Điều gì đã khiến họ - những con người “chân đất”, xuất phát thấp ở miệt “bưng biền” Đồng Tháp có thể “vươn vai Phù Đổng” - học hành giỏi giang, đạt thành tích xuất sắc, trở thành tiến sĩ... Tất cả cùng có câu trả lời: Nhờ “tấm lòng vàng” của thầy Hiệu trưởng Đại học Đồng Tháp (ĐHĐT) - PGS.TS Nguyễn Văn Đệ.
PGS.TS Nguyễn Văn Đệ trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên ĐH Đồng Tháp.
“Xây tổ” tiến sĩ
“Em sớm mồ côi cha, nhà lại nghèo nên từ thời tiểu học, sau giờ lên lớp, phải đi chăn vịt mướn để phụ giúp mẹ” - TS Lê Trung Hiếu (SN 1985) - Trưởng bộ môn Giải tích - Toán ứng dụng (Khoa Sư phạm Toán - Tin) làm tôi ngưỡng mộ rớt nước mắt với hành trình trở thành TS Toán học. Ngưỡng mộ, không chỉ vì sau 30 năm chào đời, cậu bé chăn vịt trên cách đồng Tháp Mười (Đồng Tháp) đạt học vị TS, mà còn bởi đó là TS “chất lượng cao” với 5 bài nghiên cứu khoa học quốc tế, trong đó có 2 bài SCI (Chỉ số trích dẫn khoa học).
Chuyện là vào năm 2007, sau khi tốt nghiệp sư phạm toán (2003-2007) loại giỏi, Hiếu - sinh viên khóa đầu tiên của trường ĐHĐT - được đề xuất giữ lại làm giảng viên rồi chuyển tiếp học thạc sĩ và trở thành TS vào năm 2015. Đây được xem như kỳ tích của miệt “Bưng biền Tháp Mười”. Bởi phần lớn sinh viên ở đây có nhiều hạn chế về năng lực và khả năng tài chính... Còn lực lượng giảng dạy cũng khởi đầu khá ì ạch.“Năm 2003 ĐHĐT thành lập trên cơ sở trường CĐSP với 165 cán bộ giảng viên, trong đó chỉ có 21 thạc sĩ. Thậm chí có những SV xuất sắc mới tốt nghiệp được giữ lại làm cán bộ giảng dạy nên chỉ có trình độ CĐSP” - PGS.TS Nguyễn Văn Đệ thực lòng.
Vậy mà sau 15 năm, nơi đây có gần 500 giảng viên có trình độ sau đại học, gồm: 4 PGS, 65 TS, 78 nghiên cứu sinh, 310 thạc sĩ, 39 giảng viên đang học tập, nghiên cứu ở nước ngoài. Điển hình là trường hợp TS Phan Ngọc Thạch. Tốt nghiệp CĐSP tiếng Anh loại giỏi, Thạch được giữ lại làm giảng viên. Tuy xuất phát điểm thấp, nhưng Thạch đã khiến nhiều người phải “ngước nhìn” khi đỗ đầu kỳ thi Cao học tiếng Anh tại ĐHSP TPHCM (khóa 1999-2003) và được chọn học thạc sĩ tại Đại học Kỹ thuật Queensland (QUT - Queensland University of Technology). Rồi chàng trai Đồng Tháp đạt thành tích xuất sắc để được tiếp tục được cấp học bổng nghiên cứu sinh và trở thành TS tại QUT vào năm 2015 ở tuổi 40.
Điều gì đã khiến những con người “chân đất”, xuất phát thấp ở miệt “bưng biền” có thể “vươn vai Phù Đổng”? Tất cả cùng có câu trả lời giống nhau: Nhờ thầy Hiệu trưởng, tức PGS Đệ.
“Nếu không “tấm lòng vàng” của thầy Hiệu trưởng, tôi không có được như ngày nay” - TS Thạch xúc động - “Năm 2012, nhận được học bổng nghiên cứu sinh ở Auatralia, nhưng tôi định “rút lui” vì vợ mới sinh, gia đình lại đơn chiếc. Nghe tin, thầy mời lên động viên, rồi bằng kinh nghiệm, đã bày cách đưa vợ, con theo vừa chung sống, vừa có thu nhập... Vừa xong, lại nảy sinh rắc rối mới: Đơn vị chủ quản của vợ không đồng ý cho nghỉ phép dài hạn. Thầy lại ra tay hóa giải “toàn tập”: vừa tạo điều kiện cho nhập hồ sơ của vợ tôi về trường ĐHĐT, vừa cam kết: “Bảo lãnh thủ tục cho con tôi “nhập học” khi về nước. Sự giúp đỡ tận tình này không chỉ giúp tôi vượt qua khó khăn ở vạch xuất phát mà còn tạo thêm động lực rất lớn về tinh thần để tạo ra sự khác biệt trong học tập trong môi trường quốc tế”.
Giúp đỡ ân tình
“Không chỉ lúc học ở Hà Nội, mà ngay cả khi làm nghiên cứu sinh ở Nga, được hưởng chế độ gần 500USD/tháng, nhưng tôi vẫn được hưởng tiền thưởng lễ, tết cùng nhiều chính sách ưu đãi của trường, điều mà nhiều đồng nghiệp khác không có được. Nhưng quan trọng hơn là thầy Hiệu trưởng còn chăm lo xây tổ ấm” - TS Phùng Thái Dương (SN 1983, ở Châu Thành, Bến Tre) đã làm tôi tò mò với vai trò “xây tổ ấm” cho nhân viên của PGS Đệ.
Chuyện bắt đầu vào cuối năm 2014, sau khi bảo vệ luận án cấp cơ sở tại ĐH Tomsk (Liên bang Nga), Dương về Việt Nam cưới cô giáo Huỳnh Thị Kiều Trâm (An Giang) - cựu sinh viên ĐHĐT. Cưới xong, Dương trở lại Nga để thực hiện bảo vệ cấp Nhà nước, còn Trâm học thạc sĩ tại trường cũ để sau này tiếp tục học lên TS như chồng. Trước ngày đi, Dương có chút lo lắng, vì đường từ nhà vợ đến trường phải qua sông, qua phà.... nên gởi email “cầu cứu” hiệu trưởng. Ngay lập tức, thầy trả lời: OK. Thế là, Trâm vào công tác tại “Khoa Quản lý giáo dục và Tâm lý giáo dục”. “Điều này đã giúp vợ chồng tôi am tâm và có thêm động lực học tập thật tốt. Kết quả là năm 2015, tôi nhận bằng TS và năm sau vợ tôi nhận bằng thạc sĩ. Hiện tôi tập trung viết sách, để khi vợ xong TS, tôi cũng đủ yếu tố để đăng ký chức danh phó giáo sư” - Dương cho biết thêm.
Những sự giúp đỡ ân tình này không phải là sự bộc phát, riêng tư... mà xuất phát từ chủ trương mà PGS Đệ là “kiến trúc sư”. Để động viên giảng viên học tập nâng cao trình độ, PGS Đệ đã đề xuất và thông qua Đảng ủy, BGH nhà trường chính sách hỗ trợ đặc biệt cho gia đình có vợ và chồng cùng làm nghiên cứu sinh. Theo đó, các căp vợ chồng sẽ được ưu tiên hỗ trợ cũng như tạm ứng kinh phí trong quá trình học tập.
TS Hoàng Thị Nghiệp, Trưởng Bộ môn Động vật học (Khoa SP Hóa - sinh - kỹ thuật nông nghiệp) chia sẻ: “Được ông xã động viên cùng làm TS để cùng nâng cao trình độ... lúc đầu tôi lo vì vợ chồng trẻ tự trang trải. Cứ đến đợt đi học là lên xin nhà trường ứng tiền. Lúc đầu cũng ngại, nhưng do có chủ trương nên cứ ứng mãi, ứng mãi.... Nhờ đó mà năm 2012 vợ chồng cùng nhận học vị tiến sĩ”. Đến nay ĐHĐT có hơn 10 cặp vợ chồng cùng là TS, hoặc chồng (vợ) là tiến sĩ, vợ (chồng) đang nghiên cứu sinh. Đây là kỷ lục mà ngay cả những trường đại học tên tuổi chắc cũng chưa có được. “Điều này không chỉ để tăng cường cảm thông, chia sẻ và chia lửa, tương tác cho nhau trong mỗi gia đình giảng viên, mà chúng tôi hướng tới thế hệ thứ 2 đầy hứa hẹn khi sinh ra và lớn lên trong môi trường cả cha và mẹ đều là nhà khoa học” - PSG Nguyễn Văn Đệ chia sẻ.
Không dừng lại ở đó, trước thực trạng đầu vào tuyển sinh ngành sư phạm đang hẹp dần, giảng viên đứng trước nguy cơ giảm thu nhập..., PGS Đệ đã chủ động mở rộng liên kết bồi dưỡng, đào tạo để giảng viên ổn định thu nhập và có kinh phí hỗ trợ TS phát huy khả năng nghiên cứu với mức: 8-10 triệu đồng/bài nghiên cứu quốc tế (ISI). Đến năm học 2016 - 2017, mức khen thưởng này tăng lên 12 triệu đồng/bài. Ngoài ra, còn có chế độ hỗ trợ kinh phí thực hiện đề tài theo sản phẩm bài báo với mức kinh phí hỗ trợ 22 - 26 triệu đồng. Với chính sách thiết thực này số lượng bài báo khoa học của trường “năm sau cao hơn năm trước”. Cụ thể, năm học 2015 - 2016, ĐHĐT có 354 bài báo công bố trên các tạp chí khoa học (trong đó có 20 bài thuộc danh mục ISI). Đến năm học 2016 - 2017, con số này tăng lên 381 bài (trong đó có 25 bài thuộc danh mục ISI).
Vì sao lại có chủ trương không giống ai này? “Không phải làm nổi hay lấy tiếng, thực chất đó là cách chúng tôi tự cứu mình” - rất chân thành, PGS Đệ chia sẻ - “Với vị trí ngôi trường ở xa trung tâm như ĐHĐT, rất khó để thu hút, cũng như giữ chân các nhà khoa học từ các nơi khác về. Vì vậy, để không bị bỏ lại top sau, chúng tôi xác định, chỉ còn cách duy nhất là đào tạo tại chỗ. Để làm được điều này, cần nghĩ ra cơ chế có tính chất “siêu ưu tiên” để khơi dậy nhiệt tình học tập của các giảng viên và gắn bó công tác lâu dài”.
Với suy nghĩ sáng tạo này, PGS.TS Nguyễn Văn Đệ đã đưa hàng trăm “chân đất” vươn lên thành TS. Chính vì vậy, ông xứng đáng được gọi là “bà đỡ tiến sĩ”, không chỉ của ĐHĐT...
Biên soạn sách giáo khoa: Tại sao cứ phải giáo sư, tiến sĩ?
Người tham gia vào việc biên soạn sách giáo khoa nên là các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia giáo dục hay bất kể người ... |
Đề án đào tạo tiến sĩ không đạt, kiến nghị thu hồi 50 tỷ đồng
Kết quả đào tạo tiến sĩ không đạt, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính với Bộ GD&ĐT, thu hồi nộp ngân ... |
Đề án đào tạo 23 nghìn Tiến sĩ: Thất bại vì quá “lãng mạn”?
Với số nghiên cứu sinh (NCS) bảo vệ thành công, đúng kỳ hạn chỉ đạt 23%, “Đề án đào tạo giảng viên có trình độ ... |
Ngày đăng: 08:21 | 02/02/2018
/ Lao động