Làm thế nào để đưa Nghị quyết Đảng vào cuộc sống? Yêu cầu này được đặt ra ngày càng cấp bách. Để ra được một Nghị quyết đã khó, nhưng làm thế nào để thực hiện được Nghị quyết còn khó khăn gấp nhiều lần. Trong 60 năm qua, những quyết sách đúng đắn, kịp thời của Đảng đã đưa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Đó cũng là bài học...
Chào cờ trên Giàn Hải Thạch-Mộc Tinh |
Bài 1: Sự chỉ đạo "thần tốc" đối với ngành Dầu khí
Cho đến bây giờ, các thế hệ đàn anh của Tập đoàn Dầu khí không thể quên được vào những ngày cuối năm 1975, những Anh bộ đội Cụ Hồ đã rời tay súng để xắn tay áo xây dựng một nền công nghiệp có những yêu cầu khắt khe nhất về mặt kỹ thuật và có tính đặc thù rất cao.
Trước hết xin nói rõ cụm từ "ngành dầu khí". Bấy lâu nay, chúng ta hay nói đến "ngành dầu khí" và không ít người hiểu rằng đây là nói về Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Thực ra không phải. Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 đã ghi rõ: "Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là doanh nghiệp chủ lực của ngành Dầu khí". Theo Nghị quyết 41 thì ngành Dầu khí bao gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, ngành xăng dầu Quân đội và Petrolimex.
Cho đến nay, nhiều cán bộ lão thành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), cùng các thế hệ cán bộ nhân viên đã tham gia xây dựng Tập đoàn từ những ngày đầu đến nay vẫn luôn nhớ, biết ơn đến Bác Hồ kính yêu, vì chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Liên Xô giúp đỡ xây dựng công nghiệp dầu mỏ sau khi nước nhà được thành lập, nhất là từ những năm 1959 và 1961...
Chính từ mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà trong những năm chiến tranh ác liệt, Đảng ta vẫn chú trọng xây dựng ngành dầu khí, sớm đưa cán bộ, sinh viên đi đào tạo, bồi dưỡng ở Liên Xô (trước đây), Rumani, Bungari. Được sự giúp đỡ chí tình chí nghĩa của Liên Xô và các nước anh em, chúng ta đã tiến hành tìm kiếm, thăm dò ở vùng đồng bằng Bắc bộ và đã phát hiện ra mỏ khí Tiền Hải, mở đầu cho ngành công nghiệp nước nhà.
Trước ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975), miền Bắc đã tiến hành tìm kiếm, thăm dò địa chất, thành lập Đoàn Thăm dò dầu lửa 36, sau đó chuyển thành Liên đoàn Địa chất 36 với sự giúp đỡ của Liên Xô.
Nhưng có một Nghị quyết ra đời "thần tốc", đặt tiền đề cho sự phát triển của PVN về sau này chính là Nghị quyết 244/NQ-TW về việc triển khai thăm dò dầu khí trên cả nước.
Trước đó, ngày 20/7/1975, Bộ Chính trị họp lần thứ nhất tại TP Hồ Chí Minh, đã xác định đường lối phát triển ngành dầu mỏ và khí đốt Việt Nam, trong đó vạch ra chính sách hợp tác với nước ngoài (quy định những nguyên tắc cơ bản về lựa chọn đối tượng hợp tác, hình thức hợp tác và địa bàn hợp tác). Nội dung hội nghị này đã được tổng kết thành Nghị quyết số 244-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Ngày 6/8/1975, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên bố xúc tiến việc tìm kiếm và khai thác dầu mỏ trên lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam, đồng thời mở cửa, sẵn sàng thảo luận với các chính phủ và các công ty nước ngoài muốn tham gia. Ngày 9/8/1975, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 244-NQ/TW về việc triển khai thăm dò dầu khí trên cả nước.
Ngay sau Nghị quyết số 244-NQ/TW, ngày 20/8/1975, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn Quyết nghị số 33-QN/QH/K5 thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam.
Hạ thủy chân đế giàn khoan |
Chưa đầy nửa tháng sau, ngày 3/9/1975, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định 170/CP về việc thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của ngành Dầu khí Việt Nam, chấm dứt thời kỳ hoạt động của các tổ chức riêng rẽ thuộc Tổng cục Địa chất, Tổng cục Hóa chất… Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam là tổ chức nhà nước đầu tiên quản lý một ngành kinh tế kỹ thuật thống nhất trong cả nước. Nghị định 170/CP có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển ngành Dầu khí non trẻ của Việt Nam. Từ đó, hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí được triển khai mạnh mẽ ở cả miền Bắc, miền Nam, thềm lục địa phía Nam và chúng ta đã có nhiều phát hiện dầu khí ở cả trên đất liền và ở thềm lục địa.
Xin đưa lại một số sự kiện quan trọng đối với ngành Dầu khí để thấy rằng: Trong lúc đất nước còn bộn bề công việc sau chiến tranh, Đảng ta đã tính đến việc xây dựng và phát triển kinh tế, tập trung ngay lập tức vào tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí.
Trong Nghị quyết đầu tiên về ngành Dầu khí (Nghị quyết 244/NQ-TW) về việc thành lập Tổng cục đã nêu rõ: "Nhanh chóng hình thành một nền công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, bao gồm cả thăm dò, khai thác, vận chuyển, lọc dầu, hóa dầu, cơ khí phục vụ ngành dầu khí…".
Với tầm nhìn xa, Nghị quyết còn khẳng định: "Trong quá trình hợp tác, chúng ta phải giữ vững chủ quyền quốc gia, giữ vững độc lập tự chủ, nhanh chóng tăng cường tiềm lực của mình, tiến tới tự lực ở mức cao nhất có thể. Với vị trí chính trị của Việt Nam hiện nay, chúng ta có thể hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa, với các nước tư bản và các nước thuộc "thế giới thứ ba"…
Cho đến bây giờ, các thế hệ đàn anh của Tập đoàn Dầu khí không thể quên được vào những ngày cuối năm 1975, những Anh bộ đội Cụ Hồ đã rời tay súng để xắn tay áo xây dựng một nền công nghiệp có những yêu cầu khắt khe nhất về mặt kỹ thuật và có tính đặc thù rất cao.
Khi đó, những người lính vốn kiến thức về dầu khí hầu như chẳng có gì, nghề về dầu khí cũng hoàn toàn chẳng có, ấy thế mà họ đã xây dựng những khu căn cứ dịch vụ cho ngành Dầu khí, đã xông ra biển để tìm kiếm thăm dò và họ đã tranh thủ từng ngày từng giờ để học hỏi ở các chuyên gia nước ngoài; thậm chí còn nghĩ mưu nghĩ kế để "học lỏm" cách làm của chuyên gia. Đó là sự hy sinh của người Dầu khí chỉ để nhanh nhất đuổi theo các cường quốc dầu khí, để học được cách chuyển tài nguyên dầu khí thành năng lượng phát triển kinh tế đất nước.
Sự ra đời của Nghị quyết này trong thời gian cực kỳ ngắn. Và Nghị quyết vẫn giữ nguyên giá trị cho tới hôm nay, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt toàn bộ hoạt động ngành Dầu khí. Điều này, chỉ có thể giải thích được rằng: Đây là nghị quyết của những bộ óc tài năng, mạnh mẽ và quyết đoán.
Việc ra đời Nghị quyết chắc chắn chỉ là thể hiện quan điểm, chủ trương có tính chiến lược của một số ít người, ngoài Bộ Chính trị thì chỉ có một số cực ít cán bộ dầu khí tham gia. (Nhiều cán bộ lão thành của ngành dầu khí cho biết lúc ấy chỉ có 3 người được tham gia soạn thảo Nghị quyết 244).
Ra được Nghị quyết đã không đơn giản. Nhưng để Nghị quyết đi vào cuộc sống còn khó khăn hơn nhiều.
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 244, Đảng đã cử những tướng lĩnh tài năng cùng với một lực lượng lớn bộ đội về xây dựng những cơ sở đầu tiên cho ngành Dầu khí. Ngày 23/9/1975, trọng trách Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt được giao cho ông Nguyễn Văn Biên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Ngày 3/7/1976, phiên họp thứ nhất của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã thông qua thành phần Chính phủ của đất nước Việt Nam thống nhất, trong đó có chức vụ Bộ trưởng phụ trách về dầu khí. Quyết định này góp phần đáng kể trong việc nâng cao vị thế của ngành công nghiệp mới và nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành Dầu khí. Trong đội ngũ lãnh đạo Chính phủ mới cùng lúc có thêm 6 vị tướng. Nhờ có những quân nhân với kinh nghiệm dày dạn trong chiến đấu và quản lý hành chính, ngành Dầu khí của đất nước được củng cố đáng kể. Bộ trưởng đầu tiên phụ trách vấn đề dầu khí là cựu Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Thiếu tướng Đinh Đức Thiện. Các chuyên gia hóa học quân sự, cán bộ hậu cần, các kỹ sư xây dựng cũng được điều động về làm việc cho ngành công nghiệp mới.
Kết nạp Đảng trên Giàn công nghệ Trung tâm của Vietsovpretro. |
Trong các ngày từ 27 tới 31/10/1975, phái đoàn các cán bộ Đảng và Chính phủ ta do Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn đã sang thăm Liên Xô. Mátxcơva tiếp đón các đại diện của Việt Nam như những người anh hùng. Những người tham gia sự kiện này nhớ lại, chưa bao giờ một sự kiện chính thức lại diễn ra trong bầu không khí long trọng nhưng cũng thoải mái và thân mật đến thế. Ngày 30/10/1975, hai vị lãnh đạo L.I.Brezhnev và Lê Duẩn đã ký một văn kiện hết sức quan trọng, đó là bản Tuyên bố của hai nước Liên Xô và Việt Nam, trong đó liệt kê những quan điểm chung của các bên về tất cả các khía cạnh của quan hệ Việt - Xô, gần như thống nhất hoàn toàn.
Những quyết sách "thần tốc" này đã làm bật dậy những khát vọng “tìm dầu để làm giàu cho Tổ quốc" của người dầu khí. Và chính khát vọng này là động lực quan trọng để người dầu khí vượt qua muôn vàn khó khăn để xây dựng nên một Tập đoàn Dầu khí hùng mạnh, là đơn vị kinh tế chủ lực cho nước nhà cho ngày hôm nay.
Gần đây, mỗi khi có một nghị quyết mới ra đời, chúng ta luôn nêu yêu cầu "phải làm thế nào để đưa Nghị quyết vào cuộc sống nhanh nhất, hiệu quả nhất". Thiết nghĩ, tư duy đổi mới, nhiều khi lại chính là học lại những gì thế hệ cha ông đã làm.
Sau này, những nghị quyết về ngành Dầu khí như Nghị quyết số 15-NQ/TW, Kết luận 41-KL/TW của Bộ chính trị, Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 2015 là sự kế thừa và phát triển của Nghị quyết 244.
Như Khuê
(Còn tiếp)
Lịch sử PVN qua ký sự Hành trình người đi tìm lửa
Ký sự "Hành trình người đi tìm lửa" sẽ cho khán giả thấy được quá trình đầy gian khó của các thế hệ người lao ... |
Chuyện sinh hoạt đảng ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
Do điều kiện làm việc phân tán, độc lập, một số đơn vị liên doanh với nước ngoài, nhiều tổ chức đảng ở Tập đoàn ... |
Giải bài toán sản lượng khai thác Dầu khí
Từ năm 2015 đến nay, sản lượng khai thác thực tế cũng như kế hoạch khai thác dầu khí trong nước liên tục sụt giảm, ... |
Ngày đăng: 17:41 | 08/11/2021
/ dangcongsan.vn