“Bình luận, chế giễu về ngoại hình của người khác là độc ác”. Tôi được dạy như thế.
Sao phải "sợ" triển lãm ảnh khỏa thân? |
Những hình ảnh gây sốc về người mẫu siêu gầy |
Bài học tôi được nhắc đi nhắc lại khi còn nhỏ, bởi ông bà, ba mẹ là không được bình luận, chế giễu về ngoại hình, khiếm khuyết, khuyết tật của người khác. “Như vậy là thiếu tế nhị, là cười trên nỗi khổ của họ. Và thế là độc ác”, bố tôi nói.
Chính vì thế, như một thói quen, tôi và các em tôi đều học cảm thông, chấp nhận và nhìn ra điểm tốt ở những người xung quanh. Và sau này, làm nghệ thuật, tiếp xúc với muôn hình vạn trạng phong cách, tôi luôn nhìn thấy cái tài giỏi, cái đẹp, cái đam mê trong mỗi con người. Có thể là cái duyên thầm, cái tốt bụng, cái hào phóng, cởi mở… Cuộc sống vì thế mà tràn đầy.
Gần đây những “lời bình xấu xí” trên các bài báo, mạng xã hội về chàng ca sỹ phẫu thuật thẩm mỹ để có ngoại hình hot boy, hay cô người mẫu vì thể trạng ốm đau nên gầy gò da bọc xương, hay hàng tá các hoa hậu ganh đua nhau những biệt hiệu “đẹp không tì vết”, “đẹp như tiên giáng trần”, hay cô này hoa hậu mà nhạt nhẽo quá, nào là “hài cốt di động”, nào là ‘biến thái”… Tôi thầm nghĩ: “Chao ôi, sao con người ta lại chất chứa trong lòng mình lắm ghét bỏ hận thù đến thế?”; “Ai đã làm gì tồi tệ để họ phải trút cơn thịnh nộ lên những bàn phím?”.
Là người của công chúng, giới giải trí chúng tôi đã quen với việc được khen đẹp. Chưa đẹp, bị chê cũng tạm chấp nhận, nhưng đôi khi tôi đọc thấy những bình luận miệt thị, thậm chí những lời chửi rủa, chỉ vì họ thấy người trong hình không đẹp theo cách họ muốn thì chúng tôi khó mà lý giải. Cô gái trẻ gầy gò đó, nhan sắc đi thi người đẹp kia, chàng ca sỹ thay đổi ngoại hình… họ cũng chỉ là những người trẻ cố gắng kiếm cho mình một công việc yêu thích, có thu nhập như tất cả chúng ta. Vậy nếu không đồng tình, bạn có thể bày tỏ quan điểm, đóng góp lịch sự, có thể gợi ý giúp đỡ họ. Cần thiết gì phải ném ra những lời tàn nhẫn?
Chẳng phải, chúng ta đang đánh giá nhiều thứ chỉ qua những cái lướt nhìn bề ngoài?
Chẳng phải, cuộc sống, con người trong con mắt những người ném đá không nương tay thật khủng khiếp?
Đến bao giờ người ta mới thoát khỏi những định hình đóng khuôn, là cô ấy phải cao bao nhiêu, mũi cao, mắt to, da trắng thế nào. Chưa hết, mặt còn phải phúc hậu, nụ cười phải e ấp…
Những quan niệm đó đẩy nhiều phụ nữ sống trong sợ hãi, ra ngoài bịt kín mít từ đầu đến chân, phải trốn tuốt trong nhà đến khi trời sập tối... vì sợ đen da. Khái niệm tận hưởng cuộc sống hồn nhiên trở thành xa xỉ.
Những quan niệm đó khiến bao cô gái muốn bước chân vào showbiz phải dành dụm, vay mượn, thậm chí đánh đổi các giá trị khác để có tiền phẫu thuật thẩm mỹ cho cái sống mũi thật cao, phải cắt mí cho đôi mắt to hơn, nâng chỗ này độn chỗ khác. Có bao nhiêu cô gái “cắt gọt” thành công và trở nên nổi tiếng vì tài năng của họ? còn bao nhiêu người dù có phấn đấu nỗ lực hay tài năng thế nào, nhưng không có cái “vẻ đẹp đạt chuẩn” thì chẳng bao giờ được nếm mùi vị của thành công?
May mắn cho Adele hay Ed Sheeran không sinh ra ở Việt Nam. Bởi nếu họ ở đây thì cả thế giới chẳng được biết đến giọng ca tuyệt vời của họ. Ngoại hình họ chẳng đủ “hot”. Một ca sỹ, lẽ dĩ nhiên phải có một giọng ca tốt, một âm vực truyền cảm xúc. Nhưng tức cười là một ca sỹ thành công ở Việt Nam, ngoại hình có khi lại quan trọng hơn cả. “Chỉ cần ngoại hình tốt, vũ đạo tốt. Giọng không tốt có thể xử lý trong phòng thu. Khi biểu diễn hát nhép lên”, một đồng nghiệp từng nói với tôi, “Vậy là đủ để phục vụ số đông”.
Và các bạn có biết vì sao các người đẹp, siêu mẫu ở Việt Nam chưa có cơ hội toả sáng ở đấu trường quốc tế? Bởi chúng ta mải chạy theo những tiêu chí đẹp không thực tế, không khớp với cấu trúc cơ thể, khí hậu nơi người Việt sinh ra. Phụ nữ Việt Nam sinh ra không có mũi cao như người Châu Âu, không có hốc mắt sâu như người Tây Âu. Đất nước chúng ta là đất nước nhiệt đới, nhiều vùng miền nóng quanh năm. Vẻ đẹp Việt là sự pha trộn của 54 dân tộc Việt, Mường, Tày, Thái, Mon Khmer, Mông, Dao…. Đây là điều tuyệt vời nhất người Việt Nam thừa kế. Đó là vẻ đẹp khoẻ mạnh, năng động, tự tin chứ không phải vì sống mũi chúng ta chưa đủ cao, mắt chúng ta chưa đủ to, da còn đen quá. Tại sao phải làm khổ mình với việc đóng khung về cái đẹp để rồi tự thấy mình, thấy người kia đều xấu?
Nhìn thấy người đẹp ai cũng thích, có thể ngưỡng mộ, thậm chí say mê. Nhưng bị ám ảnh tới mức sẵn sàng tung hô những con người có hình thức, đặt cho họ đủ mỹ từ, không cần biết họ có phải là người tử tế, tài năng chỉ vì lý luận “họ đẹp họ có quyền” thì buồn cười quá. Với tôi, mọi trạng thái cực cực đoan của một quan điểm dù là yêu hay ghét vẻ bề ngoài đều không nhân văn.
Không đẹp, đâu phải cái tội để chúng ta trừng phạt?
Tôi rất thích câu nói: “Nếu như không có điều gì tốt đẹp để nói với nhau, thì tốt nhất không nên nói gì cả!”. Bởi cuộc sống của chúng ta đủ vất vả, đủ chuyện buồn vui để cần cổ vũ, tặng cho nhau năng lượng tích cực thay vì những chê bai.
Nếu không là mặt trời, hãy đừng làm đám mây.
https://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/am-anh-hinh-thuc-3645006.html
Ngày đăng: 08:04 | 22/09/2017
/ Hà Anh/vnexpress.net