Sau khi tờ New York Times dẫn tin tình báo của các quan chức Mỹ cho rằng một nhóm thân Ukraine đã phá hoại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream nối Nga với châu Âu vào tháng 9 năm ngoái, nhưng không có bằng chứng sự can dự của Kiev, dư luận một lần nữa dậy sóng. Thực hư của việc này ra sao và phản ứng của các bên liên quan như thế nào?
Lần theo dấu vết nghi phạm…
Tuần báo Die Zeit và các kênh tin tức ARD và SWR (Đức) ngày 7/3 cho biết, cuộc điều tra hình sự đã xác định chiếc thuyền được sử dụng để tiến hành các vụ phá hoại. Một công ty có trụ sở tại Ba Lan "dường như thuộc về 2 người Ukraine" đã thuê con thuyền này. Một đội gồm 5 nam và 1 nữ, bao gồm cả thợ lặn, đã lên tàu để vận chuyển và xử lý chất nổ tại địa điểm xảy ra các sự cố. Tuy nhiên, "quốc tịch của thủ phạm không rõ ràng", Die Zeit cho biết thêm, chỉ rõ rằng hộ chiếu giả đã được sử dụng để thuê thuyền. Các nhà điều tra có thể xác định rằng nhóm biệt kích đã khởi hành từ cảng Rostock của Đức ngày 6/9/2022 và sau đó con thuyền được xác định vị trí gần đảo Christians của Đan Mạch. Dấu vết của chất nổ được phát hiện "trên bàn cabin" của con tàu khi nó được trả lại cho chủ, Die Zeit viết. “Ngay cả khi đầu mối dẫn đến Ukraine, các nhà điều tra vẫn chưa thể xác định ai đã ủy quyền” hoạt động này, tuần báo nhấn mạnh.
Tờ New York Times ngày 7/3 cho biết rằng thông tin mà tình báo Mỹ đưa ra "không có kết luận chắc chắn" và "để ngỏ khả năng hoạt động được tiến hành bí mật bởi một lực lượng bên thứ ba có liên kết trong Chính phủ Ukraine hoặc các cơ quan an ninh của họ". Một phát ngôn viên của Chính phủ Đức nói với AFP rằng họ đã "ghi nhận" bài báo của New York Times và đề cập đến cuộc điều tra tư pháp đang diễn ra. "Một cuộc điều tra sơ bộ đang diễn ra ở Thụy Điển, vì vậy tôi không có ý định bình luận về thông tin này", Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson nói với các phóng viên hôm 7/3.
Vụ nổ đường ống Nord Stream xảy ra sau khi chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã kéo dài được 7 tháng. Vụ việc xảy ra ở vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển và Đan Mạch tại Biển Baltic. Cả hai quốc gia đều kết luận vụ nổ có chủ đích nhưng không nói rõ bên nào phải chịu trách nhiệm. Mỹ và NATO gọi vụ tấn công đường ống dẫn khí này là “một hành vi phá hoại”, trong khi Nga đổ lỗi cho phương Tây, đồng thời yêu cầu mở một cuộc điều tra độc lập. Tuy nhiên, không bên nào đưa ra được bằng chứng.
Không thể “kết luận vội vàng”!
Thứ tư vừa qua, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết danh tính của thủ phạm vụ nổ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream vẫn chưa được xác định. “Các cuộc điều tra cấp quốc gia đang diễn ra, do vậy, theo tôi nên đợi cho đến khi các cuộc điều tra hoàn tất trước khi chúng ta nói thêm bất cứ điều gì về kẻ đứng sau vụ việc”, ông Stoltenberg nói.
Về phía Bộ trưởng Quốc phòng Đức, ông Vladimir Pistorius cùng ngày đã yêu cầu các nước không đưa ra “kết luận vội vàng”, vì có khả năng đó là một “chiến lược giả được dàn dựng để đổ tội cho Ukraine”.
Điện Kremlin cũng tố cáo đây là một mưu tính “có phối hợp” nhằm đánh lạc hướng sự chú ý sau khi các báo cáo về vụ nổ đường ống dẫn khí được công bố. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với hãng thông tấn RIA: “Rõ ràng những kẻ dàn dựng vụ tấn công muốn đánh lạc hướng”, đồng thời cho biết các cáo buộc là bịa đặt. “Điều tối thiểu mà các quốc gia cổ đông của Nord Stream và Liên hợp quốc cần làm là mở một cuộc điều tra khẩn cấp và minh bạch với sự tham gia của tất cả các bên liên quan”, ông nói thêm.
Trước đó, Trung Quốc kêu gọi các nước điều tra ai là thủ phạm phá hoại đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và Nord Stream 2. Nếu không, kẻ xấu sẽ nghĩ bản thân chúng vô tội và thực hiện những hành động tiếp theo. Ông Zhang Jun, đặc phái viên của Trung Quốc tại Liên hợp quốc, đã đăng tải trên Twitter: “Bất kỳ sự phá hoại có chủ đích nào đối với cơ sở hạ tầng xuyên quốc gia đều là một hành động nguy hiểm. Điều quan trọng là cần tổ chức một cuộc điều tra quốc tế về vụ phá hoại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream (Nord Stream 1 và Nord Stream 2)”.
Còn Kiev hôm 8/3 đã phủ nhận mọi liên quan đến vụ phá hoại hồi năm ngoái đối với các đường ống dẫn khí đốt ở Biển Baltic. "Mặc dù tôi thích thu thập các thuyết âm mưu hài hước về Chính phủ Ukraine, nhưng tôi phải nói rằng Ukraine không liên quan gì đến vụ tai nạn ở biển Baltic và không có thông tin về bất kỳ nhóm phá hoại thân Ukraine nào", Mykhailo Podolyak, cố vấn Tổng thống Zelensky, viết trên Twitter. Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, ông John Kirby, cho biết Washington đang chờ kết luận điều tra của Đức, Thụy Điển và Đan Mạch.
Chiến sự giằng co
Trên chiến trường, mặc dù quân đội Nga và lính đánh thuê đang chiếm ưu thế, nhưng lực lượng Ukraine vẫn chiến đấu ngoan cường. Tổng thống Ukraine Zelenskiy nhắc lại mục tiêu sẽ giành lại toàn bộ vùng lãnh thổ đã bị chiếm đóng. Thành phố Bakhmut trở nên hoang tàn sau hơn 7 tháng bị oanh tạc và giao tranh, hiện đang đứng trước nguy cơ thất thủ. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, việc kiểm soát Bakhmut sẽ là chìa khóa để đâm thủng tuyến phòng thủ của Ukraine và giúp lực lượng của Moscow thực hiện các chiến dịch tấn công sâu vào bên trong Ukraine.
Tại khu vực Donbass thuộc miền Đông Ukraine, Nga tuyên bố Donetsk và Luhansk, cùng hai khu vực khác của Ukraine là lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, Kiev và phương Tây bác bỏ điều này.
Thị trấn Nikopol do Ukraine kiểm soát, nằm đối diện với nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia do Nga kiểm soát, đã bị tấn công. Hơn 30 thị trấn ở mặt trận phía Nam khu vực Kherson đã bị pháo kích, bao gồm trung tâm khu vực Kherson và các thị trấn khác ở bờ Tây sông Dnieper.
Mặt trận ngoại giao
Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm Thứ ba vừa qua để thảo luận về cuộc chiến Nga - Ukraine và những thách thức do Trung Quốc đặt ra.
Moscow nhiều lần nói rằng Mỹ và các nước đồng minh đang lợi dụng Ukraine để tiến hành cuộc chiến chống lại họ. Tuy nhiên, lập luận này đã bị Kiev và phương Tây bác bỏ. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga đang quan tâm đến kế hoạch hòa bình do Trung Quốc đề xuất. Ông Peskov cho biết Ngoại trưởng Trung Quốc đã nói rằng có một “bàn tay vô hình” gây ra cuộc xung đột ở Ukraine, và cần phải dừng bàn tay ấy lại.
https://antg.cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-antg/ai-da-pha-hoai-duong-ong-nord-stream--i686444/
Ngày đăng: 07:45 | 14/03/2023
Mộc Thạch / antg.cand.com.vn