Theo nghiên cứu của Hà Lan, ĐBSCL hiện chỉ cao hơn mực nước biển khoảng 0,8m và với tốc độ lún hiện nay, khoảng cách này sẽ bị xóa chỉ trong 57 năm.
Mới đây, Tạp chí khoa học Nature Communications trích dẫn thông tin nhóm nghiên cứu của Đại học Utrecht, Hà Lan cảnh báo rằng tốc độ chìm của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cao hơn nhiều so với dự báo.
Nghiên cứu này cho thấy, khu vực ĐBSCL hiện có độ cao trung bình cực thấp, chỉ cao hơn mực nước biển khoảng 0,8m (so với mức 2,6m theo công bố hiện tại).
Với tốc độ chìm hiện nay, khoảng cách 0,8m này sẽ bị nước biển "xóa" đi chỉ trong 57 năm tới, có nghĩa là số người dân chịu ảnh hưởng của nước biển dâng ở ĐBSCL tăng gấp đôi so với dự báo trước đó (nhóm khoa học Hà Lan ước tính 12 triệu người).
Các chuyên gia thủy lợi cho rằng, sụt lún là vấn đề rất đáng lo ngại của ĐBSCL hiện nay. |
Nhiều vị trí lún 2 - 4cm mỗi năm
Trả lời VTC News, PGS,TS Trần Bá Hoằng (Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam) cho biết, tình trạng lún khu vực ĐBSCL trong thời gian qua đã được nhiều tổ chức nghiên cứu như: Viện địa chất Nauy, nhóm của Laura Eban (Đại học Stanford), Minderhoud và cộng sự (Hà Lan, trong dự án RISE and FALL); Bộ Tài nguyên và môi trường (TN&MT).
“Các nghiên cứu và thực nghiệm đều khẳng định ĐBSCL đã và đang bị lún. Các điểm quan trắc được ghi nhận tại tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Cần Thơ có nhiều vị trí với tốc độ lún khoảng 2-4cm/năm, các khu vực khác trên ĐBSCL lún phổ biến từ 0,1-2cm/năm".
"Theo kết quả phân tích bản đồ cao độ số của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ĐBSCL có đến 2,456 triệu ha đất có cao độ dưới 1m, 1,296 triệu ha có cao độ từ 1-2m và có khoảng 243 nghìn ha có cao độ hơn 2m”, PGS,TS Trần Bá Hoằng phân tích.
Tốc độ nước dâng này được xem là còn chậm hơn so với tốc độ lún quan trắc được tại một số nơi ở Cà Mau, Sóc Trăng và Cần Thơ.
Theo ông, lũy tích nước biển dâng và lún sụt đất có thể khiến mức ngập lụt ở các vùng ven biển gia tăng, đặc biệt là vùng Bán đảo Cà Mau; tác động lớn đến hệ thống thủy lợi, xâm nhập mặn sâu vào nội đồng, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nhà cửa và các cơ sở hạ tầng trong khu vực.
GS,TS Đào Xuân Học (Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam) cho rằng cảnh báo của Hà Lan là rất đáng quan tâm.
“Không chỉ dự báo mới này, mà ngay cả dự báo cũ thì đây cũng là vấn đề rất lớn của Việt Nam. Hiện nay, do hiện tượng biến đổi khí hậu, tốc độ chìm của ĐBSCL cao hơn rất nhiều so với dự báo. Dự báo trước đây, đến năm 2100 thì 2/3 diện tích đồng bằng ngập trong nước biển. Bây giờ, tốc độ chìm cao hơn thì sẽ nghiêm trọng hơn", GS Đào Xuân Học phân tích.
GS Đào Xuân Học cho rằng, đối với Việt Nam, vấn đề nghiêm trọng hơn rất nhiều đó là tốc độ lún đất của ĐBSCL. TP.HCM ngày càng bị ngập cũng là do bị lún đất. Trận lũ năm 2011 khiến 50% diện tích Cần Thơ bị ngập, nếu giờ đây với trận lũ tương tự thì có đến 80% diện tích Cần Thơ chìm trong nước.
Còn GS,TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, cho rằng số liệu cơ quan nghiên cứu Hà Lan cảnh báo có sự nghiên cứu rất kỹ, thông tin đưa ra là đáng tin cậy.
Do đó, cảnh báo trên rất đáng quan ngại bởi thực tế hiện nay lượng bồi tích ở ĐBSCL không ra biển được, tốc độ phát triển, đô thị hóa cao quá mức. Vì thế, việc sụt lún là hoàn toàn đúng, là câu chuyện trước mắt.
Vì sao sụt lún gia tăng?
PGS,TS Trần Bá Hoằng nhấn mạnh 3 nguyên nhân chính gây sụt lún ở ĐBSCL là khai thác nước ngầm quá mức; địa chất nền yếu đang trong quá trình cố kết; gia tăng tải trọng (do đô thị hóa, xây dựng hạ tầng). Những khu vực khai thác nước ngầm lớn như Cà Mau, Sóc Trăng và Cần Thơ đều có tốc độ lún nhanh hơn các khu vực khác tại ĐBSCL.
GS, TS Vũ Trọng Hồng cho biết các chuyên gia Hà Lan khi sang Việt Nam cũng nhấn mạnh đến sự phát triển không bền vững, nguy cơ đô thị hóa, bê tông hóa ở ĐBSCL. Trước đây, khi sang giúp Bộ Thủy lợi làm đê, chuyên gia Hà Lan đề nghị hạn chế làm bê tông để đất và cỏ còn thấm nước.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi cũng chỉ ra rằng, ĐBSCL đang phát triển nóng quá mức, chú trọng xây dựng các đô thị, các công trình, đường bê tông… làm tăng tải trọng lên nền đất, trong khi nền đất lại yếu, dẫn đến tình trạng ĐBSCL bị sụt lún.
Phân tích thêm về nguyên nhân sụt lún, GS, TS Vũ Trọng Hồng cho biết biển cần bồi tích để tạo cho ĐBSCL cái chân, trong khi lượng bồi tích ở ĐBSCL hiện bị vùng nội địa lấy hết
“Tức là chúng ta đào, lập những bờ bao, khoanh vùng dân cư, tạo bồi để trồng lúa nên phù sa bị giữ lại ở nội đồng, không ra được biển. Đối với Hà Lan, đây là điều cấm kỵ bởi nếu chất bồi tích không ra được biển có nghĩa là đồng bằng không phát triển, không phát triển thì bị sóng biển lấn".
"Hà Lan muốn tiến ra biển, họ gây bồi trước. Người ta trồng cây, thả những vật cản xuống nước để cho có phù sa ở chân ven biển đọng vào đấy. Còn Việt Nam không làm gì, phù sa không ra biển, không tổ chức gây bồi”, GS, TS Vũ Trọng Hồng cho hay.
Theo GS, TS Đào Xuân Học, ngoài tình trạng khai thác nước ngầm quá mức, sụt lún còn do tổng hợp nhiều nguyên nhân khác, đất đồng bằng mới thì bao giờ cũng có lún, hạ tầng phát triển cũng tạo thêm lún…
Chuyên gia hiến kế giảm sụt lún
Tốc độ lún ở ĐBSCL diễn ra nhanh, đáng quan ngại hơn rất nhiều tốc độ nước biển dâng.
PGS, TS Trần Bá Hoằng
Để giảm tốc độ chìm của ĐBSCL, ông Hoằng khuyến cáo hạn chế tối đa việc khai thác nước ngầm, chú trọng đầu tư phát triển công trình thủy lợi cấp nước, chuyển nguồn nước mặt đến các vùng khó khăn, ven biển để thay thế nguồn khai thác nước ngầm phục các nhu cầu sử dụng khác nhau (nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, công nghiệp và nước sinh hoạt).
“Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sống thích nghi, hạn chế sử dụng nước ngọt ở vùng khan hiếm cũng là giải pháp góp phần hạn chế khai thác nước ngầm nhằm hạn chế lún sụt đất nền…
Ngoài ra, cần có nghiên cứu về các tác động của lún sụt đất nền đến thủy văn dòng chảy, hạ tầng thủy lợi, hạ tầng giao thông, sản xuất… trên đồng bằng, làm cơ sở đề xuất Chính phủ triển khai các giải pháp hợp lý để giảm thiểu rủi ro, tác động do lún sụt đất gây ra", PGS, TS Trần Bá Hoằng nói.
Còn GS, TS Vũ Trọng Hồng cho rằng, cần nghiên cứu các giải pháp đồng bộ, mang tính tổng thể, trong đó chú trọng giải pháp gây bồi, có quy hoạch phát triển bề mặt theo hướng phát triển hệ sịnh thái.
Thứ nhất, ông Hồng cho rằng cần thực hiện chiến lược gây bồi cho ĐBSCL, đưa được lượng bồi tích của sông Mê Công, sông Cửu Long ra ngoài ven biển. Bởi vì không có phù sa thì không bồi tích được. Phù sa là sét, trọng lượng sét nặng sẽ giúp giữ chân các vùng đất đó không bị thoải, xây dựng không bị lún. Nếu không thực hiện được việc này thì dần dần ĐBSCL sẽ bị nước biển bao trùm.
Vị chuyên gia này đề nghị cần tính toán lại phát triển trên bề mặt, với mục tiêu giảm trọng lượng cho nền đất ở ĐBSCL bằng cách chú trọng phát triển hệ sinh thái là chính; phát triển các khu đô thị nhưng không xây nhiều nhà cao tầng, không làm nhiều đường bê tông… bởi lẽ phát triển giao thông đường bộ, xây dựng nhiều công trình thì sẽ tăng độ lún cho ĐBSCL.
Thứ ba cần tạo điều kiện cho ĐBSCL gây bồi bằng cách đưa những khối bê tông ra khu vực ven biển, để phù sa ra bồi tích tự nhiên, đồng thời trồng nhiều cây, sú vẹt trên toàn bộ ĐBSCL.
Ngoài ra, ông Hồng khuyến nghị cần tổ chức lại các khu dân cư theo hướng phân bố mật độ hợp lý, giữ cho đồng bằng không bị quá tải ở một khu nào đó, trong đó đối với vùng đất yếu thì dừng, không cho xây dựng; có phương án chống sóng biển, bảo vệ đê biển.
Cũng bàn về vấn đề này, GS Đào Xuân Học nhấn mạnh, nếu Chính phủ không có sự quan tâm, có giải pháp tổng thể, dài hạn và có bước đi đúng đắn thì vấn đề sụt lún ở ĐBSCL là đáng quan ngại.
Trăn trở với Đồng bằng sông Cửu Long |
Trong 5 ngày tới, lũ sông Mekong sẽ về đến đồng bằng sông Cửu Long |
Sụt lún nhấn chìm 9 căn nhà xuống sông ở Sóc Trăng |
Ngày đăng: 15:17 | 08/09/2019
/ vtc.vn