Thông tin tại buổi họp báo sáng 17.9, CEO Phạm Văn Tam của Tập đoàn Asanzo cho rằng doanh nghiệp đã được "minh oan" và sẽ quay lại hoạt động từ hôm nay (17.9). 

Asanzo nói về những cáo buộc

Ông Phạm Văn Tam cùng với luật sư và cố vấn của Asanzo. Ảnh: Sơn Tùng

 

Thông tin tại buổi họp báo, luật sư Trần Đức Hoàng, Tư vấn pháp lý của Tập đoàn Asanzo cho rằng, Asanzo đang vướng phải 3 cáo buộc: Asanzo giả xuất xứ, Asanzo vi phạm quy định pháp luật về xuất nhập khẩu, Asanzo lừa dối khách hàng. 

Nói về cáo buộc Asanzo giả xuất xứ, ông Hoàng cho rằng, Tổng Cục quản lý thị trường có văn bản gửi Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia để báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh đối với Asanzo. Theo báo cáo này, Tổng cục Quản lý thị trường không có bất cứ kết luận nào cho thấy Asanzo có sai phạm về việc ghi xuất xứ hàng hoá, sau khi đã kiểm tra việc ghi nhãn hàng hoá của doanh nghiệp.

Ngoài ra, đại diện Asanzo cho biết, tổ công tác của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã kết luận rằng, đối với các “sản phẩm điện tử Asanzo được lắp ráp tại Việt Nam từ các linh kiện mua trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài, việc ghi trên nhãn hàng hoá “sản xuất tại Việt Nam”, hoặc “chế tạo tại Việt Nam”, “nước sản xuất Việt Nam”, “xuất xứ Việt Nam” hoặc “sản xuất bởi Việt Nam” là đúng quy định pháp luật”.

Về cáo buộc sai phạm xuất nhập khẩu, ông Hoàng thông tin, Tổng cục Hải quan đã gửi công văn cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo. Công văn này nêu rõ, “Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) đã tiến hành kiểm tra và có biên bản kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan số 774/KL-KTSTQ (C3) ngày 15.8.2019 gửi công ty”. 

"Như vậy, kết luận của Cục Kiểm tra sau thông quan chính là kết luận kiểm tra của ngành hải quan đối với Asanzo và kết luận này cho thấy, Asanzo không sai phạm vể xuất nhập khẩu", vị luật sư này cho biết. 

Về việc sử dụng slogan “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản”, Asanzo cho biết đã xin phép Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch TP.HCM và được đồng ý.

"Asanzo có hợp tác với Sharp Roxy - một công ty con tại HongKong của Tập đoàn Sharp (Nhật Bản). Ngày 12.9.2019, Sharp Roxy đã có văn bản tuyên bố rằng: “Theo yêu cầu của Công ty cổ phần tập đoàn Asanzo, chúng tôi, Sharp Roxy HongKong, tuyên bố và khẳng định rằng, chúng tôi đang có hợp đồng kinh doanh với Asanzo, bao gồm bán linh kiện điện tử, chuyển giao phần mềm, công nghệ và cách làm, cùng với các dịch vụ liên quan. Cho đến bây giờ, hợp đồng vẫn đang có hiệu lực”.

Asanzo tuyên bố "được minh oan", cơ quan chức năng nói gì?

Ông Phạm Văn Tam- CEO Asanzo. Ảnh: Sơn Tùng

Trao đổi tại buổi gặp gỡ báo chí, ông Phạm Văn Tam, CEO của Tập đoàn Asanzo cho rằng: "Đến ngày hôm nay, Asanzo được minh oan và công ty đã hoạt động lại bình thường". Ông Tam cũng cho biết, doanh nghiệp sẽ khai trương thêm 1 nhà máy tại khu công nghiệp cao quận 9, TP Hồ Chí Minh. 

"Trong đầu tháng 10, chúng tôi sẽ vận hành nhà máy thứ 5, công suất là 2 triệu - 2,5 triệu tivi/năm. Nhà máy này sẽ bằng 4 nhà máy đã có của Asanzo. Trong quá trình khủng hoảng, chúng tôi vẫn xuất khẩu đi Nhật", ông Tam nói.  

Khi được hỏi về việc cơ quan chức năng còn chưa công bố kết luận cuối cùng thì Asanzo đã tổ chức họp báo và cho rằng được "minh oan", luật sư của Asanzo cho rằng: Đến thời điểm này, cơ quan nhà nước chưa ban hành kết luận gì về việc Asanzo sai phạm. Vị luật sư này khẳng định, tất cả các thông tin Asanzo công bố là "đúng". 

Trao đổi với Lao Động trong sáng nay, ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, hiện nay đơn vị chưa nhận được báo cáo nào liên quan đến kết luận về vụ Asanzo. “Vụ Asanzo là các cơ quan chức năng làm, phía Văn phòng 389 Quốc gia là cơ quan đôn đốc việc thực hiện. Khi các cơ quan chức năng làm xong thì sẽ có báo cáo gửi về đơn vị. Lúc đó sẽ công khai mọi thứ”, ông Thế nói.

Asanzo nói thiệt hại 1.000 tỷ đồng vì nghi án giả xuất xứ
Bị nghi ngờ gian dối, Asanzo phải đón 106 cán bộ đến làm việc trong 89 ngày
"Asanzo thiệt hại 1.000 tỷ đồng vì nghi án giả xuất xứ"

Ngày đăng: 16:58 | 17/09/2019

/ laodong.vn