Nhiều quan chức Trung Quốc đang có xu hướng nhiệt tình thái quá để làm hài lòng Chủ tịch Tập, gây ra những hệ lụy không mong muốn.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFP. |
Sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình yêu cầu Bắc Kinh giảm bớt dân số, các quan chức dưới quyền ông đã cưỡng chế nhà ở của hàng chục nghìn người nhập cư vào thành phố. Sau khi ông Tập yêu cầu các tỉnh phía bắc Trung Quốc cắt giảm khí thải, chính quyền địa phương lập tức cho gỡ bỏ hoặc tịch thu hàng loạt lò sưởi và bếp dùng than đá, khiến nhiều người phải chống chọi với mùa đông lạnh giá mà không có hệ thống sưởi ấm thay thế.
Ngày nay, khi ông Tập nói, các quan chức từ vị trí cấp cao trong đảng Cộng sản Trung Quốc đến những ủy viên hội đồng làng xã đều phải toàn tâm lắng nghe và thi hành chính xác tuyệt đối. Áp lực đang ngày càng đè nặng lên họ trong bối cảnh hiến pháp mới của Trung Quốc xóa bỏ quy định giới hạn nhiệm kỳ với Chủ tịch Tập, giúp ông tiến một bước xa trên con đường nắm giữ quyền lực tuyệt đối.
Tuy nhiên, một số vụ việc gần đây cho thấy quyền lực quá lớn của ông có thể khiến các chính sách trở nên kém hiệu quả, thậm chí phản tác dụng, khi các quan chức cấp dưới phải tìm mọi cách, thậm chí ganh đua nhau để hoàn thành hoặc vượt yêu cầu lãnh đạo đề ra, theo New York Times.
"Bất cứ khi nào Trung Quốc có những chiến dịch hay sáng kiến quy mô từ cấp trên xuống, luôn xuất hiện vấn đề với các quan chức phản ứng thái quá, tuân thủ thái quá", bà Elizabeth Economy, chuyên gia về chính sách Trung Quốc tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, trụ sở ở New York, nhận xét.
"Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình đặc biệt dễ gặp phải thách thức này", bà nói. "Ông ấy điều hành gần như hoàn toàn theo phong cách ra lệnh từ trên xuống dưới và việc ông ấy nhấn mạnh vào kiểm soát đồng nghĩa rằng cơ chế phản hồi, từ cả thị trường lẫn xã hội dân sự, sẽ không phát huy hiệu quả".
Từ khi lên nắm quyền hồi năm 2012, ông Tập đã xây dựng hình ảnh bản thân như một lãnh đạo quyết đoán, kiên định với kế hoạch dài hạn là biến Trung Quốc thành cường quốc thịnh vượng và được tôn trọng.
Theo Ryan Hass, cựu giám đốc phụ trách các vấn đề liên quan đến Trung Quốc tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, với việc thúc đẩy sửa đổi hiến pháp, "Chủ tịch Tập đang truyền tín hiệu rõ ràng tới những người phản đối chương trình nghị sự của ông rằng họ không thể chờ đến lúc ông rời ghế, thay vào đó hãy tham gia cùng ông".
"Ông ấy sẽ không hành động, tự khiến bản thân gặp rủi ro, nếu không cảm thấy nó là cần thiết để đẩy lùi những thế lực đối địch với chương trình nghị sự của mình", ông Hass nhấn mạnh.
Sau hơn 5 năm, ông Tập đã tập trung được quyền lực trong tay thông qua chiến dịch chống tham nhũng quy mô "đả hổ diệt ruồi" và xây dựng những nhóm lãnh đạo mới cùng ông đưa ra các quyết định. Song, sự tập trung quyền lực này cũng tiềm ẩn nguy cơ tạo ra những rối ren trong bộ máy.
Các quan chức Trung Quốc giờ đây thường hạn chế thực hiện những hành động khiến họ có thể bị nghi là tham nhũng hay thiếu trung thành, một viện nghiên cứu ở Bắc Kinh năm ngoái cho hay. Khi nhận được mệnh lệnh, các cán bộ thường nhiệt tình thể hiện nhằm tránh bị nghĩ rằng họ đang làm việc cẩu thả, đối phó. Hệ quả là tình trạng phản ứng thái quá trước mệnh lệnh và tâm lý miễn cưỡng hành động theo sáng kiến nảy sinh, giới chuyên gia nhận định.
"Mọi thứ được truyền đi từ những lãnh đạo cấp cao nhất trong đảng nhưng cuối cùng chúng lại không thể thực hiện khi áp dụng thực tế", James McGregor, trưởng ban phụ trách Trung Quốc thuộc công ty quan hệ công chúng APCO Wolrdwide, cho hay. "Ngày nay, rất khó để khiến một quan chức Trung Quốc đưa ra quyết định bởi họ sợ phạm sai lầm".
Nhiệt tình thái quá
Những năm gần đây, Chủ tịch Tập đã bổ nhiệm các quan chức trung thành với ông ở hầu hết các tỉnh và các bộ. Họ có xu hướng tuân thủ vô điều kiện mọi yêu cầu, mệnh lệnh từ lãnh đạo. Nhưng mặt trái của sự phục tùng tuyệt đối này là nó sẽ góp phần thúc đẩy việc thực thi các chính sách ngay cả khi chúng còn mập mờ hoặc gây tranh cãi.
Các quan chức Trung Quốc hiếm khi phải nhận những hình phạt nghiêm trọng khi thực thi mệnh lệnh từ Chủ tịch Tập. Vì thế, họ ngày càng có xu hướng nhiệt tình tuân thủ chúng như một cách để thể hiện lòng trung thành, bởi như ông Lý Hồng Trung, ủy viên Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19, từng nói "nếu không trung thành tuyệt đối thì đấy là tuyệt đối thiếu trung thành".
Nhưng theo ông Tôn Lập Bình, chuyên gia xã hội học nổi tiếng tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, sự nhiệt tình quá mức này ẩn chứa những hệ lụy nhất định.
Nó "tạo ra một cuộc ganh đua giữa các quan chức, kiểu như \'nếu anh cứng rắn, tôi sẽ cứng rắn hơn. Nếu anh cực đoan, tôi sẽ cực đoan hơn thế\'", giáo sư Tôn bình luận.
"Tất cả sẽ diễn ra giữa một cơn giông bão, sấm chớp, được phóng đại tầng tầng lớp lớp và khi nhiệm vụ hoàn thành, chỉ còn lông gà ở khắp mọi nơi", ông Tôn viết, sử dụng một cụm từ lóng ám chỉ những "thành tựu có khiếm khuyết".
Cuối mùa hè năm ngoái, để cắt giảm lượng than sử dụng ở khu vực phía bắc Trung Quốc và thay thế bằng khí tự nhiên sạch hơn, các quan chức địa phương đã phá dỡ những lò than, đồng thời ngừng việc cung cấp than đá. Nhưng khi mùa đông tới, hệ thống sưởi bằng gas lại bị thiếu trầm trọng bởi các đường ống dẫn chưa hoàn thành như kế hoạch. Kết quả là nhiều người dân phải sống trong giá rét.
Chủ tịch Tập đã ra lệnh cho Bắc Kinh giảm dân số ít nhất bằng với thời điểm đầu năm 2014. Nỗ lực trên được thực hiện tương đối hiệu quả cho đến năm ngoái, khi Bí thư thành ủy Bắc Kinh Thái Kỳ, thân tín của ông Tập, ra sức gây ấn tượng với lãnh đạo bằng cách phá dỡ hàng loạt khu nhà ở chỉ vì một vụ cháy chung cư gây chết người. Kết quả là hàng chục nghìn người phải vất vả tìm chỗ trú chân vì mất nhà cửa.
"Thói bợ đỡ, nịnh nọt lãnh đạo dường như ngày càng trở nên phổ biến trong các quan chức Trung Quốc", ông Barry Naughton, giáo sư tại Đại học California, San Diego, chuyên nghiên cứu về chính sách kinh tế Trung Quốc, đánh giá. "Nó sẽ thay đổi cách toàn bộ hệ thống vận hành".
36 năm giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch của Trung Quốc
Hiến pháp mới của Trung Quốc chấm dứt hơn 30 năm giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch, vốn tạo điều kiện cho những lần chuyển ... |
Quốc hội Trung Quốc đồng thuận bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước
Đề xuất của Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã được Quốc hội nước này thông qua với số phiếu thuận gần ... |
Ngày đăng: 13:35 | 17/03/2018
/ VnExpress