Vì chưa được thông quan, nhiều doanh nghiệp phải tốn hàng trăm triệu đồng để trả phí lưu container và bãi.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong vòng 13 ngày sau khi Cục Thú y ra văn bản điều chỉnh việc kiểm dịch nguyên liệu thủy sản nhập khẩu từ tàu đánh bắt được đóng container tại cảng trung chuyển nước ngoài, gần 50 container hàng hải sản vận chuyển về Việt Nam (chủ yếu là cá ngừ) không có được giấy chứng nhận kiểm dịch (H/C). Do đó, hàng của 6 doanh nghiệp hải sản thuộc VASEP đang bị ách tại cảng.

VASEP cho hay, 10 năm qua đặc thù dòng hàng này là "cá tàu" không có giấy H/C trong hồ sơ yêu cầu vẫn nhập khẩu bình thường, nhưng nay lại bắt buộc có. Ngoài số container ách tại cảng, ước tính có gần 200 container đang trên đường về cảng trong tháng 11 và tháng 12.

Theo phản ánh của Amanda Foods, trước tình trạng ùn tắc hàng ở cảng và sản xuất ngưng trệ, công ty này đã báo ngay tình hình với khách hàng, đồng thời giảm nhập khẩu. Tính riêng tháng 11/2018, công ty đã giảm 25% so với kế hoạch sản xuất.

Công ty TNHH Hải Vương, đơn vị xuất khẩu cá ngừ lớn nhất Việt Nam cho hay, đã cố gắng thu mua cá ngừ ở khắp vùng biển trong nước nhưng sản lượng nguyên liệu không đủ cho sản xuất. Do đó, trung bình mỗi tháng, công ty phải nhập 220 container cá ngừ. Tuy nhiên, trước tình hình này, công ty đang tính tới việc buộc phải hoãn 280 container cá ngừ, tương đương khoảng 7.000 tấn (đã ký hợp đồng cho đơn hàng tháng 12).

Cùng với hai công ty trên, hàng loạt doanh nghiệp khác cũng đã hoãn lại vài chục container hải sản về Việt Nam, một số khác thì ngưng ký hợp đồng với đối tác.

Trước đó, ngày 24/9, Cục Thú y đã gửi Công văn tới các Chi cục Thú y vùng về việc kiểm dịch nhập sản phẩm động vật thủy sản làm nguyên liệu gia công xuất khẩu từ tàu đánh bắt nước ngoài. Sau khi nhận văn bản này, các Chi cục địa phương ngưng kiểm dịch các lô hàng "cá tàu" không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Yêu cầu này đã khiến các doanh nghiệp gặp khó buộc phải nằm lưu bãi tại cảng trong 3 tuần hoặc là ngưng nhập khẩu. Theo tính toán sơ bộ, số tiền thiệt hại của chỉ 3 doanh nghiệp hội viên VASEP phải trả cho phí lưu container và lưu bãi trong thời gian này là gần 600 triệu đồng (gần 40 container), chưa kể chất lượng hàng hóa có rủi ro hư hỏng và bị phạt hợp đồng do chậm giao hàng.

Trước những phản ánh cấp bách của các doanh nghiệp, VASEP đã gửi công văn tới Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn - Nguyễn Xuân Cường, kiến nghị giải quyết các vướng mắc trong kiểm dịch nguyên liệu thủy sản nhập khẩu từ tàu đánh bắt vận chuyển bằng container về Việt Nam.

VASEP cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp sắp xếp cho Hiệp hội và doanh nghiệp thủy sản một cuộc họp ngắn để trình bày, làm rõ hơn các vướng mắc cũng như đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và đáp ứng các thông lệ quốc tế.

Thi Hà

50 container hai san bi u tai cang Doanh nghiệp kêu cứu vì container hải sản bị tắc ở cảng suốt nửa tháng

Gần 50 container hải sản, chủ yếu là cá ngừ đang bị ách tắc tại cảng gần nửa tháng qua. Các doanh nghiệp đã kêu ...

Ngày đăng: 14:34 | 19/11/2018

/ VnExpress