Nói ra không ai tin. Một thành phố vì hòa bình đang còn tới 55 ngàn bếp than tổ ong sáng sáng chiều chiều tỏa khói. Còn tới 43.400 chiếc xe máy niên hạn 30 năm, thậm chí, 10.500 chiếc trên 40 năm, vẫn phành phạch trên đường như những “bát hương đi động”.

Đây là một chiếc xe người dân vẫn còn gặp trên phố. Nó là một đống rác? Hay là một bát hương di động? Ảnh: VOV

Hà Nội từng có những chiến dịch thu giữ những chiếc xe máy “đồng nát”. Việc đó có cơ sở, được sự ủng hộ của người dân khi mà bằng mắt, bằng mũi, bằng cả sự khó chịu bức xúc người dân phải chứng kiến, phải chịu đựng những “bát hương di động” trên phố.

Nói “bát hương di động” đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bởi tại Hà Nội và TP HCM, xe máy đang chiếm 95% về số lượng phương tiện. Dù chỉ tiêu thụ 56% xăng nhưng lại thải ra 94% hydro cácbon (HC); 87% cácbon ôxít (CO); 57% ôxít nitơ (NOx)...

Trong số 560.000 ôtô và và 5,5 triệu xe máy thì số xe máy hết hạn sử dụng lên tới 2,5 triệu chiếc. Thậm chí, có tới 43.400 chiếc niên hạn 30 năm; 10.500 chiếc có “niên đại” 40 năm có trên 10.500 xe. Thậm chí 50 năm cũng còn gần 480 chiếc.

Không ngẫu nhiên, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung từng nói về ô nhiễm ở mức “báo động đỏ” mà nặng nề nhất là từ nguồn xả thải của xe máy và ôtô

Không phải là chỉ có thể cảm nhận khi đã ô nhiễm nghiêm trọng, hàng ngày, bằng mắt thường người dân có thể nhìn thấy ô nhiễm.

Ô nhiễm từ ôtô xe máy với một “mật độ cá hộp”. Ô nhiễm từ các nhà máy thuốc lá, cao su, và cả bóng đèn phích nước. Ô nhiễm cả ở những bếp than tổ ong.

Có thể bạn không tin, nhưng năm ngoái, Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội đưa ra một thống kê không tin nổi: Toàn thành phố hiện còn tới 55.000 bếp than tổ ong.

Chúng ta không chỉ phải chịu đựng khói than với kẻ sát nhân thầm lặng oxit cacbon rất khó chịu mỗi sáng sáng chiều chiều, mà khảo sát còn cho biết bình quân mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ khoảng 528 tấn than, phát thải khoảng gần 2.000 tấn khí CO2 vào bầu không khí.

Hôm kia, hôm qua, và cả hôm nay nữa, Hà Nội đang ô nhiễm nặng nề với “một màu tím ngắt”. Và một số trường học đang tạm dừng các hoạt động ngoài trời để bảo vệ sức khỏe học sinh.

Nhưng kêu than để mà làm gì khi có khi chính chúng ta cũng đang góp phần tạo ô nhiễm cho thành phố, chính chúng ta đang tự đầu độc chúng ta.

Ô nhiễm sẽ bớt hơn rất nhiều nếu hôm nay dừng được thêm 1 chiếc bếp than tổ ong, để hàng xóm, để đồng bào không phải đóng cửa bịt mũi.

Ô nhiễm sẽ bớt “tím ngắt” hơn nếu hôm nay chúng ta thôi, không vác “bát hương di động” ra đường để “giết đồng bào, và cũng là giết chính mình.

Nếu chỉ ở đó mà kêu la thì cũng có nghĩa gì đâu.

 

Ngày đăng: 20:05 | 30/09/2019

/ laodong.vn