Thứ trưởng, chủ tịch tỉnh... thay vì được bố trí xe riêng đưa đón từ nhà tới nơi làm việc sẽ được khoán kinh phí bắt buộc.
Bộ Tài chính vừa đưa ra lấy ý kiến Nghị định quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô công.
Theo Dự thảo Nghị định trên, với xe phục vụ chức danh, dự thảo vẫn tiếp tục giữ quy định hiện hành. Riêng với nhóm lãnh đạo có hệ số phụ cấp từ 1,25 trở lên (thứ trưởng và tương đương, phó bí thư, chủ tịch tỉnh, chủ tịch và tổng giám đốc tập đoàn nhà nước...), thay vì được bố trí 1 xe riêng đưa đón từ nhà tới nơi làm việc và ngược lại, dự thảo đưa ra quy định khoán kinh phí bắt buộc cho công đoạn đi từ nhà tới cơ quan, chỉ khi đi công tác được bố trí xe công dùng chung để đi lại. Mỗi Bộ được trang bị 3 xe phục vụ công tác chung cho các chức danh này.
Đồng thời, Bộ Tài chính còn đưa ra dự thảo giảm mạnh số xe công phục vụ công tác chung tại các cục, vụ, sở, ngành, công ty nhà nước, ban quản lý dự án.
Theo đó, với các cục, vụ thuộc các bộ ngành trung ương, giảm còn 1 xe/cục hoặc vụ (có biên chế trên 50 người). Nếu cục, vụ có biên chế dưới 50 người, 2 đơn vị sẽ sử dụng chung 1 xe.
Đối với cục, vụ và tổ chức tương đương thuộc Tổng cục, văn phòng được trang bị 1 xe cho 3 đơn vị dùng chung (với đơn vị biên chế dưới 50 người); nếu đơn vị biên chế trên 50 người vẫn giữ mức 1 xe cho 2 đơn vị dùng chung. Với các cục địa phương thuộc Tổng cục, sẽ được trang bị 1 xe cho mỗi đơn vị. Ở cấp địa phương, văn phòng tỉnh ủy giữ nguyên định mức 2 xe/đơn vị.
Riêng văn phòng HĐND, UBND nâng lên 4 xe/đơn vị (thay vì 2 xe/đơn vị hiện nay). Do những văn phòng này gồm các phó chủ tịch, và nhiều phòng ban khác nhau, các chức danh này đều có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô công khi đi công tác, nên cần tăng số xe phục vụ chung.
Với các sở, ban, ngành giảm còn 1 xe/đơn vị, trừ khu vực khó khăn, hải đảo được trang bị tối đa 2 xe/đơn vị.
Với văn phòng cấp quận/huyện được trang bị 1 xe/đơn vị, trừ trường hợp khu vực khó khăn, hải đảo được trang bị tối đa 2 xe/đơn vị (giảm nửa số xe so với hiện hành).
Riêng trường hợp sở, ban, ngành, UBND cấp huyện có lãnh đạo hệ số phụ cấp 0,7 trở lên, thay vì trang bị riêng 1 xe, sẽ thực hiện khoán kinh phí đi lại hoặc thuê xe dịch vụ. Trừ khu vực khó khăn, hải đảo mới được trang bị 1 xe.
Với cấp Tập đoàn, Tổng công ty 100% vốn nhà nước, dự thảo đề xuất mức còn 3 xe/tập đoàn, tổng công ty. Với các công ty con thuộc tập đoàn, công ty thuộc các bộ ngành, địa phương cũng giảm còn 1 xe/công ty.
Đáng chú ý, dự thảo lần này bổ sung áp dụng cả với xe ô tô của doanh nghiệp, tổ chức khác biếu tặng cơ quan nhà nước. Xe biếu, tặng phải tuân theo đúng định mức.
Trước đó, đầu tháng 3, Bộ Tài chính đã tiến hành dự thảo quyết định của Thủ tướng quy định về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước. Như vậy, sau 4 tháng, Bộ đã hoàn thiện để đưa ra lấy ý kiến.
Khi đó, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét 2 phương án khoán kinh phí. Phương án I: thực hiện khoán kinh phí với mức 6,5 triệu đồng/tháng; mức khoán này được điều chỉnh khi chỉ số CPI tăng, giảm trên 20%.
Phương án II: mức khoán kinh phí xác định trên cơ sở đơn giá và khoảng cách thực tế đưa đón từ nhà đến cơ quan, khoảng cách đi công tác, Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định.
Và Bộ Tài chính bắt đầu thực hiện thí điểm cơ chế khoán kinh phí sử dụng xe công từ ngày 1/10/2016.
Theo đó, cơ chế áp dụng chế độ khoán kinh phí sử dụng xe công đối với các chức danh thứ trưởng, chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (tổng cục trưởng và tương đương) thuộc Bộ. Đơn giá sẽ áp theo giá taxi, cao nhất là 15.000 đồng một km.
Ngay sau đó, TP Hà Nội là thành phố đầu tiên theo chân để thực hiện khoán xe công với 9 quận, huyện, cơ quan đơn vị.
Ngày đăng: 11:30 | 15/07/2017
/ Theo báo Đất Việt