Thủ tướng Séc Petr Fiala đã đề nghị Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki giúp đỡ trong việc độc lập khỏi các nguồn năng lượng của Nga hôm 27/4. 

Ba Lan cũng có kế hoạch mở thêm một số đường ống mới trong vài năm tới, bao gồm cả Đường ống Baltic, nhận khí đốt từ Na Uy.

Ngày đăng: 10:47 | 05/05/2022

PV (th) / Nghề nghiệp và cuộc sống