Vụ kiện giữa Tuần Châu Hà Nội và đạo diễn Việt Tú về quyền sở hữu vở diễn "Ngày xưa" sẽ có phán quyết phúc thẩm vào ngày mai (18/11).
Ngày 15/11, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm xét kháng cáo của Công ty Tuần Châu Hà Nội và công ty DS của đạo diễn Việt Tú liên quan vở diễn Ngày xưa (hay Thuở ấy xứ Đoài).
Vở diễn dựng thực cảnh về văn hóa xưa ở vùng Bắc Bộ, theo hợp đồng, Tuần Châu Hà Nội trả hơn 7 tỷ đồng để DS dựng nội dung, kịch bản, thiết kế kỹ thuật... Do hai bên mâu thuẫn, đạo diễn Việt Tú đăng ký quyền tác giả với Ngày xưa và DS đăng ký quyền sở hữu tác phẩm.
Tháng 3, TAND Hà Nội xét xử sơ thẩm và xác định quyền sở hữu vở diễn thuộc về Tuần Châu Hà Nội, quyền tác giả duy nhất thuộc về đạo diễn Việt Tú. Các bên cùng kháng cáo. Suốt 8 giờ diễn ra phiên phúc thẩm, 4 vấn đề được đưa ra hỏi, tranh luận và đang chờ phán quyết của HĐXX vào sáng 18/11.
Ai vi phạm hợp đồng trước?
HĐXX dành hơn hai giờ để hỏi về vấn đề này. Theo Việt Tú, việc hợp tác bắt đầu từ năm 2014-2015. Toàn bộ khu vực sân khấu trong vở diễn thực cảnh là ý tưởng của ông, từ trồng bao nhiêu bụi tre để che đi kiến trúc không liên quan, tạo khung cảnh làng quê, nhà thủy đình được nâng hạ thế nào, đường lát đá ra sao... Việc đào tạo diễn viên từ những nông dân trong làng cũng là phía DS đưa ý tưởng, thực hiện.
Khi ký hợp đồng, hai bên thỏa thuận 6 tháng bàn giao mặt bằng nhưng thực tế mất hơn một năm. Đó là lý do phát sinh nhiều phụ lục hợp đồng.
Đạo diễn Việt Tú cho biết đã lập vi bằng, có nhiều văn bản thể hiện đã giục phía chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng. "Tôi cho rằng đó là vấn đề quản trị phía bên chủ đầu tư, có nhiều bất cập. Chúng tôi không dùng cảm tính để làm việc với nhà đầu tư", Ông Tú trình bày và nói có học quản trị nhà hát ở Mỹ.
Đạo diễn Việt Tú tại phiên phúc thẩm. Ảnh: H.N. |
Đại diện Tuần Châu Hà Nội trước tòa nhiều lần khẳng định hai bên trong quá trình hợp tác có nhiều mâu thuẫn, thậm chí bế tắc trong quan hệ vào năm 2017.
Phản đối điều này, đạo diễn Việt Tú nói "hai bên không có mâu thuẫn gì". Thậm chí, một lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Tuần Châu đến xem vở diễn còn xúc động, khóc. "Tôi cũng không hiểu vấn đề nằm ở đâu", ông Tú nói và cười trước tòa.
Ông Tú cho biết đã "sốc" khi Tuần Châu nói vở diễn của ông là "bữa cơm ôi, cần đầu tư làm lại" nên mời một công ty khác làm việc, dựng vở diễn mang tên Tinh hoa Bắc Bộ trong khi vẫn còn hợp đồng với DS.
"Tuần Châu sử dụng trailer Ngày xưa để quảng cáo cho Tinh hoa Bắc Bộ trên Facebook, website của họ. Nhiều bạn bè ở nước ngoài đã mua vé vì nhầm, tưởng vở diễn này do tôi làm", ông Tú trình bày.
Trong khi đó, đại diện Tuần Châu Hà Nội nói lý chấm dứt hợp đồng với DS do tháng 3/2017 DS tạm ngừng công việc, liên hệ giữa hai bên khó khăn. DS trì hoãn nghĩa vụ bàn giao.
Về thông tin này, chủ tọa cho biết, theo hồ sơ, Tuần Châu Hà Nội đã ký hợp đồng với công ty khác và đạo diễn Hoàng Hữu Nhật Nam để triển khai Tinh hoa Bắc Bộ hai tháng trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng với DS.
Chủ tọa phân tích, với vở diễn Ngày xưa, sau khi tổng duyệt vào giữa năm 2017, bên truyền thông nói tốt, tung hô, bên chủ đầu tư thì lại nói chưa được... "Các bên không đưa ra một tiêu chí, phương pháp thẩm định để cùng thống nhất. Như vậy mới có việc sau này phải nhờ hội đồng thẩm định. Tự các vị gây khó khăn cho nhau. Ngay từ đầu các bên đã có thiếu sót trong giao kết hợp đồng", chủ tọa nói.
"Ngày xưa" được công diễn chưa?
Theo thoả thuận, DS được hưởng 10% doanh thu bán vé của tất cả buổi diễn vở Ngày xưa.
Việt Tú nói vở diễn đã được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cấp phép nên đã công diễn 10 buổi với giá vé khá cao. Đối đáp, Tuần Châu Hà Nội khẳng định chưa bao giờ bán vé, chưa thu tiền của khách du lịch với vở diễn.
"Chưa bán vé sao trong hồ sơ lại thể hiện đã công diễn, vé có bán nhưng ít. Giữa chứng cứ hồ sơ, chứng cứ nguyên, bị đơn cung cấp, tòa biết tin cái nào?", chủ toạ hỏi.
Đại diện Tuần Châu Hà Nội lý giải vấn đề này liên quan góc độ kinh doanh. Họ xây dựng mạng lưới bán vé trực tuyến nhưng trước khi chính thức bán ra công chúng thì phải "chạy thử" xem có lỗi gì không.
"Ngay cả người công ty cũng không biết đó là chạy thử. Các bạn nhân viên được giao cầm tiền đặt như khách mua vé. Chỉ những người quản lý vĩ mô mới biết đó là chạy thử nên số vé ít", đại diện của Tuần Châu Hà Nội trình bày và cho hay đây là lý do DS nói "vì sao chúng tôi bán vé nhiều như vậy mà không trả họ 10% doanh thu".
Trước giải thích này, chủ tọa Nguyễn Huyền Cường nói: "Lắt léo quá, bên DS có quyền hiểu có lợi cho họ, bên bà hiểu có lợi cho bên bà".
"Tinh hoa Bắc Bộ" là tác phẩm sao chép hay sáng tạo độc lập?
Đạo diễn Việt Tú trình bày, khi hợp tác, Tuần Châu Hà Nội chỉ đưa ra yêu cầu chung chung "hãy làm một cái gì đó, bất cứ là cái gì mà bán được vé, thu tiền của khách du lịch". Ngày xưa có dấu ấn sáng tạo của ông khi xóa ranh giới giữa khán giả và diễn viên. Khán giả có thể đi vào sân khấu mà không biết. Chính ông đã ra ý tưởng và huấn luyện người nông dân thành diễn viên, đưa vào vở diễn chi tiết nhà thủy đình nổi lên từ dưới nước...
Đạo diễn Việt Tú cho rằng đạo diễn Hoàng Hữu Nhật Nam (người được cấp quyền tác giả với vở Tinh hoa Bắc Bộ) đã làm y hệt vở diễn của mình.
Đạo diễn Hoàng Hữu Nhật Nam được triệu tập tới phiên phúc thẩm với tư cách nhân chứng. Ảnh: HN. |
Trong khi đó đạo diễn Nhật Nam một mực khẳng định Tinh hoa Bắc Bộ là tác phẩm độc lập. "Tôi không trao đổi, thay đổi nội dung vở diễn", đạo diễn Nam nói.
"Nếu tôi sử dụng hết cái gì của anh Tú thì nó là Ngày xưa, không phải Tinh hoa Bắc Bộ nữa", đạo diễn trình bày.
Lý giải vì sao thời gian thực hiện vở Ngày xưa của đạo diễn Việt Tú mất hai năm, còn ông sáng tạo Tinh hoa Bắc Bộ chỉ trong hai tháng, ông Nam nói đạo diễn Tú phải xây dựng cơ sở hạ tầng, còn ông không bị ảnh hưởng bởi việc đó. "Việc tôi thai nghén ý tưởng có cả một ê kíp. Có nhạc sỹ qua đêm ra được một tác phẩm. Có nhạc sỹ cả đời không có tác phẩm ra hồn", ông Nam nói.
Cùng quan điểm, luật sư của Tuần Châu Hà Nội cho rằng vở diễn thực cảnh không có gì phức tạp. Thực tế, một phim trường cũng có khi được dùng nhiều lần cho nhiều bộ phim. "Đạo diễn Việt Tú cứ nhầm lẫn sao chép và phái sinh, không thể nói làm phái sinh là sao chép", luật sư nói.
"Các vị cứ nặng nề chuyện tác phẩm phái sinh hay không. Nhiều khi tác phẩm phái sinh còn nổi tiếng hơn cả tác phẩm gốc. Ai dám khẳng định Kim Vân Kiều (Thanh Tâm Tài Nhân) nổi tiếng hơn Truyện Kiều (của Nguyễn Du)? Tác phẩm phái sinh cũng vẫn là sáng tạo, có quyền tác giả", chủ tọa Cường nói.
Văn bản trả lời của Hội Nghệ sĩ có tính pháp lý không?
Một trong những căn cứ để bản án sơ thẩm xác định Tinh hoa Bắc Bộ là tác phẩm phái sinh của Ngày xưa là nội dung thẩm định của Hội đồng thẩm định của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Theo đó, hai vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ và Ngày xưa có nhiều điểm chung: ý tưởng, chất liệu, địa điểm, nhân lực, đạo cụ...
Luật sư của Tuần Châu Hà Nội cho rằng việc vận dụng thẩm định này vào bản án là trái pháp luật vì đây không thể được coi như "nguồn chứng cứ". Hơn nữa, Hội Nghệ sỹ không có chức năng thẩm định về vấn đề liên quan sở hữu trí tuệ, cũng không có chức năng giám định tư pháp về quyền tác giả. Vì thế, văn bản ý kiến của Hội chỉ là ý kiến chuyên môn.
Ngược lại quan điểm này, luật sư của DS còn cho rằng bản án sơ thẩm đã đánh giá cẩn trọng, chính xác. Tuần Châu Hà Nội và DS tranh chấp chuyên môn trong một vụ việc nghệ thuật, vì thế Tòa hỏi Hội Nghệ sỹ là đúng luật.
Đại diện VKSND Cấp cao tại Hà Nội giữ quyền công tố ở phiên phúc thẩm cũng cho rằng bản án sơ thẩm "có căn cứ" khi sử dụng kết luận của Hội Nghệ sĩ.
Hoãn xét xử vụ tranh chấp vở diễn "Ngày xưa" |
Tuần Châu Hà Nội được công nhận quyền sở hữu vở diễn "Ngày xưa" |
Tranh cãi về quyền sở hữu của đạo diễn Việt Tú với vở diễn 'Ngày xưa' |
Ngày đăng: 20:10 | 17/11/2019
/ vnexpress.net