Người dân khắp Ấn Độ tổ chức biểu tình, đòi giới chức trừng phạt những kẻ cưỡng hiếp và sát hại bé Asifa Bano.
Những người biểu tình đòi công bằng cho bé gái Asifa hôm 11/4 tại Ấn Độ. Ảnh: AP |
Thi thể của Asifa, bé gái thuộc một bộ lạc du mục Hồi giáo, được tìm thấy trong một cánh rừng gần thành phố Kathua từ hôm 17/1. Cảnh sát đã bắt 8 người đàn ông, trong đó có một quan chức chính quyền đã nghỉ hưu, 4 cảnh sát và một thiếu niên bị tình nghi liên quan tới cái chết của Asifa.
Tuy nhiên, theo BBC, sự việc gây chú ý cho công chúng vào tuần này sau khi các nhóm cánh hữu người Hindu phản đối việc bắt giữ các nghi phạm vì họ thuộc cộng đồng này. Các luật sư ủng hộ người Hindu ngăn cảnh sát vào tòa án để nộp cáo trạng và hai quan chức thuộc đảng chủ nghĩa xã hội của người Hindu cũng tham dự một cuộc biểu tình ủng hộ các nghi phạm.
Điều này khiến người dân khắp Ấn Độ tức giận bởi một hành vi phạm tội tàn bạo đang bị biến thành cuộc tranh cãi về tôn giáo. Sự phẫn nộ nhanh chóng lan truyền trên Twitter từ hôm qua với từ khóa #Kathua và #justiceforAsifa (công bằng cho Asifa).
Cô bé 8 tuổi bị một người đàn ông dụ dỗ đi vào rừng khi đang chăn ngựa ở một đồng cỏ. Cảnh sát xác định Asifa đã bị chuốc thuốc an thần và bị cưỡng hiếp bởi nhiều người khác nhau trong ba ngày. Thi thể của em được tìm thấy trong tình trạng bị thắt cổ. Để đảm bảo rằng cô bé đã chết, những tên sát nhân còn dùng đá đánh hai lần vào đầu em, theo cáo trạng.
Những người ủng hộ các nghi phạm đốt lốp xe và hò hét ở Kathua, Ấn Độ, hôm 11/4. Ảnh: Reuters |
"Hãy tưởng tượng những gì đã diễn ra trong tâm trí của một đứa trẻ 8 tuổi khi em bị chuốc thuốc, giam giữ, cưỡng hiếp tập thể suốt nhiều ngày rồi sau đó giết chết", ngôi sao Farhan Akhtar viết trên Twitter, thu hút 42.000 lượt thích. "Nếu các bạn không cảm nhận được sự đau đớn của cô bé thì các bạn không phải là con người. Nếu các bạn không đòi công bằng cho Asifa, các bạn không thuộc về cái gì cả".
"Sao lại có người bảo vệ cho những kẻ phạm tội ác như thế? Những gì đã xảy ra với Asifa tại Kathua là tội ác chống nhân loại. Không thể không trừng phạt", nghị sĩ Rahul Gandhi, viết trên Twitter thu hút hơn 26.000 lượt thích.
Một số người so sánh cái chết của Asifa với vụ cưỡng hiếp tập thể và sát hại nữ sinh trên xe buýt ở New Delhi năm 2012 và bày tỏ sự bức xúc với chính quyền.
"Chẳng có gì thay đổi trong 5 năm qua sau cái chết của Nirbhaya. Cả tầng lớp chính trị phải chịu trách nhiệm về tất cả những điều này", một người bình luận.
Rahul Gandhi, chủ tịch đảng đối lập chính của Ấn Độ, đã chủ trì một lễ tuần hành thắp nến ở thủ đô vào tối qua. Chủ tịch Ủy ban Phụ nữ Delhi, Swati Maliwal, cho biết bà sẽ nhịn ăn kể từ hôm nay để kêu gọi giới chức tăng cường bảo vệ phụ nữ và trẻ em ở nước này.
Nhiều cuộc biểu tình dự kiến diễn ra ở New Delhi và những nơi khác vào cuối tuần nhằm thu hút sự quan tâm đến tình trạng tội phạm liên quan tới phụ nữ ở Ấn Độ.
Một số người cũng dùng từ khóa #Unnao để nhắc đến một vụ cưỡng hiếp khác tại Unnao, bang Uttar Pradesh. Ông Kuldeep Singh Sengar, 50 tuổi, một nghị sĩ đảng cầm quyền, bị cáo buộc cưỡng hiếp thiếu nữ 16 tuổi. Tuy nhiên, sự việc chỉ được chú ý vào tuần trước, khi nạn nhân định tự tử trước nhà của quan chức này.
Anh Ngọc
Hai nghi phạm hiếp dâm Ấn Độ bị lột trần, diễu phố
Hai thanh niên Ấn Độ bị người dân dẫn giải đến đồn cảnh sát trong tình trạng trần truồng, với cáo buộc cưỡng hiếp một ... |
Bé 11 tuổi Ấn Độ mang thai 8 tháng vì bị cưỡng hiếp
Cô bé bị hai người đàn ông lớn tuổi cưỡng hiếp năm ngoái và vụ việc vỡ lở khi người mẹ phát hiện con mang ... |
Ngày đăng: 17:13 | 13/04/2018
/ VnExpress