Việc thiếu điện đã xảy ra vào mùa hè năm 2023 và dự báo còn tiếp diễn trong những năm tới nếu không có các cơ chế chính sách đủ mạnh, những giải pháp thực chất.
LTS: Tháng 5, 6 năm 2023, miền Bắc đã trải qua đợt "cắt điện luân phiên" trên diện rộng do thiếu điện, gây bức xúc dư luận. Nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan đã được Bộ Công thương chỉ ra. Việc truy trách nhiệm cá nhân, tập thể để xảy ra thiếu điện cũng đang được tiến hành.
Kết luận thanh tra, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây đánh giá việc đảm bảo đủ điện cho nền kinh tế vẫn là mục tiêu đầy thách thức trong những năm tới. Báo Giao thông đăng tải loạt bài đề cập những giải pháp căn cơ cho việc cung ứng điện của nước ta giai đoạn tới, để không còn cảnh cắt điện như hè 2023.
Không thể chỉ dựa vào EVN
Trong báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021, đoàn kiểm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá khả năng thiếu điện trong ngắn hạn (2024-2025), trung hạn (2025-2030) và dài hạn (2030-2050) là nguy cơ hiện hữu… Trong giai đoạn 2024-2025, nhất là trong năm 2025 có thể xảy ra hiện tượng thiếu công suất đỉnh tại khu vực miền Bắc vào thời điểm cao điểm phụ tải cuối mùa khô.
Các năm 2027-2030 có thể mất cân đối về năng lượng khu vực miền Bắc do việc triển khai các dự án nguồn nhiệt điện than gặp khó khăn… Nếu các nguồn truyền thống (nhiệt điện, thủy điện) giữ cân bằng hệ thống, ổn định cho lưới điện tăng chậm, có thể xảy ra nguy cơ mất an ninh cung cấp điện.
Theo quy hoạch, tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải giai đoạn 2021-2030 tương đương 134,7 tỷ USD.
Hồi cuối tháng 5, đầu tháng 6/2023 đã xảy ra tình trạng này, gây bức xúc xã hội. "Tình hình thiếu điện ở miền Bắc đầu năm 2023, gây bức xúc trong dư luận xã hội, cử tri và nhân dân", báo cáo của đoàn giám sát nêu.
Theo báo cáo "Để đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng" của Ngân hàng Thế giới (WB) hồi tháng 8, ước tính sơ bộ cho thấy phí tổn kinh tế của đợt mất điện vào tháng 5-6/2023 rơi vào khoảng 1,4 tỷ đô la Mỹ (tương đương khoảng 0,3% GDP).
Quy hoạch điện VIII đã ước tính tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải giai đoạn 2021-2030 tương đương 134,7 tỷ USD. Đây là con số khổng lồ nên việc dựa hoàn toàn vào EVN là điều bất khả thi.
Vẫn theo báo cáo giám sát, trong giai đoạn 2011-2019, EVN đã đầu tư nhiều công trình nguồn điện và lưới điện quan trọng. Tổng nhu cầu vốn đầu tư thực hiện giai đoạn 2011-2018 xấp xỉ 818 nghìn tỷ đồng (bình quân khoảng 102 nghìn tỷ đồng/năm). Nhu cầu vốn đầu tư của EVN tăng mạnh từ hơn 59 nghìn tỷ đồng năm 2011 lên gấp đôi vào năm 2014, đạt đỉnh điểm là 133 nghìn tỷ đồng năm 2016 và giảm dần qua các năm còn 105 nghìn tỷ đồng năm 2018. Trong đó, trả gốc và lãi vay cũng tăng cao tương ứng từ xấp xỉ 18 nghìn tỷ đồng năm 2011 lên hơn gấp đôi và duy trì mức 35-41 tỷ đồng trong giai đoạn 2014-2019.
"Nhu cầu vốn đầu tư lớn nên EVN gặp nhiều khó khăn trong việc thu xếp vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện. Vốn ngân sách gần như không có, nguồn vốn để đầu tư chủ yếu là vốn vay nước ngoài, vốn vay thương mại, vốn khấu hao cơ bản chủ yếu để trả gốc, lãi vay và đối ứng đầu tư các dự án", báo cáo giám sát đánh giá.
Điều này cho thấy không thể dựa vào EVN để đảm bảo đủ điện. Đặc biệt, khi Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) sẽ tách khỏi EVN, trọng trách đủ điện cho nền kinh tế sẽ đặt lên vai Bộ Công thương – đơn vị tiếp nhận A0 về hoạt động dưới mô hình Công ty TNHH một thành viên. Như vậy, phải đẩy mạnh huy động nguồn vốn đầu tư tư nhân vào lĩnh vực năng lượng, nhất là khi phải hạn chế điện than, tăng cường điện khí và điện tái tạo.
Cơ chế cần đột phá, đặc biệt
Ngày 12/10, Bộ Công thương tiếp tục có tờ trình gửi Thủ tướng, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị ban hành Kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII. Theo Bộ Công thương, việc ban hành kế hoạch này là cần thiết để triển khai các nội dung đã được xác định trong quy hoạch điện VIII, đặc biệt là xác định cụ thể về trách nhiệm, tiến độ và việc huy động nguồn lực triển khai thực hiện các dự án của ngành điện.
Song bản kế hoạch này cũng vẫn còn rất "mông lung" về cơ chế chính sách để thực hiện quy hoạch, không có nhiều đột phá so với những dự thảo kế hoạch được trình lên trước đó.
Chuyên gia kinh tế TS Võ Trí Thành đánh giá: Với quy trình như hiện nay, để thực hiện được quy hoạch năng lượng không phải chỉ cần sự vào cuộc của các bên mà phải có cơ chế chính sách đột phá, rất đặc biệt. Còn bối cảnh nhiều nơi đang né tránh, sợ sệt, lo ngại như hiện nay, việc thực hiện quy hoạch lại càng khó khăn
Khi đọc những bản dự thảo kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII, PGS. TS Bùi Xuân Hồi, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc, tỏ ra hoài nghi. "Kế hoạch này đọc xong không biết sẽ phải làm như thế nào. Ai là người thực hiện, cơ chế nào, vốn ở đâu cho nên còn chồng chất khó khăn", ông Hồi nói.
Tuy vậy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc cho rằng "không thể trách Bộ Công thương" vì để xây dựng được một kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII phải cần rất nhiều thời gian, có sự vào cuộc của các đơn vị khác. Việc xây dựng kế hoạch nếu bị áp lực về mặt thời gian sẽ gặp khó khi triển khai.
Các chuyên gia cho cần có chính sách hấp dẫn để thu hút đầu tư tư nhân đầu tư vào ngành điện.
Nhắc đến dòng vốn tư nhân vào đầu tư nguồn điện, ông Bùi Xuân Hồi nói thẳng: Nếu vốn tư nhân là chủ yếu thì phải có cơ chế chính sách để tư nhân thấy hấp dẫn, yên tâm, ít rủi ro thì mới thu hút được họ. Đó là mấu chốt nhất khi thực hiện quy hoạch này.
Nhắc đến việc bùng nổ điện gió, điện mặt trời giai đoạn 2019-2021, ông Hồi chia sẻ: Chỉ 2 năm, từ 2019-2021, chúng ta có 19.000MW điện gió, mặt trời. Trong 19.000MW đó thì 99% là đầu tư tư nhân. Đương nhân đó là nhờ cơ chế giá hỗ trợ (FiT).
"Chính phủ nên hướng đến là những cơ chế chính sách thu hút đầu tư tư nhân. Thu hút tư nhân thì phải đảm bảo sự hấp dẫn, thay vì đầu tư ngành khác họ đầu tư vào năng lượng. Ngoài ra phải giảm thiểu rủi ro cho đầu tư vào năng lượng", ông Bùi Xuân Hồi chia sẻ.
Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, cho rằng quy hoạch điện VIII đặt ra mục tiêu đầu tư cho từng loại hình nguồn điện, nhưng nếu không có cơ chế, chính sách phù hợp, nhất là các chính sách đó không ổn định và rõ ràng, có thể dự báo được, thì nhà đầu tư khó thấy việc đầu tư sẽ đảm bảo sinh lời và không gặp rủi ro pháp lý gì. Các nhà đầu tư gần đây thực sự lo lắng về rủi ro pháp lý.
Vì thế, chuyên gia này đề xuất nên xây dựng các cơ chế chính sách mở cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng. Chúng ta đã đạt nhiều thành công trong quá trình đổi mới, mở cửa nền kinh tế, thu hút đầu tư, nhưng gần đây tôi thấy có vẻ như chúng ta đang siết lại và làm khó cho các nhà đầu tư tư nhân.
"Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng tất cả đầu tư cho tăng trưởng xanh, giảm carbon trong nhiều lĩnh vực thì nguồn vốn đầu tư công chỉ đáp ứng 20%, 80% còn lại là từ khối tư nhân. Nếu không có cơ chế đẩy mạnh đầu tư tư nhân, quy hoạch mà không có chính sách, kế hoạch, nội dung cụ thể thì chỉ là quy hoạch trên giấy và không có tính khả thi", ông Sơn lưu ý.
Ám ảnh thiếu điện: Phải làm gì để vốn tư nhân đổ vào năng lượng? (baogiaothong.vn)
Ngày đăng: 10:44 | 18/10/2023
Hồng Hạnh / Giao thông