Trong số ca nhiễm liên quan Tân Sơn Nhất, có 8 người cùng nhóm bốc xếp, 24 người nhà, hàng xóm... của họ, hình thành 3 chuỗi lây và 18 ca không biết lây từ đâu.
Người phát hiện sớm nhất trong chuỗi lây, được công bố ngày 6/2, là "bệnh nhân 1979", 28 tuổi. Anh là nhân viên giám sát chất xếp hàng hóa, thuộc công ty VIAGS, hoạt động tại cảng Tân Sơn Nhất. Bệnh nhân sống tại TP Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Cơ quan chức năng nhận định, "bệnh nhân 1979" không phải là nguồn lây của cụm dịch này. Trước anh, có thể có những người mắc nhưng đã khỏi, hoặc chưa xét nghiệm thấy. Từ ca nhiễm này, lực lượng chức năng truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện ít nhất 3 chuỗi lây nhiễm và 18 ca được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá là "tình huống nảy sinh bất ngờ".
Đầu tiên là từ "bệnh nhân 1979", có 9 người tiếp xúc gần (F1) với anh, gồm đồng nghiệp, người thân, người ngồi ăn cùng quán, những ngày sau được ghi nhận dương tính.
Chuỗi 9 ca từ 1979, gồm:
- Bốn bệnh nhân 2002, 2004, 2005 và 2066 (công bố chiều 9/2) là đồng nghiệp trong đội bốc xếp hàng hóa, cùng công ty VIAGS với "bệnh nhân 1979".
- "Bệnh nhân 2003" là nhân viên bộ phận lái xe, công ty VTS, làm việc chung khu vực cảng hàng không.
- "Bệnh nhân 2065", 43 tuổi, là nhân viên hãng Vietnam Airlines, cùng thực hiện giám sát hàng hóa chung với "bệnh nhân 1979" ngày 30-31/1.
Ngoài ra, ba trường hợp khác lây nhiễm ngoài phạm vi sân bay. Gồm:
- "Bệnh nhân 2018", 28 tuổi, ở quận 12, đến khám tại khoa Sản Bệnh viện Quân y 175 vào ngày 3/2, trùng khung giờ "bệnh nhân 1979" tới khám.
- Hai bệnh nhân 2025 và 2026 đến ăn trùng khung giờ với "bệnh nhân 1979" tại quán lẩu dê trên đường Lê Trọng Tấn, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú.
Chuỗi 3 ca lây từ "bệnh nhân 2003", 30 tuổi, gồm ba ca là bố mẹ, em trai ở chung nhà, tiếp xúc gần với anh bị lây nhiễm. Họ được Bộ Y tế định danh là "bệnh nhân 2014", 2015 và 2016.
Chuỗi một ca lây từ "bệnh nhân 2004", 28 tuổi. Đây là một đồng nghiệp công ty VIAGS, được Bộ Y tế ghi nhận "bệnh nhân 2038".
Nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19, chiều 4/2. Ảnh: Trung Sơn. |
18 trường hợp còn lại, được Thứ trưởng Sơn gọi là "tình huống nảy sinh bất ngờ", khi F1 âm tính nhưng F2 lại dương tính, tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19, chiều 9/2. Lý do là nguồn lây của ổ dịch này chưa biết xuất phát từ đâu. Cụ thể:
- "Bệnh nhân 2017" là em rể của một nhân viên bộ phận Autogrill trong sân bay. Tuy nhiên, người nhân viên này lại có kết quả xét nghiệm âm tính nCoV ngày 7/2.
- "Bệnh nhân 2019" là mẹ của một nhân viên công ty VTS. Người con có kết quả xét nghiệm âm tính nCoV ngày 7/2.
- Chùm 5 ca từ 2020 đến 2024, sống trong khu nhà trọ, tại quận Bình Tân, chung với một nhân viên công ty VIAGS. Nhân viên này có kết quả xét nghiệm âm tính nCoV ngày 7/2.
- Hai bệnh nhân 2027 và 2028 là vợ con của một nhân viên công ty VACS trong sân bay. Anh nhân viên này có kết quả xét nghiệm âm tính nCoV ngày 7/2.
- Ba bệnh nhân 2029, 2030, 2031 là bố mẹ và em trai của một nhân viên công ty VIAGS. Nhân viên này có kết quả xét nghiệm âm tính nCoV ngày 7/2.
- Bốn ca 2032, 2033, 2034, 2035 là vợ, con, hàng xóm, nhân viên bảo vệ chung cư của một nhân viên công ty VTS của sân bay. Anh nhân viên này âm tính nCoV.
- Bệnh nhân 2036 và 2037 sống chung khu nhà trọ ở quận Gò Vấp với nhân viên công ty Pacific tại sân bay. Nhân viên này âm tính nCoV.
Từ đầu dịch tới nay, đây là lần đầu tiên TP HCM bùng phát dịch trong cộng đồng với số lượng ca nhiễm nhiều nhất, 32 ca, trong vòng 5 ngày qua. Đợt dịch liên quan Đà Nẵng, thành phố ghi nhận 8 trường hợp lây nhiễm. Đợt dịch từ Hải Dương, thành phố chỉ ghi nhận một ca.
Tổng cộng từ năm 2020 đến ngày 9/2, thành phố ghi nhận 200 ca Covid-19.
Thư Anh
Chưa giảm tần suất bay tại Tân Sơn Nhất |
Xét nghiệm kháng thể nhân viên bốc xếp ở Tân Sơn Nhất |
Thêm hai nhân viên Tân Sơn Nhất nghi nhiễm nCoV |
Ngày đăng: 16:15 | 10/02/2021
/ vnexpress.net