Khi người dân Trung Quốc đang vực dậy từ khủng hoảng Covid-19, lũ lụt nghiêm trọng lại ập đến.

Sau khi kiểm soát được phần lớn đại dịch Covid-19, giới lãnh đạo Trung Quốc giờ đây lại phải vật lộn với một đợt lũ lụt tàn khốc ở miền trung và tây nam nước này, khiến hàng trăm người thiệt mạng và hàng triệu người bị mất nhà cửa, phải sơ tán.

Lũ trên sông Trường Giang tuần qua một lần nữa lên đỉnh tại tỉnh Tứ Xuyên và thành phố Trùng Khánh, trong khi nước tại hồ chứ đập Tam Hiệp, cách đó khoảng 450 km về phía hạ lưu, đã gần chạm ngưỡng tối đa.

5534 3
Thành phố Trùng Khánh, phía tây nam Trung Quốc, ngày 19/8. Ảnh: AFP.

Lũ lụt năm nay ở Trung Quốc không phải một thảm họa thiên nhiên đơn lẻ, với thiệt hại to lớn về tài sản, mà gồm hàng loạt đợt lũ nhỏ hơn diễn ra dàn trải. Số thương vong, thiệt hại về vật chất vẫn không ngừng gia tăng bất chấp việc giới chức đã tập trung nhiều nguồn lực cho công tác cứu hộ, cứu trợ.

"Đất nước Trung Quốc đã chiến đấu với thiên tai suốt hàng nghìn năm qua, thu được nhiều kinh nghiệm quý báu", Chủ tịch Tập Cận Bình hồi đầu tuần tuyên bố sau chuyến thăm tới An Huy, một tỉnh khác cũng đang bị lũ lụt hoành hành ở hạ lưu đập Tam Hiệp. "Chúng ta cần tiếp tục chiến đấu".

Ông Tập gọi những nỗ lực cứu trợ thảm họa là một "bài kiểm tra thực tế đối với giới lãnh đạo và hệ thống chỉ huy của quân đội Trung Quốc".

Việc Chủ tịch Tập và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường xuất hiện tại những khu vực bị lũ lụt tàn phá, cho thấy mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng trong bối cảnh Trung Quốc còn đang tìm cách phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.

Thủ tướng Lý đã tới thăm Trùng Khánh, nơi sông Trường Giang đã tràn bờ lần thứ 5 trong năm nay và hôm 20/8, mực nước đã phá vỡ mức cao kỷ lục được ghi nhận hồi năm 1981. Các nhà lãnh đạo đã trấn an người dân rằng chính phủ đang làm mọi việc có thể.

"Mất mát là quá nặng nề đối với người kinh doanh, đương đầu với dịch bệnh nửa đầu năm và chiến đấu với lũ lụt nửa cuối năm", một người dân ở Trùng Khánh nói trong đoạn video quay cảnh lũ lụt đang được lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc.

Tính tới trước tuần này, lũ lụt đã gây thiệt hại kinh tế ít nhất 26 tỷ USD cho Trung Quốc. Tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh tuần trước, Thứ trưởng Bộ Quản lý Khẩn cấp Trung Quốc Chu Học Văn cho biết ít nhất 219 người đã thiệt mạng hoặc mất tích, 63 triệu người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt cùng 54.000 ngôi nhà bị phá hủy.

Tại Tứ Xuyên ngày 21/8, lở đất do mưa lớn đã khiến ít nhất 6 người chết ở một ngôi làng gần thành phố Nhã An. Một trận lở đất khác cũng trong khu vực này khiến 5 người mất tích.

Mưa lớn là hiện tượng không xa lạ ở miền nam Trung Quốc vào mùa hè nhưng năm nay, mưa nhiều và kéo dài hơn so với bình thường, gây ngập úng cây trồng và nhấn chìm các cộng đồng dân cư suốt hai tháng qua.

Dường như không phải ngẫu nhiên Chủ tịch Tập mới đây phát động một chiến dịch chống lãng phí thực phẩm với tình hình lũ lụt nghiêm trọng như hiện nay. Dù vậy, giới chức vẫn khẳng định Trung Quốc không có nguy cơ đối diện khủng hoảng lương thực.

Mưa lớn còn khơi dậy các cuộc tranh luận liên quan đến đập Tam Hiệp, một dự án khổng lồ được khởi công vào cuối năm 1994 và đi vào hoạt động từ năm 2003.

5538 4
Sông Đà Giang ở Tứ Xuyên tràn bờ vì mưa lớn kéo dài. Ảnh: AFP.

Lưu lượng nước chảy vào hồ chứa của đập đã lên tới 75 triệu lít mỗi phút, phá vỡ mức kỷ lục 61 triệu lít/phút hồi tháng trước, theo một báo cáo từ Bộ Tài nguyên Nước Trung Quốc. Dù giới chức khẳng định con đập vẫn an toàn, không gặp bất kỳ nguy hiểm nào, mực nước đã đạt mức tối đa.

Kể từ khi lũ lụt bắt đầu hồi tháng 6, các quan chức chính phủ liên tục trấn an rằng đập Tam Hiệp chắc chắn sẽ chịu đựng được. Một số bản tin trên truyền thông nhà nước khẳng định con đập đã giúp ngăn chặn tình trạng lũ lụt trở nên tồi tệ hơn ở các thành phố lớn vùng hạ lưu, trong đó có Vũ Hán, nơi Covid-19 khởi phát.

Hôm 20/8, nhà chức trách thông báo dòng chảy vào đập Tam Hiệp đã giảm bớt phần nào dù vẫn ở mức báo động. "Áp lực kiểm soát lũ ở trung và hạ lưu sông Trường Giang đã được giảm nhẹ", hãng thông tấn Xinhua đưa tin.

Một con sông lớn khác của Trung Quốc là sông Hoàng Hà cũng đang đối mặt với lũ lụt. Bộ Tài nguyên Nước cho biết tại tỉnh Thiểm Tây ngày 21/8, mực nước sông đã chạm ngưỡng cao nhất kể từ năm 1997. Gần 700 nhánh sông nhỏ hơn cũng bị ngập, gia tăng áp lực lên các đập và đê cũ.

Lũ lụt còn đe dọa một số địa danh nổi tiếng nhất của Trung Quốc. Tại tỉnh Tứ Xuyên, nước lũ dâng cao đến chân tượng Phật khổng lồ Lạc Sơn, một tác phẩm điêu khắc 1.200 năm tuổi tạc trên sườn núi được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Thế giới.

Tại Trùng Khánh, lũ lụt đã nhấn chìm Từ Khí Khẩu, một cảng thương mại ven sông cổ xưa gần nơi sông Gia Lăng hợp lưu với sông Trường Giang. Theo Xinhua, nước lũ đã dâng đến tầng ba của một số ngôi nhà bên bờ sông.

Các bức ảnh trên mạng cho thấy nước màu nâu nhấn chìm những dải đất rộng lớn ven sông, trong đó có cả Hồng Nhai Động, một công trình 11 tầng là địa điểm du lịch nổi tiếng. Nơi này đã đóng cửa từ hôm 18/8 và công nhân đang phải tích cực dọn dẹp bùn ở những tầng thấp của tòa nhà.

"Nước dâng thật đáng sợ", quản lý một nhà hàng ở Hồng Nhai Động nói. "Con người chẳng là gì khi đối mặt với thảm họa, thiên tai".

5543 5
Nhân viên an ninh canh gác tại một con hẻm đã bị phong tỏa vì lũ lụt ở Trùng Khánh. Ảnh: AFP.
Trung Quốc hứng đợt mưa lớn, sông Hoàng Hà nâng mức cảnh báo Trung Quốc hứng đợt mưa lớn, sông Hoàng Hà nâng mức cảnh báo

Trong số các địa phương chịu ảnh hưởng của mưa lớn có khu vực phía Tây và phía Nam của tỉnh Vân Nam, tiếp giáp ...

Toàn cảnh: Lũ đạt mức đỉnh lịch sử ở Trung Quốc, đập Tam Hiệp mở 11 cửa xả Toàn cảnh: Lũ đạt mức đỉnh lịch sử ở Trung Quốc, đập Tam Hiệp mở 11 cửa xả

Lưu lượng kỷ lục được ghi nhận lúc 8h ngày 20/8, khiến đập phải mở 11/14 cửa xả lũ.

Ngày đăng: 06:16 | 23/08/2020

/ vnexpress.net