Người ngoại tình; có hành vi loạn luân; ngược đãi cha mẹ; trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng… đều có nguy cơ bị phạt tù.
Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 dành riêng một chương quy định các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình gồm bảy điều (181-187).
Bộ Tư pháp cho hay bộ luật này đã hình sự hóa hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại (điều 187), chuyển hóa tội Đăng ký kết hôn trái pháp luật (điều 149 Bộ luật Hình sự 1999) thành tội Đăng ký hộ tịch trái pháp luật.
Luật mới cũng phi hình sự hóa với tội Tảo hôn (điều 148 Bộ luật Hình sự 1999) bởi xét về bản chất, tính nguy hiểm của hành vi này không cao, do đó chỉ cần xử lý hành chính. Bộ luật Hình sự 2015 chỉ xử lý người có hành vi Tổ chức tảo hôn.
Bộ luật còn cụ thể hóa một số tình tiết định tội. Ví dụ, tình tiết "gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại tội Vi phạm chế độ một vợ, một chồng đã được cụ thể hóa thành các hậu quả: làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn, làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát.
Bảy tội cụ thể như sau:
Điều 181: Cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện
Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn, duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
Điều 182: Vi phạm chế độ một vợ, một chồng
Người nào đang có vợ, chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, vợ thuộc một trong các trường hợp: làm cho quan hệ hôn nhân của một trong hai bên dẫn đến ly hôn, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát, đã có quyết định của tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Điều 183: Tổ chức tảo hôn
Người nào tổ chức việc lấy vợ, chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền 10-30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm.
Điều 184: Loạn luân
Người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù 1-5 năm.
Điều 185: Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình
Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp: thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp: đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu; đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo thì bị phạt tù 2-5 năm.
Điều 186: Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng
Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật nhưng từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Điều 187: Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại
Người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt tiền 50-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp: đối với hai người trở lên, phạm tội hai lần trở lên, lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức, tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù 1-5 năm:
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 10-50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm.
Đức Phật dạy về đời sống gia đình
Gia đình là một tổ chức nhỏ của xã hội, trong đó các thành viên giữ những vai trò, nhiệm vụ giống và khác nhau, ... |
Bí kíp giữ chồng thời... internet
Máy tính, điện thoại, internet ra đời khiến cho việc liên lạc của con người dễ dàng bao nhiêu thì nó cũng mang đến rất ... |
4 lợi ích tuyệt vời khi bạn kết hôn sớm
Kết hôn sớm không chỉ giúp ổn định cuộc sống mà còn có những lợi ích tuyệt vời sau đây. |
Ngày đăng: 21:00 | 30/11/2017
/ Vnexpress