Trung Đông một lần nữa lại là tâm điểm chú ý của thế giới, sau khi Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất (UAE) công bố kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) Công ty Dầu mỏ Quốc gia Abu Dhabi (ADNOC) - một trong những “người khổng lồ” dầu khí thế giới.
“Cơn sốt” IPO
Kế hoạch IPO Tập đoàn Dầu khí Saudi Aramco của Arập Xêút đã gây xôn xao dư luận quốc tế trong suốt hơn 1 năm qua, không những chỉ vì giá trị “khủng” lên tới 2.000 tỉ USD theo định giá ban đầu của Riyadh, hay ý nghĩa quan trọng của nó trong kế hoạch cải cách, đa dạng hóa nền kinh tế “Tầm nhìn 2030” của nước này, mà còn vì các tác động vượt ra ngoài biên giới Arập Xêút của vụ việc.
Như nhận định của nhiều nhà phân tích dầu khí, những nỗ lực kiềm chế nguồn cung dầu của Riyadh trong thời gian qua có một phần mục đích là đẩy giá dầu lên, nâng giá trị, cũng như sức hấp dẫn của cổ phiếu Saudi Aramco và tạo thuận lợi cho vụ IPO lịch sử này. Arập Xêút được cho là sẽ tiếp tục kiên nhẫn với giá dầu vì vụ IPO dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm 2018, hoặc đầu năm 2019 tới.
Một trạm xăng dầu của ADNOC |
Tháng 5/2017, Bộ trưởng Bộ Dầu khí Oman xác nhận về kế hoạch bán lại cổ phần của Công ty Dầu mỏ Quốc gia Oman (OOC) tại các công ty liên kết, thông qua IPO. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của tờ Thời báo Oman, Tiến sĩ Mohammed al-Rumhy - Bộ trưởng Bộ Dầu khí Oman cho hay, một vài công ty thuộc OOC sẽ tiến hành IPO trong năm nay và khẳng định quá trình này đang được nghiên cứu.
Giới quan sát quốc tế khi đó đã gọi việc một số quốc gia Trung Đông đã hoặc đang có ý định IPO các công ty năng lượng quốc doanh của họ là một xu hướng, là một “cơn sốt”. Và UAE chính là quốc gia mới nhất tham gia vào xu hướng này, với việc công bố kế hoạch IPO của ADNOC - công ty dầu mỏ lớn thứ 15 trên thế giới, với sản lượng 2,4 triệu thùng dầu quy đổi/ngày, theo xếp hạng năm 2013 của Tạp chí Forbes.
Giống và khác
Mục đích của kế hoạch IPO của ADNOC, cũng giống với mục đích của Arập Xêút khi công bố kế hoạch IPO Saudi Aramco, đều là để tăng khả năng sinh lợi và tiếp cận thị trường mới, trong thời gian giá dầu thấp kéo dài, gây sức ép lên các quốc gia phụ thuộc vào doanh thu từ nhiên liệu hóa thạch.
“Trong kỷ nguyên năng lượng mới này, chúng ta cần những chiến lược sáng tạo và mô hình kinh doanh linh hoạt hơn để nắm bắt tăng trưởng” - phát biểu của Tiến sĩ Sultan Ahmed Al Jaber, Tổng giám đốc ADNOC. |
Tuy nhiên, UAE không có kế hoạch khởi động IPO cho công ty mẹ ADNOC, mà chỉ định bán cổ phần thiểu số trong một số đơn vị dịch vụ của ADNOC. Điều đó hoàn toàn trái ngược với Arập Xêút, bởi quốc gia này dự kiến huy động được khoảng 1.000-2.000 tỉ USD cho Saudi Aramco, thông qua việc phát hành một phần cổ phiếu của công ty.
Theo tờ báo nhà nước The National của Abu Dhabi, công ty dịch vụ đầu tiên mà ADNOC định IPO sẽ được thông báo trong vài tháng tới và cổ phiếu của công ty đó sẽ được niêm yết trên các thị trường chứng khoán trong nước. Đây cũng là điều trái ngược với kế hoạch IPO Saudi Aramco của Arập Xêút, bởi Riyadh muốn niêm yết cổ phiếu của Saudi Aramco trên thị trường chứng khoán nước ngoài, công khai nhắm mục tiêu đến các nhà đầu tư và tập đoàn công nghiệp quốc tế.
Hiện chưa có thông tin về doanh nghiệp mà ADNOC sẽ IPO, cũng như số tiền bán cổ phiếu mà ADNOC muốn thu được. Đến nay, một số hãng tin quốc tế mới chỉ trích dẫn vài nguồn tin riêng, nói rằng, ADNOC có thể đang tìm kiếm khoảng 14 tỉ USD từ kế hoạch IPO này.
Bình luận về kế hoạch IPO của ADNOC, chuyên gia về chiến lược hàng hóa trên toàn cầu của RBC Capital Markets, bà Helima Croft cho biết: “Các nhà khai thác dầu mỏ Trung Đông hiện đang đưa ra các chiến lược để giữ và tăng thị phần ở châu Á. Tuy nhiên, kế hoạch IPO của ADNOC không chỉ nhằm tăng doanh thu, mà còn để thực hiện tầm nhìn về kinh tế của Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) đến năm 2030 là nhằm giảm vai trò chi phối của dầu mỏ trong nền kinh tế”. Theo quan điểm của bà Croft, trường hợp của UAE có lẽ không phải họ quá lo lắng về sự kết thúc của kỷ nguyên dầu mỏ, mà là cần tiền từ dầu mỏ để xây dựng các phương tiện đầu tư. Nên nhớ, Quỹ Đầu tư Abu Dhabi là quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất ở Trung Đông, với tài sản trị giá khoảng 828 tỉ USD, theo Viện Nghiên cứu Quỹ Tài sản Quốc gia (SOE). |
Ngày đăng: 17:09 | 23/07/2017
/ Linh Phương/PetroTimes