Các đường nét chiến lược thương mại của Tổng thống Donald Trump đang dần lộ rõ. Nhiều đối tác thương mại của Mỹ phải đối mặt với những lời đe dọa rất kịch tính.
Tuy nhiên, việc sửa đổi Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ - Hàn và đặt lại tên cho Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) vừa qua cho thấy hầu hết các nước chỉ việc đưa ra một vài nhượng bộ để xoa dịu ông Trump. Nước duy nhất nhà lãnh đạo Mỹ thực sự chú ý là Trung Quốc.
Ảnh: Business Insider
Theo tạp chí Project-Syndicate, bối cảnh đó được đặt ra cho một cuộc so găng Trung - Mỹ, bằng tất cả những ẩn ý đanh thép và mang tính địa chính trị chưa từng thấy. Nhưng, với phần còn lại của thế giới, đây không phải là một tin tức tồi tệ. Bởi có câu ngạn ngữ cổ rằng: Trai cò đấu nhau, ngư ông đắc lợi.
Cho đến gần đây, chính sách thương mại vẫn chủ yếu phục vụ tự do hóa. Từ thập niên 1960 đến những năm 1990, tiến trình đó vận hành phần lớn nhờ cắt giảm thuế, được nhất trí dưới sự bảo hộ của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT), và Tổ chức Thương mại Thế giới.
Tuy nhiên, nỗ lực gần đây nhất nhắm tới cắt giảm thuế toàn cầu – còn được gọi là Vòng đàm phán Doha – không mang lại kết quả, bởi Ấn Độ (chứ không phải Trung Quốc) không muốn mở cửa một số thị trường then chốt của nước này.
Ở một mức độ nào đó, các hiệp định thương mại khu vực – thường bao gồm các nền kinh tế cùng chí hướng – thường giúp duy trì xung lượng tự do hóa. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế tỏ ra nghi ngờ những hiệp định như vậy, vì về bản chất, chúng "được ưu tiên". Khi các hàng rào thương mại được hạ bớt cho những đối tác thương mại mới tham gia hiệp định, các nhà sản xuất ở những nước đó có xu hướng chuyển hướng quan tâm sang những đối tác mới, khiến nhập khẩu từ các nước khác giảm.
Nói cách khác, thay vì thúc đẩy thương mại tổng thể, các hiệp ước khu vực lại khiến nó chuyển hướng: Gia tăng thương mại giữa các nước tham gia vì lợi ích của họ, nhưng lại giảm bớt với bên thứ 3. Do đó, nếu một nhóm gồm các nước trao đổi thương mại lớn làm ngược lại - tăng thuế đánh vào nhau, thì các bên thứ ba sẽ hưởng lợi.
Vậy, liệu có nước nào khác - từ châu Âu tới châu Á – hoan nghênh "thỏa thuận thương mại ưu đãi tiêu cực" mà Mỹ và Trung Quốc đang vận hành không?
Khi Mỹ áp đặt thuế cao hơn lên hàng hóa Trung Quốc, các nhà sản xuất châu Âu sẽ hưởng một lợi thế cạnh tranh trước các nhà sản xuất Trung Quốc ở thị trường Mỹ. Tương tự, ở thị trường Trung Quốc, cả các nhà sản xuất châu Âu và châu Á sẽ có lợi thế cạnh tranh trước các nhà sản xuất Mỹ. Từ đó, một phần đáng kể của thương mại Trung - Mỹ sẽ chuyển hướng tới châu Âu, tới Nhật Bản và các nền kinh tế châu Á khác kề cận thị trường Trung Quốc.
Liên minh châu Âu (EU) nhiều khả năng sẽ thu về các lợi ích đặc biệt lớn, vì khối này vẫn là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của cả Mỹ và Trung Quốc, và cũng bởi các nhà sản xuất châu Âu có sức cạnh tranh ngang ngửa các công ty Mỹ.
Tuy trên thực tế không một "thỏa thuận thương mại ưu đãi tiêu cực" nào có thể mang lại lợi ích cho bên thứ 3, nhưng trong trường hợp một "thỏa thuận" Mỹ-Trung thì những lợi ích đó lại có thể rất lớn.
Sự chuyển hướng thương mại thường được coi là một cấu trúc lý thuyết có rất ít ý nghĩa thực tế, vì hầu hết các nền kinh tế tham gia vào các hiệp định thương mại ưu đãi vốn đã có mức thuế đương đối thấp. Kết quả là, sự thay đổi bất kỳ nào về thuế - và ảnh hưởng rộng lớn hơn của nó đối với thương mại – là rất nhỏ.
Trường hợp cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung lại khác, vì hai nền kinh tế đang áp đặt các hàng rào thuế quan khá cao nhằm vào nhau. Mỹ đang đánh thuế 10% - gấp 4 lần mức trung bình của nước này - lên hơn 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Vào năm tới, thuế suất được trù tính tăng lên 25% (gấp 10 lần mức thuế trung bình của Mỹ lên hàng nhập khẩu từ các nước khác) và danh sách hàng hóa bị đánh thuế sẽ được mở rộng. Viễn cảnh đó tiềm tàng dẫn tới sự chuyển hướng thương mại rất lớn.
Chắc chắn, mức độ hội nhập cao của nền kinh tế xuyên Đại Tây Dương sẽ đóng vai trò như một yếu tố giảm nhẹ. Chẳng hạn, hãng Airbus có thể thay thế Boeing ở thị trường rộng lớn Trung Quốc, nhưng hơn 1/3 giá trị gia tăng của một chiếc Airbus lại do Mỹ đóng góp. Đó có thể chính là lý do ông Trump chọn cách kéo dài thỏa thuận "ngừng bắn" với EU (được nhất trí hồi tháng 7 vừa qua).
Thế nhưng, chiến tranh thương mại Trung - Mỹ rốt cuộc vẫn sẽ làm thay đổi rất nhiều thương mại toàn cầu. Điều này có thể sẽ có lợi cho hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, nhưng nó lại gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho chính Mỹ và Trung Quốc, nơi người tiêu dùng và các doanh nghiệp phụ thuộc vào máy móc nhập khẩu sẽ phải chi trả nhiều hơn.
Thiệt hại của Mỹ nhiều khả năng lớn hơn so với Trung Quốc, vì quốc gia châu Á nhập khẩu từ Mỹ các mặt hàng gồm phần lớn sản phẩm nông nghiệp nên sẽ dễ dàng tìm kiếm nguồn cung thay thế. Chẳng hạn, Bắc Kinh có thể quay sang nhập khẩu đậu nành từ Brazil.
Nói cách khác, Trung Quốc sẽ chịu thiệt hại ở một mức nào đó, nhưng vẫn ít hơn so với những gì Mỹ tự gây ra cho mình. Trong khi đó, phần còn lại của thế giới có thể sẽ có lý do để mong cho hai cường quốc đứng đầu thế giới tiếp tục xung đột dài lâu.
Cách Trung Quốc nhìn nhận ý đồ của Mỹ trong cuộc chiến thương mại
Trung Quốc diễn giải rằng Mỹ muốn kiềm chế họ phát triển chứ không đơn giản là gây sức ép để khiến họ thay đổi ... |
Người Mỹ thiệt hại thế nào trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc?
Đòn áp thuế của Trump với hàng hóa Trung Quốc sẽ khiến giá tiêu dùng ở Mỹ tăng lên, nhưng không gây hậu quả lớn. |
Trung Quốc còn vũ khí gì trong cuộc chiến thương mại với Mỹ
Ngoài thuế nhập khẩu, Trung Quốc có thể dùng thủ tục chính sách hay sự tẩy chay của người tiêu dùng để đối phó Mỹ. |
Trung Quốc sắp không còn gì để đánh thuế đáp trả Mỹ trong cuộc chiến thương mại?
Những tranh cãi về việc làm thế nào để Trung Quốc đấu lại với Mỹ trong cuộc chiến thương mại đã bắt đầu xuất hiện ... |
Ngày đăng: 08:20 | 15/10/2018
/ http://vietnamnet.vn