Tối 16/9, một số thông tin đề cập đến việc 6 vận động viên của Việt Nam có kết quả bất lợi với mẫu A (được hiểu là nghi dương tính) với doping trong giai đoạn thi đấu ở SEA Games 2021. Những nguồn tin tiếp theo cho thấy ít nhất 2 VĐV trong nhóm này có liên quan đến điền kinh và hoạt chất giảm cân.
Nín thở chờ kết quả xét nghiệm mẫu B
Tại SEA Games 31, Ban tổ chức đại hội đã tiến hành kiểm tra doping (chất cấm) ngẫu nhiên với gần 1.000 vận động viên của 11 đoàn thể thao. Các vận động viên được chọn kiểm tra doping dựa trên hai yếu tố: Thành tích thi đấu và nguy cơ trong việc sử dụng doping. Quy trình lấy mẫu kiểm tra doping là một quy trình duy nhất làm theo quy chuẩn của Tổ chức phòng chống doping thế giới (WADA) và tất cả các liên đoàn, các tổ chức phòng, chống doping quốc gia phải thực hiện đúng theo quy trình đó.
Theo quy trình, những người lấy mẫu đều là những người phải được tập huấn và phải có giấy chứng nhận lấy mẫu kiểm tra. Thứ hai là toàn bộ khu vực lấy mẫu bố trí đảm bảo theo yêu cầu chung của WADA. Việc này không có ngoại lệ cho bất kỳ tổ chức riêng nào cả. Tất cả là áp dụng chung một quy trình chuẩn.
Sau khi lấy mẫu kiểm tra, mẫu thu xong được đóng vào bộ kit đựng nước tiểu và niêm phong. Sau đó mẫu được vận chuyển đi sang phòng lab. Và vừa rồi tại SEA Games 31 thì mẫu test được đưa sang phòng lab tại Thái Lan.
Về đảm bảo yêu cầu của quá trình lấy mẫu thì cán bộ lấy mẫu chỉ hướng dẫn và giám sát vận động viên. Còn toàn bộ quy trình lấy mẫu từ việc cho nước tiểu vào trong 2 cái lọ (mẫu A, mẫu B), việc niêm phong là tự tay vận động viên làm, không có ai làm thay và không có ai được tác động được. Mỗi khi mà gửi đến phòng xét nghiệm thì tiến hành kiểm tra và sẽ không biết đấy là mẫu ứng với vận động viên nào. Phòng xét nghiệm sẽ chỉ trả lời kết quả cho mã số được ghi ở trên bộ kit, đảm bảo hoàn toàn chắc chắn 100% là không ai có thể thay đổi mẫu sau khi vận động viên đã đóng niêm phong. Bởi vì vận động viên khi đóng niêm phong lọ ấy lại thì cũng không thể mở được ấy.
Thực ra kết quả doping thì có thể có rất sớm chứ không phải là bây giờ mới có kết quả. Bởi vì đi kèm với nó thì còn có rất nhiều các cái quy trình khác để mà mà có thể công bố cái cái kết quả. Hiện tại cũng chưa thể nói đó là trường hợp dương tính bởi chúng tôi chỉ gọi là trường hợp có kết quả bất lợi của mẫu A. Sau khi có kết quả mẫu A, vận động viên đang có quyền tiếp theo là mở mẫu B và đây sẽ là cái mẫu mà vận động viên sẽ tự chi trả, tự mình giám sát cái quá trình mở mẫu và thậm chí là chỉ định phòng lab xét nghiệm, chứ không phải là nhất thiết phải làm ở cái phòng xét nghiệm trước đó.
Khi đã mở mẫu B thì kết quả mẫu B đó mới là cái kết quả cuối cùng. Nhưng khi mẫu B có kết quả khác với mẫu A thì mẫu B mặc nhiên được công nhận, vì đã mở mẫu B thì đó là mẫu cuối cùng. Trở lại với Việt Nam, tối 14/9, các thông tin cho biết 6 vận động viên Việt Nam dự SEA Games 2021 có kết quả xét nghiệm mẫu A dương tính với doping. Theo quy trình, 6 vận động viên này phải tự chuẩn bị về mặt chi phí để yêu cầu phía bên xét nghiệm doping kiểm tra tiếp tục mẫu B của mình. Trong trường hợp mẫu B tiếp tục cho ra kết quả dương tính, VĐV sẽ phải đối mặt với án phạt nặng đến từ liên đoàn phụ trách bộ môn tương ứng.
Xử phạt các trường hợp dương tính với doping thế nào?
Cho đến thời điểm này, kết quả xét nghiệm mẫu B chưa công bố. Chính vì thế mà danh tính các VĐV Việt Nam có liên quan đến vụ việc này chưa thể công bố theo quy trình. Tuy nhiên theo nguồn tin có được, tỷ lệ tỷ lệ dương tính của mẫu B với các VĐV có liên quan kể trên là rất cao. Được biết, ít nhất 2 VĐV của Việt Nam bị nghi dương tính với doping đến từ điền kinh. Trước đó vào tháng 4 vừa qua, 6 VĐV đội thể hình Việt Nam bị phát hiện dùng doping đã bị gạt khỏi danh sách đội dự SEA Games 31.
Ngoài ra theo tìm hiểu, loại chất cấm mà VĐV Việt Nam dùng có thể liên quan đến thuốc giảm cân. Trong danh sách các chất bị coi là doping có loại thuốc liên quan tác dụng giảm cân, nhằm giúp cơ thểvận động viên trở nên nhẹ nhàng hơn, thực hiện các động tác thể thao dễ dàng hơn và cũng dễ có thành tích cao hơn. Dù là lỗi vô tình hay cố ý thì các VĐV vi phạm cũng đều bị phạt rất nặng. Hình thức xử lý đầu tiên sẽ là Ban tổ chức sẽ tước huy chương đại hội, đôn những VĐV ở các vị trí tiếp theo trám vào chỗ các VĐV bị dính doping. Sau đó, các VĐV có thể sẽ bị cấm thi đấu ít nhất từ 1 đến 3 năm hoặc có thể vĩnh viễn. Hiện có thông tin VĐV do thiếu hiểu biết, sử dụng thuốc trong quá trình tập luyện dẫn đến dương tính với chất cấm. Đây là điều rất đáng tiếc bởi theo một cựu VĐV nổi tiếng ở môn điền kinh, VĐV luôn được hướng dẫn kỹ về vấn đề này, đặc biệt các VĐV chuyên nghiệp.
Trong lịch sử, thể thao Việt Nam ghi nhận 19 trường hợp dính doping kể từ SEA Games 2003. Trong đó có một số ca điển hình như Á quân Olympic Hoàng Anh Tuấn hay "công chúa" thể dục dụng cụ Đỗ Thị Ngân Thương... Đa số các trường hợp này đều xuất phát từ việc thiếu kiến thức và kỹ năng phòng chống doping ở mức tối thiểu, bởi các loại thuốc họ sử dụng đều quá dễ bị phát hiện như thuốc lợi tiểu hay hỗ trợ năng lực đàn ông. Riêng SEA Games 2003 - kỳ đại hội đầu tiên tổ chức ở Việt Nam, nước chủ nhà ghi nhận bốn trường hợp dính doping. Trong đó có ba VĐV giành HCV và một VĐV giành HCB.
Chuẩn bị có án phạt cho 6 tuyển thủ thể hình dính doping trước SEA Games 31, hình thức kỷ luật cũng sắp sửa được công bố và tiến hành. Hiện tại, Liên đoàn cử tạ thể hình vẫn chờ ý kiến chính thức từ Tổng cục TDTT về việc xử lý kỷ luật với 6 VĐV thể hình dính doping. Khi đó Ủy ban kỷ luật của Liên đoàn cử tạ-thể hình mới nhóm họp và đưa ra mức kỷ luật cụ thể. Do các tuyển thủ thể hình bị phát hiện dính doping trước SEA Games 31 và bị loại nên cũng được xem xét ở án phạt vừa đủ răn đe vừa trao cơ hội làm lại bởi 6 tuyển thủ này đều từng có HCV thế giới hoặc châu Á.
Ngày đăng: 08:08 | 16/09/2022
An Khánh / CAND