Việc đột ngột chấm dứt hợp đồng do dôi dư khiến giáo viên (GV) phản ứng dữ dội là chuyện không hề mới. Thế nhưng, hết địa phương này tới địa phương khác dù “sợi dây kinh nghiệm” cứ dài mãi nhưng đâu vẫn hoàn đấy.
Còn nhớ cách đây không lâu, cuối năm 2016, Báo Lao Động từng phản ánh sự việc gần 1.000 GV, nhân viên nhà trường ở 2 huyện Vĩnh Lộc và Yên Định (Thanh Hóa) bị kết thúc hợp đồng đột ngột, rơi vào tình cảnh thất nghiệp. Có những GV hàng chục năm đứng trên bục giảng nay bỗng dưng thất nghiệp. Cuộc sống vốn đã khó khăn, nay lại càng khó khăn hơn. Thậm chí có những gia đình điêu đứng khi vợ và chồng cùng mất việc một ngày.
Nguyên nhân từ việc lợi dụng Quyết định 685/2007/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa, một số chủ tịch UBND cấp huyện đã thả cửa ký HĐLĐ với các GV mà không quan tâm đến việc thừa thiếu, cứ ký xong “ấn” xuống trường.
Chưa kể, theo điều tra từ phóng viên Báo Lao Động, không ít trường hợp tuyển dụng GV tại địa bàn không thông qua tổ chức thi tuyển, xét tuyển mà chủ yếu thông qua đường “cơm rượu, tình cảm”.
Không chỉ có thế, việc điều chuyển từ "chỗ thừa" về "nơi thiếu", nhiều GV dạy các cấp phổ thông đã bị điều động dạy trẻ mầm non mà không có chuyên môn giảng dạy của tỉnh này cũng tốn nhiều giấy mực của báo chí.
Hay mới đây, giữa năm 2017, 104 GV hợp đồng theo tiết dạy nhiều năm trong các trường THPT ở Quảng Nam có nguy cơ mất việc sau thi tuyển viên chức cũng dấy lên những lo ngại về tình trạng “vắt chanh bỏ vỏ”.
Liệu rằng hàng trăm con người đó biết làm gì khi họ đã bỏ cả tuổi xuân của mình để hợp đồng giảng dạy? Trong khi, nhiều GV xin ra khỏi biên chế vì lương quá thấp thì vẫn có họ vẫn nhẫn nhục hàng chục năm đứng lớp với thu nhập chỉ hơn triệu/tháng, không bảo hiểm, không chế độ. Họ mang theo ước nguyện chờ ngày thi công chức, vào biên chế thì bỗng nhiên nhận thông báo chấm dứt hợp đồng với lý do học sinh giảm, lớp giảm nên phải cắt hợp đồng GV dư thừa hay không có vị trí việc làm... Có mấy nơi sẽ nhận họ vào làm việc, kể cả chỉ là công nhân khi mà họ đã vào độ tuổi ngoài 30, thậm chí ngoài 40?
Trở lại câu chuyện hơn 500 GV có nguy cơ mất việc tại tỉnh Đắk Lắk, PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng thốt lên xót xa: Dù thế nào đi nữa, việc đột ngột cho tạm dừng hợp đồng với số lượng lớn GV như vậy sẽ gây nên sự xáo trộn không nhỏ. Rõ ràng, các vị không thể “đem con bỏ chợ”.
Còn PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT nhấn mạnh: Chúng ta không thể áp dụng theo kiểu “vắt chanh bỏ vỏ” lúc cần thì ký, không cần thì thôi, như thế, có vẻ cũng “cạn tàu ráo máng”, còn ai dám vào sư phạm nữa?
Qua mỗi sự việc, có lẽ từ được nhắc đến nhiều nhất là “rút kinh nghiệm”, thế nhưng, sợi dây đó vẫn cứ mãi kéo dài...
Chưa phát hiện "chạy chọt" trong tuyển dụng gần 600 giáo viên dôi dư (?!)
Theo lãnh đạo UBND huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, đến nay chưa nhận được bất kỳ phản ánh nào về việc "chạy chọt" để ... |
Hàng trăm giáo viên bị chấm dứt hợp đồng: \'Chạy\' tiền để được đi dạy?
Các giáo viên tại huyện Krông Pắk, Đắk Lắk, phản ánh để được đi dạy, họ phải bỏ hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu ... |
Ngày đăng: 08:41 | 13/03/2018
/ https://laodong.vn