Chi phí mặt bằng tại các đô thị quá lớn đòi hỏi các nhà bán lẻ chôn nhiều vốn đầu tư ban đầu và thu hồi vốn chậm.
Savills Việt Nam vừa công bố báo cáo mới nhất về ngành bán lẻ Việt Nam và điểm yếu cũng như tiềm năng của thị trường này. Điểm yếu thứ nhất là chi phí đất, mặt bằng cao tại các khu đô thị lớn, đòi hỏi nhiều vốn đầu tư ban đầu và thu hồi vốn chậm hơn các sản phẩm bất động sản khác như nhà ở.
Điểm yếu thứ hai là hiện chưa có quy hoạch tổng thể rõ ràng để sẵn sàng giới thiệu mặt bằng bán lẻ cho các đơn vị phát triển bán lẻ lớn tạo đà thay đổi cục diện đầu tư, thói quen mua sắm tại một số địa phương, khu vực mà việc quy hoạch này hiện diễn ra một cách thụ động.
Điểm yếu thứ ba là thị trường bán lẻ Việt Nam chưa thực sự có lợi thế cạnh tranh với các thị trường ở quốc gia khác đối với các mặt hàng cao cấp, bởi tỷ trọng người mua mặt hàng này nhỏ và họ sẵn sàng mua sản phẩm cao cấp tại nước ngoài.
Đơn vị này cũng chỉ ra một số điểm mạnh của thị trường bán lẻ Việt Nam gồm: quy mô dân số lớn, tốc độ đô thị hóa tại các đô thị khá cao, thu nhập gia tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng không ngừng tăng lên. Bên cạnh đó là niềm tin của người tiêu dùng cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu mua sắm giải trí của người Việt.
Khu trung tâm TP HCM, nơi tập trung nhiều trung tâm mua sắm hiện đại. Ảnh: Lucas Nguyễn |
Một lợi thế cho các nhà đầu tư là chính quyền địa phương đang rất chào đón và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bán lẻ. Thị trường sau thời gian cạnh tranh khốc liệt và đào thải, đang trở thành sân chơi chuyên nghiệp cho các đơn vị thực sự có năng lực phát triển và thành công.
Tuy nhiên, Savills đánh giá sự cạnh tranh của thị trường bán lẻ mới đang chỉ bắt đầu. Việc các doanh nghiệp lớn như Vingroup và Saigon co-op trong thời gian qua mở rộng kinh doanh về nhiều các tỉnh thành lớn và thâu tóm các thương hiệu nhỏ lẻ là minh chứng cho điều này. Sự cạnh tranh dự kiến còn khốc liệt hơn bởi sau một thời gian dài tìm hiểu và thử nghiệm tại thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp ngoại đã dần nắm bắt được thị hiếu và thói quen tiêu dùng của người Việt, từ đó đưa ra những chiến lược kinh doanh và kỳ vọng phù hợp, sẵn sàng cạnh tranh với các doanh nghiệp Việt.
Một mặt, các chuỗi bán lẻ nước ngoài, với mô hình hiện đại, tân tiến và đã được minh chứng trên thế giới, bên cạnh tiềm lực tài chính có lợi thế cạnh tranh hơn các doanh nghiệp Việt trong mảng phát triển trung tâm thương mại. Mặt khác, các doanh nghiệp Việt đang cho thấy sức mạnh trong lĩnh vực cửa hàng tiện ích với mạng lưới rộng khắp.
Vì vậy, câu chuyện thành bại của một doanh nghiệp bán lẻ có thể nằm ở chiến lược kinh doanh, bên cạnh đó là tích hợp công nghệ để phù hợp với thói quen tiêu dùng hiện đại. Cũng không loại trừ hướng đi tích hợp hệ sinh thái bán lẻ hoặc kết hợp giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để đa dạng hóa sự phát triển, tận dụng thế mạnh của cả 2 bên hướng tới cung cấp nhiều trải nghiệm, sản phẩm tốt, tiện lợi, giá cả phù hợp cho người tiêu dùng.
Thị trường bán lẻ: Cuộc cạnh tranh khốc liệt mới chỉ bắt đầu
Hàng loạt các tên tuổi bán lẻ đình đám như: Trần Anh, Shop Go, Fivimart, Giant và mới nhất Auchan đều phải rời khỏi thị ... |
Màn ‘thổi lửa’ của Vincom vào thị trường bán lẻ
Sự ra tay của Vincom hy vọng sẽ mang lại niềm tin của người tiêu dùng vào các chương trình khuyến mại thực sự, kích ... |
Doanh nghiệp bán lẻ ồ ạt tuyển nhân sự
Nhiều đơn vị bán lẻ chỉ trong một tháng đã đăng tuyển cả trăm nhân sự nhằm phục vụ nhu cầu mở rộng hệ thống. |
Vũ Lê
Ngày đăng: 08:52 | 28/07/2019
/ vnexpress.net