Tổng công ty Cảng hàng không đề xuất nâng cấp hệ thống đường băng cũ và xây bổ sung đường lăn mới nhằm giảm ách tắc cho sân bay Tân Sơn Nhất.
Cụ thể, đường lăn E8 sẽ được bổ sung song song với đường lăn độc đạo E6 ở khu vực nhà ga hành khách quốc tế sẽ giúp giảm thiểu xung đột giữa các luồng máy bay ra vào bến đỗ và đường cất hạ cánh, máy bay được di chuyển ra đường băng đúng giờ hoặc được lăn vào bến đỗ nhanh chóng.
Dự kiến tổng vốn đầu tư sửa chữa đường cất hạ cánh là 680 tỷ đồng, xây bổ sung đường lăn 1.558 tỷ đồng.
Sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải lưu lượng hành khách. Ảnh: Anh Duy. |
Ngày 22/8, ông Đỗ Tất Bình, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, vướng mắc hiện nay là khu bay thuộc nhà nước quản lý nên ACV không thể dùng vốn doanh nghiệp đầu tư xây dựng, trong khi nhà nước không có tiền đầu tư. Do đó, đơn vị này kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải có cơ chế giao và hoàn vốn cho doanh nghiệp đầu tư.
"Việc đầu tư nâng cấp khu bay là rất cấp thiết để giảm ùn tắc cho khu bay hiện nay, chúng ta cần tiến hành trước khi xây dựng nhà ga hành khách T3", ông Bình nói.
Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất Chính phủ cơ chế xã hội hóa đầu tư khu bay thay vì dùng ngân sách. "Dự án nâng cấp khu bay sẽ được xem xét đầu tư để đồng bộ với dự án xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, vì nhà ga được xây dựng, nâng công suất mà năng lực khu bay không được cải thiện sẽ gây tắc nghẽn", đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho hay.
Thời gian qua, ACV đã hoàn thành dự án mở rộng sân đỗ máy bay khu 19,7ha đất quân sự giúp tăng tổng số bến đỗ hiện tại lên 105 vị trí. Giải pháp đã khắc phục được một phần tình trạng quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất.
Tuy nhiên, hệ thống đường lăn, sân đỗ tại sân bay Tân Sơn Nhất theo thiết kế cũ chỉ cho phép một luồng máy bay di chuyển từ các bến đỗ ra đường cất hạ cánh để khởi hành trong một thời điểm, luồng máy bay đi ngược chiều sẽ phải dừng chờ tại các ngã ba, ngã tư giữa các đường lăn, khiến tốc độ di chuyển máy bay thấp, thường xuyên bị ùn tắc tại khu bay.
Ngoài ra, theo đại diện ACV, các đường lăn hiện nay cũng không còn phù hợp với các loại máy bay mới thường có kích thước và tải trọng lớn hơn nhiều so với các loại máy bay cũ. Như vậy, việc các máy bay thường xuyên chậm trễ chủ yếu do năng lực hạ tầng đường cất hạ cánh, đường lăn và sân đỗ không phù hợp với tình hình mới.
Sản lượng hành khách thông qua sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất trong năm 2018 đã đạt 38,5 triệu người, gấp 1,5 lần công suất thiết kế 25 triệu hành khách mỗi năm. Lượt chuyến bay cất hạ cánh trung bình đạt hơn 700 chuyến bay mỗi ngày. Năng lực thông qua đường cất hạ cánh hiện đang được điều phối 44 chuyến bay/giờ, tức trung bình cứ 1 phút 20 giây lại có một máy bay cất hoặc hạ cánh.
Diện tích sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay chỉ còn 1/4 đến 1/5 so với thời kỳ năm 1975 do sự phát triển đô thị hóa nên khó có thể triển khai các hạng mục cải tạo, mở rộng và nâng cấp lớn đáp ứng yêu cầu hoạt động bay ngày càng tăng cao.
Do năng lực giới hạn của hệ thống đường cất hạ cánh, kiểm soát viên không lưu phải thực hiện áp dụng các biện pháp trì hoãn, kéo dài thời gian bay của máy bay trên không trong vùng trời tiếp cận sân bay (như bay vòng chờ tại chỗ, bay hình vòng cung).
Cuối năm, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái sẽ hết kẹt xe |
Sân bay Tân Sơn Nhất có nguy cơ tái ngập trong mùa mưa 2019 |
Mở rộng Tân Sơn Nhất: Không sợ thiếu tiền, chỉ lo thiếu cơ chế |
Ngày đăng: 14:06 | 22/08/2019
/ vnexpress.net