9 cầu thủ U23 Việt Nam lên ĐTQG: HLV Park Hang-seo xen canh gối vụ
U23 bây giờ đã khác
Ngày 6/11, HLV Park Hang-seo trở lại dẫn dắt ĐTQG Việt Nam, sau hơn nửa tháng đồng hành với U23 Việt Nam tại vòng loại U23 châu Á 2022. Chiến lược gia Hàn Quốc đem lên ĐT Việt Nam 9 gương mặt. Đó là Văn Toản, Hoàng Anh, Việt Anh, Văn Xuân, Thanh Bình, Văn Đạt, Mạnh Dũng, Văn Đô từ U23 Việt Nam. Cái tên còn lại mới được nhà cầm quân Hàn Quốc bất ngờ triệu tập là Hồ Thanh Minh, cầu thủ đã ghi bàn quyết định cho U23 Việt Nam thắng U23 Myanmar ở lượt cuối vòng loại, qua đó ẵm vé trực tiếp dự VCK U23 châu Á 2022.
Mục đích như chia sẻ với báo giới của HLV Park Hang-seo khi gọi 9 cầu thủ U23 Việt Nam lên tập trung ĐTQG là để chuẩn bị cho AFF Cup 2020. Bởi theo quy định, mỗi đội tuyển sẽ được đăng ký tới 30 gương mặt cho giải đấu diễn ra ở Singapore sắp tới. Hiện tại, lực lượng của ĐT Việt Nam đang có 35 cầu thủ, tính cả số lượng gương mặt U23. Vậy nên, việc ông Park đem các cầu thủ U23 Việt Nam sang thi đấu ở AFF Cup 2020 là có cơ sở.
Nhưng câu hỏi được đặt ra rằng, liệu có mấy cầu thủ U23 Việt Nam được tạo điều kiện ra sân cùng ĐTQG Việt Nam? Bởi trên thực tế, suốt từ tháng 6 cho đến nay, với những đợt tập trung và thi đấu liên tiếp tại vòng loại thứ 2 và thứ 3 của World Cup 2022 khu vực châu Á, những cầu thủ U23 dù có được lựa chọn lên ĐTQG nhưng hiếm khi được sử dụng. Đến nay, duy chỉ Thanh Bình và Văn Toản là những cái tên U23 hiếm hoi được tạo điều kiện thi đấu.
Trong đó, Thanh Bình có 2 lần vào sân từ băng ghế dự bị, trong 2 trận đấu mà Việt Nam thua Australia và Trung Quốc. Trong đó, sự non nớt về kinh nghiệm khiếm cho Thanh Bình mắc lỗi ở 2 trong số 3 bàn thua của đội tuyển Việt Nam, khi không thể theo kèm được nổi Wu Lei dẫn đến việc tuyển thủ quốc gia Trung Quốc đang chơi bóng ở Tây Ban Nha này ghi 2 bàn ở giai đoạn cuối trận.
Ngoài Thanh Bình, Văn Toản cũng đã được HLV Park Hang Seo bất ngờ tạo điều kiện cho thi đấu trong trận Việt Nam gặp Oman, khi thủ môn Bùi Tấn Trường dính chấn thương và không thể thi đấu. Nhưng cũng như Thanh Bình, sự non nớt về kinh nghiệm đã khiến cho Văn Toản phải chịu tới 3 bàn thua từ Oman. 1 trong 3 bàn đó tạo nên sự tranh cãi, khi Văn Toản đã không thể chỉ huy được hàng thủ trong dàn xếp đá phạt góc, dẫn tới việc mình bị đẩy vào thế bị động trên mọi mặt. Một thủ môn không thể làm chủ được khu vực 5m50, trước một đối thủ dùng quái chiêu để chiếm lấy lợi thế.
Tầm nhìn 4-5 năm
Nên nhớ, Văn Toản và Thanh Bình đều là những nhân tố thường xuyên chơi ở V.League. Vậy mà sự non nớt về bản lĩnh thi đấu khiến cho họ mắc lỗi cũng như chưa được thi đấu thường xuyên ở cấp độ ĐTQG. Tương tự, Hoàng Anh, Việt Anh, Văn Xuân dù đã được chơi ở Hà Nội FC và Hồng Lĩnh Hà Tĩnh với mật độ trận đấu khá nhiều trong 2 năm trở lại đây nhưng cũng chưa có dịp để ra sân trong một trận chính thức cùng các đàn anh Công Phượng, Quang Hải, Hoàng Đức hay Ngọc Hải.
Khi những gương mặt trẻ U23 đã bắt đầu hiện diện nhiều ở V.League còn chưa có cơ hội đá cho ĐTQG thì những cầu thủ chỉ xuất hiện ở giải hạng Nhất như Văn Đạt, Văn Đô hay đặc biệt là Thanh Minh xem ra cũng chỉ có thể hít thở bầu không khí đội tuyển thông qua những trận đấu tập, chứ khó có thể nói họ sẽ lập tức tạo nên luồng gió mới cho đội tuyển Việt Nam hiện tại.
Rõ ràng, lứa cầu thủ U23 Việt Nam hiện tại đang ở hoàn cảnh khác với thế hệ ngay trước đó của những Quang Hải, Đình Trọng, Đức Chinh, Tiến Linh. Bởi ở thời điểm đó, ông Park đã quyết định thay máu lực lượng và quyết tâm xác định lấy thế hệ kể trên là nòng cốt. Nhưng bây giờ, mọi thứ đã khác so với thời điểm cuối năm 2017. Và các gương mặt U23 Việt Nam phải thật sự ưu tú mới có thể được lựa chọn lên tập trung ĐTQG Việt Nam, chứ chưa nói đến chuyện đã lập tức được ra sân thi đấu.
Dẫu sao, những Thanh Minh, Văn Đạt, Mạnh Dũng hay Thanh Bình, Văn Toản, Văn Xuân vẫn sẽ mới chỉ dừng lại là của để dành của ĐT Việt Nam. Bởi trong chiến lược xen canh gối vụ của ông Park Hang-seo, việc cấy thêm những hạt giống trong một thửa ruộng đã sai trĩu quả sẽ là một sự chuẩn bị tốt trong tương lai khoảng 4-5 năm nữa.
Nên nhớ, lứa 1999-2001 của các gương mặt kể trên sẽ là đầu tàu của niềm hy vọng đưa ĐT Việt Nam tham dự VCK World Cup 2026. Vậy nên, sự chuẩn bị ngay từ thời điểm này là một điều cần thiết mà HLV Park Hang-seo quyết định hướng đến cho bóng đá Việt Nam, trong bối cảnh chúng ta cũng đang có cơ hội được thi đấu ở những giải đấu với sức cạnh tranh hàng đầu như vòng loại World Cup 2022 hay AFF Cup 2020.
Hồ Thanh Minh và hành trình “khác người” đến ĐTQG Việt Nam
Thanh Minh là trường hợp bổ sung lên ĐTQG Việt Nam giờ chót của ông Park Hang-seo, sau khi anh có màn trình diễn tốt trong chiến thắng 1-0 của U23 Việt Nam trước U23 Myanmar ở vòng loại U23 châu Á 2022. Cần nhấn mạnh, Thanh Minh cũng không phải là một cầu thủ cứng cựa và được phát triển bóng đá chuyên nghiệp trong nhiều năm. Phải đến năm học lớp 12, tức là khi đã 17-18 tuổi, trong thời điểm bạn bè vẫn còn tất bật với việc sắp thi đại học thì Thanh Minh đã trốn gia đình xuống thành phố Huế để thi tuyển bóng đá. Cầu thủ dân tộc Tà Ôi sau đó cũng không được bố mẹ ủng hộ đi theo con đường bóng đá chuyên nghiệp. Bởi khi đó, gia đình muốn anh nối nghiệp cha mẹ làm Công an, thay vì nghiệp quần đùi áo số.
Cũng vì thế mà dù rất yêu thích bóng đá, nhưng trong một thời gian dài, Thanh Minh chỉ có thể đến với bóng chuyền hay điền kinh. Một chi tiết thú vị là Thanh Minh từng là cây đập tấn công xuất sắc của đội bóng chuyền A Lưới. Tháng 5/2017, Thanh Minh vẫn còn chơi bóng chuyền. Tại Ngày hội các dân tộc ít người Thừa Thiên-Huế, chính Hồ Thanh Minh đã góp công lớn trong chức vô địch của đội bóng chuyền nam huyện A Lưới. Rồi trước đó 2 tháng, Thanh Minh cũng xuất sắc giành Huy chương vàng ở nội dung chạy 100m nam, khi thi đấu cho Trường THPT Hương Lâm, huyện A Lưới.
Đơn Ca
Tiền đạo dân tộc Tà Ôi dùng kỹ năng bóng chuyền giúp U23 Việt Nam hạ U23 Myanmar |
Cầu thủ U23 Việt Nam chưa bỏ tật đá xấu: Cơn đau đầu của HLV Park Hang Seo |
Ngày đăng: 11:07 | 08/11/2021
/ cand.com.vn