“Xử lý thế nào với công trình sai phạm ở Mã Pì Lèng ?”, “trách nhiệm thuộc về ai khi để công trình đồ sộ không phép mọc lên ở gần danh lam thắng cảnh…” là những vấn đề “làm nóng” buổi họp báo quý III của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch diễn ra sáng 8.10.
Chưa nhận được văn bản xin thẩm định xây dựng công trình
Những ngày qua, công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama tại đèo Mã Pì Lèng ở Mèo Vạc, Hà Giang đã làm “dậy sóng” dư luận. Lý do, đây là công trình chưa có Giấy chứng nhận đầu tư, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chưa có Giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, công trình đồ sộ 7 tầng đã được xây dựng tại khu vực đèo nhìn xuống sông Nho Quế nổi tiếng.
Nhà nghỉ Mã Pì Lèng Panorama gồm 7 tầng với kết cấu bê tông cốt thép, được xây trên đèo Mã Pì Lèng từ năm 2018. Ảnh: Cường Ngô-Đăng Huỳnh. |
Trước sự quan tâm của dư luận, sáng 8.10, trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, ông Nguyễn Thái Bình - Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch - đã nêu quan điểm về những ồn ào liên quan đến công trình không phép ở Mã Pì Lèng.
Theo người phát ngôn Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, chiều 4.10, Cục Di sản văn hóa đã có thông tin bước đầu về vụ việc. Theo Cục Di sản, vị trí tòa nhà được xác định nằm ngoài khoanh vùng khu vực 2 của danh thắng quốc gia.
Mặc dù nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ 2, nhưng Luật Di sản văn hóa cũng khuyến cáo, khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường – sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch.
“Đến thời điểm này, Bộ chưa nhận được bất kỳ ý kiến nào để xin thẩm định xây dựng công trình này. Nếu như nằm ngoài khu vực vùng 2 di sản, thì công trình này sẽ bị điều chỉnh bởi quy định trong Luật Xây dựng.
Tuy nhiên, với trách nhiệm của mình theo Luật Di sản, Cục Di sản văn hóa đã cử đoàn lên kiểm tra thực tế. Quan điểm của Bộ là cần có biện pháp, hình thức để bảo vệ tốt danh lam thắng cảnh quốc gia Mã Pì Lèng trong thời gian tới”- ông Bình cho biết.
"Nên chấp nhận việc được ăn thua chịu"
Tại buổi họp báo, phóng viên Lao Động đặt ra vấn đề “cơ chế nào để tư nhân tham gia phát triển du lịch mà không vi phạm”, “có hay không việc cơ quan quản lý đang ở thế bị động? Từ bài học về vụ ở Mã Pì Lèng, có thể thấy khi cơ quan quản lý vào cuộc thì mọi việc ở "sự đã rồi". Nếu xử lý không khéo có thể tạo tiền lệ xấu, cá nhân, tổ chức lợi dụng điều này để xâm hại di tích, thắng cảnh…”.
Ông Nguyễn Thái Bình - Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch - trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến công trình sai phép ở đèo Mã Pì Lèng. Ảnh: Hoài Anh |
Về những vấn đề phóng viên đặt ra, người phát ngôn của Bộ Văn hóa Thể thao du lịch - ông Nguyễn Thái Bình - khẳng định quan điểm của Bộ: Dù doanh nhân, doanh nghiệp hay bất cứ thành phần nào cũng phải thực hiện nghiêm theo pháp luật. Việc xây dựng trái phép ở bất cứ đâu trên đất nước này, Bộ Văn hóa đều không đồng tình.
Ông Nguyễn Thái Bình cũng cho rằng, về công trình sai phạm ở Mã Pì Lèng, báo chí có thể truy trách nhiệm của địa phương. “Nhà chúng ta, chỉ cần sửa rất nhỏ, ngay lập tức chính quyền hỏi ngay. Công trình xây 7 tầng không thể nói không biết được?” - ông Bình đặt câu hỏi.
Về việc chủ công trình nói rằng “nếu phá dỡ công trình thì bà chỉ có nước nhảy xuống sông Nho Quế”, ông Bình cho rằng bà chủ công trình ở Mã Pì Lèng không được lôi sinh mệnh mình ra để tạo áp lực ngược trở lại với luật pháp. Nếu đã sai thì phải khắc phục, sửa chữa, chịu sự xử lý theo các quy định của pháp luật. Đã là doanh nghiệp trong cơ chế thị trường thì phải "được ăn thua chịu".
Chủ khách sạn trên Mã Pì Lèng cố tình vi phạm pháp luật |
Buổi sáng ở nhà hàng trên đèo Mã Pì Lèng |
Nhà hàng trên đèo Mã Pí Lèng: Nơi đây không cần phải có giấy phép xây dựng |
Ngày đăng: 14:08 | 08/10/2019
/ laodong.vn