Trên địa bàn thành phố hiện nay có rất nhiều dự án mặc dù người dân đã chuyển vào ở nhiều năm nhưng vẫn không được cấp quyền sở hữu. Trách nhiệm thuộc về ai, ách tắc ở khâu nào luôn là những câu hỏi không dễ gì sớm có câu trả lời và cứ thế người dân không biết khi nào mình mới hết cảnh ở... trọ ngay trong căn hộ của mình.
Vạ lây vì món nợ của chủ đầu tư
10 năm là khoảng thời gian “ở trọ” đầy ám ảnh trong chính căn hộ của mình với 280 hộ dân tại chung cư Rubyland (số 11 Lê Quát, phường Tân Thới Hòa, quận Bình Tân, TP.Hồ Chí Minh), bởi chủ đầu tư là Công ty Tân Hoàng Thắng đã thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của toàn bộ dự án vào ngân hàng.
Anh Nguyễn Tuấn, mua căn hộ ở dự án này và dọn về sống từ năm 2009 cho biết, các hộ dân sinh sống tại đây luôn mệt mỏi với những mâu thuẫn, tranh chấp liên miên. Đỉnh điểm là việc cấp giấy chứng nhận cho cư dân hơn 10 năm nay vẫn chưa có kết quả. Uỷ ban nhân dân thành phố cũng đã nhiều lần có văn bản chỉ đạo tuy nhiên, đến thời điểm này, người dân tại chung cư này vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận. Theo thông tin tìm hiểu được biết năm 2017, UBND thành phố có Văn bản số 427, đề nghị Ngân hàng Nhà nước báo cáo về tài sản của Công ty Tân Hoàng Thắng đang thế chấp tại Ngân hàng SCB. Theo đó, khoản dư nợ hơn 96,4 tỉ đồng của công ty này tại Ngân hàng SCB đã bị xếp vào loại nợ xấu. Tính đến hết ngày 16.7.2019, tổng dư nợ của Công ty Tân Hoàng Thắng đã lên đến hơn 513 tỉ đồng. Chủ đầu tư không còn khả năng chi trả và Ngân hàng SCB sẽ tiếp quản tài sản thế chấp là chung cư Rubyland.
Mới đây, ngân hàng SCB ra thông báo sẽ đứng ra thay chủ đầu tư liên hệ các cơ quan chức năng để làm thủ tục ra giấy chứng nhận cho người dân. Ngân hàng này cho biết, sẽ chia làm nhiều giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 làm trước cho 30 hộ dân. Việc nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho các hộ dân của dự án Rubyland đã được SCB thực hiện đợt đầu vào ngày 25.7.2019. Tuy nhiên, theo thông tin từ ngân hàng SCB thì trong quá trình giải quyết lại gặp rất nhiều khó khăn. Ngân hàng đã liên tục gửi văn bản đề nghị UBND TP.Hồ Chí Minh có văn bản quyết định phương án cấp Giấy chứng nhận Quyền sở hữu tài sản cho các căn hộ tại dự án chung cư Rubyland để các cơ quan chức năng cùng ngân hàng và những cá nhân liên quan thực hiện. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay Ngân hàng SCB vẫn chưa nhận được phản hồi của các cơ quan nêu trên, điều này dẫn đến sự chậm trễ giải quyết hồ sơ.
Tương tự là trường hợp các hộ dân ở Chung cư The Harmona tại 21 Trương Công Định, phường 14, quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh. Chung cư này có tổng số 581 căn hộ, từ quý II/2013, chủ đầu tư bắt đầu bàn giao những căn hộ đầu tiên cho cư dân. Đại diện ban quản trị chung cư cho biết, năm 2015, các cư dân Chung cư The Harmona đã trải qua một phen hú vía khi Ngân hàng BIDV Chi nhánh Bắc Sài Gòn thông báo siết nợ chung cư này vì chủ đầu tư đã thế chấp dự án cho Ngân hàng và chưa trả nợ. Nhưng rất may sau đó, chính quyền TP.Hồ Chí Minh đã can thiệp và chỉ đạo xử lý kịp thời, đảm bảo ổn định đời sống của cư dân tại chung cư. Và sau đó, chủ đầu tư cũng tiến hành làm sổ hồng cho một số căn hộ. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2017, không hiểu lý do gì, chủ đầu tư lại ngưng hẳn.
Nhà tái định cư cũng “ngóng” sổ hồng hơn 10 năm
Những hộ dân bị giải tỏa để lấy đất xây dựng khu tái định cư 38ha tại phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP.Hồ Chí Minh, được bố trí tái định cư tại chung cư Tín Phong. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm nhận nhà, người dân vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất. Đáng nói là phần lớn diện tích đất mà người dân bị giải tỏa để xây dựng khu tái định cư 38ha lại bỏ hoang hơn chục năm qua.
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Công ty Tín Phong, nói rằng công ty đã bán số căn hộ này cho quận 12 để dùng làm quỹ nhà bố trí tái định cư. Hiện phía nhà nước vẫn nợ công ty 10% số tiền mua nhà chưa thanh toán. Trách nhiệm làm sổ đỏ cho dân thuộc về nhà nước. Về vấn đề này, UBND quận 12 lý giải, nguyên nhân chậm cấp sổ đỏ là do ban đầu thuộc thẩm quyền của Sở Tài nguyên và Môi trường, nhưng sau đó giao về cho quận nên bị kéo dài. Ngoài ra, trong quá trình làm sổ đỏ, Công ty Tín Phong thiếu hợp tác và công trình chưa được cơ quan chức năng nghiệm thu… Để giải quyết vướng mắc này, vừa qua Sở Xây dựng và các sở ngành liên quan đã làm việc với quận 12 nhằm giải quyết các vấn đề đang tồn tại để trong năm 2019 phải cấp sổ đỏ cho toàn bộ các căn hộ tại đây. Như vậy, người dân lại vẫn phải cố gắng ở trọ trong căn nhà của mình thêm một thời gian nữa.
- Câu chuyện cấp giấy chủ quyền cho người dân tại những chung cư bị chủ đầu tư đem giấy chứng nhận đi thế chấp ngân hàng cho tới nay vẫn là một bài toán khó của cơ quan chức năng. Trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh mới đây về thực trạng này, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Lê Hòa Bình thừa nhận để giải quyết vấn đề này rất khó. Ông Bình cho biết, Sở Xây dựng đã làm việc rất nhiều với các ngân hàng cho chủ đầu tư thế chấp để bàn giải pháp phù hợp. Hiện có hai cách giải quyết phù hợp. Thứ nhất là hướng dẫn người dân lập hết phần diện tích từng căn hộ, sau đó yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với ngân hàng đưa giấy chứng nhận để cấp giấy cho dân. Thứ hai, yêu cầu chủ đầu tư hoàn thành nghĩa vụ với ngân hàng để giải chấp giấy chứng nhận ra và cấp giấy cho cư dân.
- Ông Trần Văn Thạch, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết: Sở cũng đã nhận được văn bản đề nghị xác định phương án cấp giấy cho 280 căn hộ trong dự án Rubyland của Ngân hàng SCB. Về mặt chủ trương thì việc cấp giấy cho các căn hộ trong dự án Rubyland đã được thống nhất giữa các cơ quan. Tuy nhiên, phương án cấp cụ thể như thế nào thì chúng tôi đang giao chuyên môn tham mưu. Khi đã ra phương án cụ thể sẽ tổ chức cuộc họp lấy ý kiến của các bên liên quan. Sau đó sẽ có văn bản giao Văn phòng Đăng ký đất đai cấp giấy theo quy định.
- Theo luật sư Nguyễn Thanh Nhã, Văn phòng luật DBS, để tránh rủi ro khi mua căn hộ, người dân cần yêu cầu chủ đầu tư cung cấp giấy phép cho phép chào bán dự án của sở xây dựng và chứng thư bảo lãnh của ngân hàng (chứng thư này tương tự một dạng bảo hiểm, nếu dự án gặp rủi ro thì ngân hàng bảo lãnh sẽ trả lại tiền cho người dân). Đối với những dự án hình thành trong tương lai, còn được gọi là “mua lúa non”, chủ đầu tư huy động vốn của người dân để xây dưng dự án thì người dân cần cẩn thận, đừng ham rẻ mà mua vì dự án này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nếu người dân vẫn quyết định mua thì cần phải tìm hiểu thật kỹ năng lực của chủ đầu tư, thương hiệu của công ty đó.
Ngày đăng: 17:29 | 30/09/2019
/ laodong.vn