Sinh viên không phải người nghèo, nhưng nếu các bạn ấy giàu thì cũng không bước vào quán cơm từ thiện 2000 đồng.
Mới đây, Vũ Tuấn Anh - người sáng lập dự án phát triển nghề nghiệp cộng đồng cho sinh viên - đã đăng tải dòng trạng thái nhận định rằng sinh viên xếp hàng mua cơm 2.000 đồng ở Sài Gòn là "không có lòng tự trọng". Chỉ vì xếp hàng ăn cơm từ thiện mà bị nói là "không có lòng tự trọng" liệu có quá khắt khe?
Tôi từng trải qua quãng thời gian là sinh viên, cũng có lúc no lúc đói và từng nhiều lần nhận đồ ăn từ thiện trước phòng trọ, quán cơm gần trường và trong chùa, chưa bao giờ nghĩ mình làm vậy là đánh mất lòng tự trọng. Chỉ những người mang tiếng làm việc nhân đạo nhưng coi thường người khác, cho mình cái quyền phán xét người khác mới gọi là không có lòng tự trọng.
Những sinh viên tỉnh lẻ như tôi khi đặt chân vào thành phố lớn để sinh sống và học tập, ngoài chuyện phấn đấu để đổi đời còn có chuyện ăn ở sao cho không lãng phí.
Tôi còn nhớ ngày đó mỗi tháng chỉ bảo gia đình gửi vào cho mình 1 triệu đồng, trong đó có 300.000 đồng tiền trọ, 600.000 đồng tiền ăn và 100.000 đồng tiền phòng ốm đau, photo tài liệu học. Vậy nên với 600.000 tiền ăn, tôi chia nhỏ ra mỗi ngày chỉ dùng trong 20.000 đồng, nếu dùng hơn thì hôm sau phải bớt đi.
Do ở chung với các sinh viên khác nên chúng tôi cũng đỡ đần cho nhau, đói cùng đói mà no cùng no, có hôm nào nghe tin chùa hay chủ trọ làm từ thiện phát thức ăn là dẫn nhau đi nhận. Những ngày tháng đó, tôi trân trọng vô cùng vì đã giúp tôi nếm được vị tình cảm ân nghĩa nơi đất khách quê người.
Nhiều sinh viên xếp hàng mua cơm từ thiện do anh Tuấn Anh đăng tải lên mạng. Nguồn: Facebook TA.V
Tôi chắc chắn rằng nếu các bạn sinh viên nhà ở thành phố, gia đình khá giả thì chẳng bao giờ họ nghĩ đến bữa cơm giá rẻ chứ chưa nói đến cơm 2 chữ “từ thiện” và có giá 2.000 đồng – một số tiền mà bây giờ cho con nít chúng cũng chê ít.
Bởi ai cũng đủ hiểu cơm 2.000 đồng sẽ là món cơm không ngon như cơm 15.000 đồng, không đủ thịt cá rau xanh như cơm 35.000 đồng và càng không dám so sánh với hộp cơm ở những tiệm lớn khang trang.
Sinh viên hay bất cứ ai bước vào quán cơm đó, điều đầu tiên họ bỏ ra không phải là 2.000 đồng mà là sự biết ơn người đã tạo ra bữa cơm, giúp họ tiết kiệm được kha khá tiền cho một ngày. Thiết nghĩ nếu bữa cơm đó dù không ngon nhưng đủ an toàn thì quá tốt cho những bạn sinh viên gia cảnh khó khăn, có thể no bụng mà học hành, làm thêm.
Chúng ta không thể đánh giá được một người qua bề ngoài và đôi lần gặp gỡ, vậy cớ chi lại “vơ đũa cả nắm” rằng sinh viên sức dài vai rộng đi ăn cơm từ thiện 2.000 đồng là không có lòng tự trọng?
Chúng ta có đoán được trong 100 sinh viên ăn cơm 2.000 đồng có bao nhiêu người sau này sẽ trở thành giám đốc vạn người kính trọng? Chúng ta cũng đâu biết những người cầm 2.000 đồng trả cho anh, bị anh chê là không có lòng tự trọng sau này sẽ thuyết giảng cho thế hệ trẻ về lòng tự trọng.
Tôi bỗng nhớ đến một câu chuyện về bức thư từ trường học The Heritage (Ấn Độ) gửi phụ huynh đã thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả từ khắp nơi trên thế giới.
Nguyên văn bức thư như sau:
“Thưa các bậc phụ huynh,
Kỳ thi đang sắp sửa diễn ra. Tôi biết quý vị vô cùng hồi hộp và đặt nhiều kỳ vọng vào con mình, tuy nhiên có một điều quý vị cần nhớ. Trong số học sinh sẽ bước vào kỳ thi lần này, có em sẽ trở thành họa sĩ, mà họa sĩ thì không nhất thiết phải giỏi Toán học.
Có em sẽ trở thành doanh nhân, mà doanh nhân thì không cần quan tâm quá nhiều đến Lịch sử và Văn học. Có em sẽ trở thành nhạc sĩ, mà nhạc sĩ thì điểm Hóa có thấp một chút cũng không phải là vấn đề. Có em sẽ trở thành vận động viên, do vậy thể chất quan trọng hơn kiến thức Vật lý.
Nếu con quý vị đạt điểm cao thì quả thực rất tuyệt vời. Nếu không, đừng khiến chúng phải mất tự tin vì điểm số. Hãy nói với chúng rằng không sao cả, đây chỉ là một kỳ thi. Cuộc sống này còn nhiều điều quan trọng khác.
Hãy để chúng hiểu rằng cho dù con đạt được điểm thấp hay cao, bố mẹ vẫn luôn yêu con và không hề phán xét. Hãy nói với con mình như vậy, rồi ngắm nhìn con tự tin bước ra đời. Một bài kiểm tra không thể lấy đi ước mơ và khả năng của con”.
Quả thực vậy, cuộc sống này còn nhiều điều quan trọng khác hơn là chuyện phán xét những sinh viên bước vào quán cơm từ thiện 2.000 đồng.
Hãy để sinh viên – những người trẻ sẽ trở thành trụ cột của nước nhà, biết trân trọng những gì mình nhận được, dù là cơm chỉ 2.000 đồng, rồi họ sẽ tạo ra giá trị lớn hơn trong tương lai.
Vợ chồng nguyên Chủ tịch nước ăn cơm 2.000 đồng cùng người nghèo
Nhiều người dân ở quận 1, TP.HCM bất ngờ thấy nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng phu nhân ăn cơm vui vẻ giá ... |
Quán cơm Nụ Cười
Một chiều, ông Nam Đồng ngồi kể với bạn bè những quán cơm xã hội của Sài Gòn cũ. |
http://m.nguoiduatin.vn/ai-noi-sinh-vien-an-com-2000-dong-la-khong-co-long-tu-trong-a342396.html
Ngày đăng: 16:00 | 15/10/2017
/ Phương Thảo/nguoiduatin.vn