Làm rõ băn khoăn về lo ngại đưa phân bón chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) 5% sẽ khiến tăng giá, ĐBQH và các chuyên gia đã có những phân tích cụ thể.
Tính toán khoa học cho thấy giá phân bón có dư địa giảm khi áp thuế GTGT 5% |
Áp thuế GTGT là căn cứ giảm giá phân bón
Về ý kiến cho rằng “áp dụng thuế GTGT 5% làm tăng giả phân bản", số liệu từ buổi Tọa đàm tham vấn “Ảnh hưởng của việc áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% đến ngành phân bón” do Tổng Hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Hội Tư vấn thuế Việt Nam, Trường Đại học Ngoại thương Việt Nam tổ chức ngày 17/10/2024 cho biết, các chuyên gia đã tính toán đối với phương án chuyển phân bón sang áp dụng thuế suất 5%, thì giá phân Urê, DAP và lân sản xuất trong nước có dư địa giảm lần lượt 2% và 1,13%; phân lân có thể giảm 0,87%.
Giá NPK có thể tăng không đáng kể (0,09%) hoặc giữ nguyên. Giá phân Urê, DAP, NPK, SA và Kali nhập khẩu tăng, cụ thể: phân NPK nhập khẩu có thể tăng 5%.
Cấu trúc thị trường phân bón hiện tại (tiêu thụ phân bón sản xuất trong nước chiếm trên 70%, tiêu thụ phân bón nhập khẩu chiếm dưới 30%), sẽ cho phép doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước dẫn dắt điều chỉnh mặt bằng giá thị trường phân bón.
Với chính sách áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% đối với phân bón, giá thành phân bón sản xuất trong nước giảm, giá bán phân bón sản xuất trong nước có dư địa giảm, sẽ tạo tác động dẫn đến các nhà nhập khẩu phân bón cũng sẽ phải giảm giá bán phân bón nhập khẩu theo mặt bằng giá thị trường, đem lại lợi ích lớn cho bà con nông dân.
Tại Tọa đàm “Áp thuế giá trị gia tăng phân bón: Vì một nền nông nghiệp phát triển bền vững” do Tạp chí Năng lượng mới/PetroTimes tổ chức mới đây ngày 17/11/2024, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trịnh Xuân An, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa XV cũng cho rằng đề xuất của Chính phủ đưa phân bón trở về chịu thuế GTGT 5% là hoàn toàn hợp lý về mặt cơ sở khoa học.
“Tôi cho rằng không có căn cứ để nói áp thuế GTGT 5% sẽ làm tăng giá phân bón. Theo tôi, khi bàn tác động của thuế GTGT 5% nên có cái nhìn khách quan, khoa học không nên bảo thủ hay dùng những lời lẽ nặng nề như ‘không cần biết, cứ áp thuế GTGT 5% thì giá phân bón sẽ tăng, sẽ giết người nông dân’. Do đó, phải căn cứ trên cơ sở khoa học tính toán cụ thể, không nên vì suy nghĩ chủ quan, cảm tính để quyết định”, ĐBQH Trịnh Xuân An thẳng thắn bày tỏ.
ĐBQH Trịnh Xuân An chia sẻ ý kiến tại Tọa đàm “Áp thuế giá trị gia tăng phân bón: Vì một nền nông nghiệp phát triển bền vững” ngày 17/11. |
Ông An cũng cho rằng, đây không chỉ câu chuyện thuần túy thuế học mà còn là vấn đề tình cảm, lý trí, không thể đưa ra quyết định trên chủ quan ý chí, cần bao quát rộng rãi trên các khía cạnh. Quan điểm này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện xuyên suốt trong quá trình thảo luận, lấy ý kiến cho thuế dự tháo Luật.
“Đề nghị báo chí có sự định hướng dư luận về vấn đề này đề phòng thế lực xấu lợi dụng gây nhũng nhiễu thông tin, chính sách. Không bao giờ Đảng, Nhà nước đưa ra chính sách gây ảnh hưởng đến người nông dân hay đất nước. Đây là nguyên tắc bất di bất dịch để không ảnh hướng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người nông dân”, ĐBQH Trịnh Xuân An nhấn mạnh.
Tính toán từ góc nhìn chuyên gia về tác động thuế GTGT phân bón 5%
Cũng tại Tọa đàm “Áp thuế giá trị gia tăng phân bón: Vì một nền nông nghiệp phát triển bền vững”, phân tích tác động thuế suất GTGT 5% đến giá mặt hàng phân bón, ông Nguyễn Văn Được, Ủy viên thường trực Hội Tư vấn thuế Việt Nam đưa ra ví dụ hạch toán giá bán sản phẩm phân bón của doanh nghiệp sản xuất trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu chưa bao gồm GTGT là 100 đồng, giá trị đầu vào là 80 đồng, dự kiến lợi nhuận ban đầu là 20 đồng.
Nếu doanh nghiệp sản xuất trong nước không được khấu trừ GTGT đầu vào, chi phí phải trả thêm là 8 đồng tiền thuế GTGT không được khấu trừ, giá thành tăng, lợi nhuận giảm. Để bảo đảm mục tiêu lợi nhuận, giá bán phải cộng 8 đồng để bù đắp chi phí thuế. Do vậy, thực tế giá sản phẩm đến tay người nông dân sẽ tăng là 108 đồng khiến người nông dân phải chịu thiệt thòi trả giá cao hơn.
Với mức giá 108 đồng, doanh nghiệp sản xuất trong nước mới bảo đảm lợi nhuận mục tiêu để duy trì sản xuất, trong khi doanh nghiệp nhập khẩu chỉ cần mức giá 100 đồng. Mặt khác, nếu doanh nghiệp nhập khẩu tính giá theo cơ chế thị trường, họ cũng có thể tăng giá bán lên 108 đồng, khi đó người tiêu dùng có thể phải trả thêm 8 đồng thuế đối với các sản phẩm phân bón nhập khẩu do chính sách thuế.
Ngoài ra, do lợi thế có được từ chính sách thuế nên nhóm doanh nghiệp nhập khẩu phân bón có điều kiện cạnh tranh về giá, chưa nói đến chất lượng và hậu mãi, từ đó gây khó khăn cho sản xuất trong nước, tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng dẫn đến độc quyền trong dài hạn khi các doanh nghiệp sản xuất trong nước kiệt quệ, thua lỗ, thậm chí phá sản.
Qua đó, chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được khẳng định cần chuyển đổi áp thuế GTGT 5% với phân bón để có dư địa giảm giá bán. Điều này phù hợp về góc độ khoa học, lợi ích kinh tế và hài hòa lợi ích các bên.
Ông Được phân tích, phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT sẽ gây ra nhiều bất cập. Bởi lẽ, thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ và phải tính vào chi phí của doanh nghiệp, làm giảm lợi nhuận, buộc họ phải cộng tiền thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ đã tính vào chi phí trong giá sản phẩm bán ra. Như vậy, người nông dân gián tiếp phải trả thuế, gây thiệt hại “kép” cho nông dân với phân bón giả, phân bón có giá thành cao, đồng thời có thể dẫn đến Nhà nước thất thu thuế.
Ngược lại, doanh nghiệp nhập khẩu phân bón lại có lợi thế không phải chịu thuế GTGT ở khâu nhập khẩu đối với bán thành phẩm của phân bón hoặc sản phẩm phân bón. Họ cũng không phải chịu thuế GTGT đầu ra nên không bị tác động giảm lợi nhuận do tác động chính sách thuế.
Cần chuyển đổi áp thuế GTGT 5% với phân bón để có dư địa giảm giá bán. Nguồn: PetroTimes |
Vì nền nông nghiệp bền vững
“Tôi xót xa khi thấy công nghệ phân bón Việt Nam còn chưa bắt kịp trình độ thế giới, nên rất mong Quốc hội đưa ra quyết định thuế GTGT phân bón chính xác, để từ đó cải thiện chất lượng phân bón, nâng cao giá trị nông sản Việt, để giúp nông nghiệp thực sự là trụ đỡ của nền kinh tế”, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế thẳng thắn chia sẻ tại Tọa đàm của PetroTimes ngày 17/11.
Sở dĩ ông nói điều này vì muốn đề cập đến khả năng cạnh tranh với hàng ngoại của phân bón Việt Nam. Các quốc gia trên thế giới đều có sự ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp. Ví dụ Trung Quốc, nguyên liệu nhập vào cho sản xuất phân bón, thuế nhập khẩu được giảm 50% hoặc bằng 0, thuế GTGT cũng được áp mức thấp, khi xuất khẩu hoàn toàn được Nhà nước hỗ trợ phí lưu kho và hoàn toàn bộ thuế trong nước, nên khi bán sang Việt Nam họ được lời lớn và có thế mạnh cạnh tranh cao.
“Ở Nga hay Mỹ cũng tương tự, do đó, tôi thấy rằng chính sách ưu đãi đúng và trúng cho chính sách thuế GTGT là rất cần thiết với sản phẩm phân bón để nông nghiệp Việt Nam được cất cánh. Qua chuyến đi tới vùng nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long vừa qua tôi nhận thấy người nông dân hiện nay sử dụng phân bón cho trồng lúa và cây trồng là chủ yếu. Tuy nhiên, qua tìm hiểu người nông dân cho biết người nông dân cho rằng hiện nay phân bón Việt Nam chưa đủ cạnh tranh đối với phân bón nước ngoài”, ông Thịnh nhìn nhận.
Chính vì vậy, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh mong muốn Luật Thuế GTGT sửa đổi chuyển phân bón sang chịu thuế GTGT 5% để chuyển hóa nguồn nâng cao được năng suất chất lượng phân bón, vật tư thiết bị đáp ứng được nhu cầu người nông dân.
https://petrovietnam.petrotimes.vn/ap-thue-suat-gtgt-5-gia-phan-bon-co-du-dia-giam-720769.html
Ngày đăng: 10:34 | 21/11/2024
PV / Petrotimes