Nếu áp giá sàn sẽ làm mất cơ hội đi máy bay giá rẻ của người dân và triệt tiêu sự cạnh tranh giữa các hãng, theo chuyên gia.

Mới đây, Vietnam Airlines tái đề xuất với Cục Hàng không 2 phương án áp giá sàn vé máy bay nội địa để giúp các hãng vượt qua giai đoạn khó khăn.

Tuy nhiên, đề xuất này không nhận được sự đồng tình của khách hàng lẫn giới chuyên gia vì cho rằng hãng hàng không quốc gia không thể "cầu cứu" sự can thiệp hành chính vào giá cả và cần tôn trọng cơ chế thị trường.

Bởi nếu một trong hai phương án giá sàn mà Vietnam Airlines đề xuất được cơ quan quản lý chấp thuận, các hãng hàng không trong nước sẽ phải tuân thủ, khi ấy không thể tung ra các chương trình vé khuyến mại hay vé 0 đồng như hiện nay.

Đồng thời, hành khách sẽ phải chi trả mức chi phí cao hơn hiện tại cho mỗi chuyến bay. Ví dụ, với vé chặng khứ hồi Hà Nội - TP HCM (cự ly khoảng 1.160 km), khách hàng sẽ phải mất tối thiểu gần 2,4 triệu đồng chưa gồm thuế phí. Trong khi đó, vé khứ hồi đường bay vàng này trong tháng 4,5 đang được các hãng bán chưa đến 2 triệu đồng đã gồm thuế phí.

Theo cuộc khảo sát của VnExpress trong hai ngày 5,6/4, có 93% trên tổng số gần 3.800 độc giả bày tỏ việc áp giá sàn vé để hỗ trợ các hãng bay là không phù hợp ở thời điểm hiện tại. Một số độc giả còn cho rằng đề xuất trên đi ngược quy luật kinh tế thị trường, đẩy thêm khó khăn về phía người tiêu dùng trong lúc cuộc sống, thu nhập cũng sụt giảm vì dịch bệnh.

Áp giá sàn sẽ khiến người dân mất cơ hội đi máy bay giá rẻ

Kết quả khảo sát của VnExpress trong hai ngày 5,6/4.

Chia sẻ với VnExpress, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia hàng không cũng đánh giá, đề xuất áp giá sàn là vô lý, can thiệp vào sự cạnh tranh của thị trường hàng không, có thể làm khách hàng mất cơ hội đi hàng không giá rẻ. Ông nhận định việc các hãng bán vé giá rẻ không phải là bán phá giá.

"Đề xuất này nhằm tạo lợi thế riêng cho Vietnam Airlines, triệt tiêu sự cạnh tranh. Nếu có giá sàn, thay vì bay các hãng giá rẻ, khách hàng nhiều khả năng sẽ chọn bay Vietnam Airlines", ông Tống bình luận và nói thêm nó cũng gây bất lợi cho cả ngành du lịch đang trong quá trình kích cầu du lịch nội địa hậu Covid-19 bằng các tour, vé máy bay giá rẻ.

Áp giá sàn sẽ khiến người dân mất cơ hội đi máy bay giá rẻ

Vé máy bay hạng phổ thông của Vietnam Airlines. Ảnh: Anh Tú

Theo ông Tống, những năm qua, nhà nước đã có những chính sách tương đối để hỗ trợ các hãng tư nhân, góp phần tạo nên một thị trường phát triển, cạnh tranh sôi động, cũng như giúp nhiều người dân được đi máy bay hơn. Chuyên gia này cho rằng nhà nước nên tiếp tục vai trò khách quan, vô tư và hy vọng đề xuất áp giá sàn vé máy bay không được chấp thuận.

Câu chuyện giá trần, giá sàn vé máy bay được "xới" lại khi tại cuộc họp với Cục Hàng không Việt Nam mới đây, VNA kiến nghị tăng mức giá trần 50.000 - 250.000 đồng mỗi khách.

Giá sàn được kiến nghị theo 2 phương án. Phương án thứ nhất, hãng này đề xuất áp bằng chi phí biến đổi của hàng không giá rẻ, tức giá sàn cho các đường bay sẽ dao động 410.000 đồng đến 917.000 đồng, chưa gồm thuế phí.

Phương án giá sàn thứ hai của Vietnam Airlines đưa ra là bằng 35% trần giá vé đề xuất, cao hơn phương án thứ nhất. Theo đó, giá sàn cho các đường bay từ dưới 500 km cho đến 1.280 km trở lên sẽ tăng dần từ 560.000 đồng lên cao nhất là 1,4 triệu đồng với chặng bay trên 1.280 km.

* Đề xuất tăng giá trần và áp giá sàn vé máy bay nội địa của Vietnam Airlines.

Cự ly Giá trần hiện tại Giá trần đề xuất Giá sàn theo phương án 1 Giá sàn theo phương án 2
Nhóm phát triển kinh tế - xã hội dưới 500 km 1.600.000 1.600.000 414.000 560.000
Nhóm đường bay khác dưới 500 km 1.700.000 1.700.000 414.000 595.000
500 km đến dưới 850 km 2.200.000 2.250.000 570.000 787.500
850 km đến dưới 1.000 km 2.790.000 2.890.000 755.000 1.001.500
1000 km đến dưới 1.280 km 3.200.000 3.400.000 804.000 1.190.000
Trên 1.280 km 3.750.000 4.000.000 917.000 1.400.000

Trước đó, năm 2017, Vietnam Airlines cũng từng đề xuất áp giá sàn vé máy bay nội địa nhưng không được Bộ Giao thông Vận tải thông qua. Khi đó, Vietjet Air cho rằng việc quy định giá sàn dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông trên các đường bay nội địa dù dưới hình thức nào cũng không phù hợp với quy định của Luật Cạnh tranh.

Vietjet phân tích thêm, việc quy định giá sàn dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông trên các đường bay nội địa sẽ hạn chế cơ hội cạnh tranh của các hãng hàng không giá rẻ thông qua việc giảm giá thành dịch vụ. Điều này đồng nghĩa với việc tạo sự cạnh tranh không bình đẳng của các hãng hàng không giá rẻ so với các hãng hàng không khác.

Theo ông Tống, với vai trò hãng hàng không quốc gia, Vietnam Airlines đã nhận được nhiều ưu đãi. Trong giai đoạn này, ông cho rằng hãng nên nhìn nhận vào sự phát triển của các hãng tư nhân như Vietjet, Bamboo Airways để nâng cao hiệu quả hoạt động, hậu dịch có thể cạnh tranh tốt hơn với các hãng bay quốc tế.

Bên cạnh việc giải cứu Vietnam Airlines cho vay 4.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi, để hỗ trợ cho các hãng khác vượt qua khó khăn hiện nay, chuyên gia này cũng đề xuất cơ quan quản lý nên tính đến phương án hỗ trợ cho các hãng theo mức đóng thuế năm 2019 - thời điểm trước dịch.

Anh Tú

Chuyên gia: Áp giá sàn vé máy bay hạn chế cạnh tranh, người dân chịu thiệt Chuyên gia: Áp giá sàn vé máy bay hạn chế cạnh tranh, người dân chịu thiệt
Máy bay, tàu hỏa tăng chuyến dịp 30/4 Máy bay, tàu hỏa tăng chuyến dịp 30/4
Liên tiếp phi công không làm chủ tốc độ, lái máy bay quá vạch, hàng không quốc tế cảnh báo Liên tiếp phi công không làm chủ tốc độ, lái máy bay quá vạch, hàng không quốc tế cảnh báo

Ngày đăng: 16:30 | 08/04/2021

/ vnexpress.net