Nếu không kể 4 dự án thua lỗ, các đơn vị còn lại của Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem) vẫn có lãi tới 674 tỷ đồng. Thế nhưng, 4 dự án “sa lầy” đã khiến tập đoàn này gặp khó.
4 dự án thua lỗ “ăn mòn” lợi nhuận cả tập đoàn
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có 4 dự án sản xuất phân bón nằm trong 12 đại dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương.
Theo báo cáo của Vinachem, 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận cộng hợp toàn Tập đoàn ước lãi vỏn vẹn 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều đáng chú ý, số lãi ít ỏi này là do bị 4 dự án thua lỗ “gặm mòn” gần hết lợi nhuận của cả tập đoàn.
Nếu không kể 4 dự án thua lỗ, các đơn vị còn lại của Vinachem vẫn có lãi tới 674 tỷ đồng. Thế nhưng, 4 dự án “sa lầy” của Vinachem ước lỗ tới 636 tỷ đồng trong nửa đầu năm, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, kéo tụt lợi nhuận của tập đoàn xuống.
Dự án đạm Ninh Bình dù vận hành lại nhưng vẫn thoi thóp. Ảnh: Lương Bằng |
Cụ thể, DAP-Vinachem đạt lợi nhuận 23 tỷ đồng, giảm lãi 84%; DAP số 2-Vinachem lỗ 114 tỷ đồng, tăng lỗ 14%; Đạm Hà Bắc lỗ 260 tỷ đồng, tăng lỗ 53%; Đạm Ninh Bình lỗ 286 tỷ đồng, giảm lỗ 44%.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và DN chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương ngày 27/3/2019, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch Vinachem, nhấn mạnh, "Đạm Ninh Bình là căng thẳng nhất” trong số 4 dự án bị xếp vào danh sách yếu kém của đơn vị này.
Chỉ với riêng đạm Ninh Bình, lãnh đạo Vinachem lo ngại “nếu tình trạng này kéo dài không chỉ kéo sập Đạm Ninh Bình mà kéo sập cả tập đoàn”. Bởi lẽ, vốn đầu tư mà Vinachem đổ vào dự án này khoảng 6.000 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của tập đoàn chỉ có hơn 13 nghìn tỷ.
Một mình Đạm Ninh Bình “bết bát” có thể kéo sập cả Vinachem, thì với 4 dự án thua lỗ kể trên, tình hình của Vinachem càng thêm căng thẳng.
Theo Vinachem, 4 đơn vị sản xuất phân bón tiếp tục gặp khó khăn về chi phí lãi vay đầu tư, đặc biệt là chi phí tăng mạnh do phải hạch toán lãi phạt trên lãi chậm trả. Ngoài ra, các đơn vị này cũng gặp khó khăn trong việc vay vốn lưu động, lãi suất vay vốn lưu động tiếp tục phải chịu cao hơn mặt bằng thị trường từ 1-2,5%.
Vinachem cũng mong muốn các ngân hàng tiếp tục cho các công ty vay vốn lưu động và duy trì hạn mức vay vốn lưu động để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh. |
Hiện tại, để tháo gỡ khó khăn cho các dự án sản xuất phân bón thua lỗ chất chồng, Vinachem đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định các giải pháp đối với khoản vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho các Dự án: Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy Đạm Hà Bắc và DAP số 2 Lào Cai.
Cụ thể, kéo dài thời hạn vay của các Hợp đồng tín dụng thành 20 năm; ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau; không tính lãi quá hạn; cân đối trả nợ gốc, lãi theo dòng tiền thực tế và theo tỷ lệ số dư nợ vốn trung, dài hạn của các ngân hàng tài trợ vốn cho dự án; lãi vay chưa trả được cân đối trả nợ vào các năm sau.
Ngoài ra, điều chỉnh lãi suất tiền vay trong 5 năm từ 2019 đến 2023 ở mức 3%/năm. Từ năm 2024 trở đi, các khoản vay có lãi suất trên 8,55%/năm điều chỉnh về mức lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước (tại thời điểm này là 8,55%/năm) và nợ lãi chưa trả được trả dần trong các năm tiếp theo.
Với khoản vay các ngân hàng thương mại, Vinachem đề nghị các ngân hàng Vietinbank, BIDV, Vietcombank cho phép các dự án: Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy Đạm Hà Bắc và DAP số 2 Lào Cai được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không chuyển nhóm nợ; tiếp tục xem xét, giải quyết cho các đơn vị được hưởng chính sách hỗ trợ như giảm lãi suất tiền vay về mức lãi suất ưu đãi nhất, lãi suất thấp nhất.
Dự án đạm Hà Bắc. Ảnh: Lương Bằng |
Bên cạnh đó, kéo dài thời hạn vay các Hợp đồng tín dụng đầu tư thành 20 năm; ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau; không tính lãi quá hạn; cân đối trả gốc, lãi theo dòng tiền thực tế và theo tỷ lệ số dư nợ vay của các Ngân hàng tài trợ vốn vay; lãi vay chưa trả được cân đối trả nợ vào các năm sau.
Kết quả kinh doanh suy giảm
Ngoài 4 dự án nằm trong “danh sách đen” chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc, hoạt động của Vinachem cũng đang đối mặt không ít thách thức.
Theo báo cáo của Vinachem, trước tác động của các yếu tố chính sách, kinh tế vĩ mô, khó khăn về nguyên liệu đầu vào, về thị trường trong và ngoài nước dẫn đến sản xuất và tiêu thụ của các đơn vị trong tập đoàn suy giảm mạnh, đặc biệt là nhóm ngành sản xuất sản phẩm phân bón và sản phẩm cao su.
“Các chỉ tiêu chính đều giảm so với cùng kỳ năm 2018, đặc biệt là lợi nhuận cộng hợp của các đơn vị (ngoài 4 đơn vị khó khăn theo quyết định 1468) giảm mạnh (giảm 50%)”, Vinachem cho hay và đã chủ động khắc phục khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đảm bảo các cân đối lớn về hàng hóa cho nhu cầu của nền kinh tế, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.
Lý giải cho những khó khăn gặp phải, Vinachem giãi bày: Thời gian qua, xung đột thương mại Mỹ - Trung leo thang, Trung Quốc giảm giá đồng nhân dân tệ xuống mức kỷ lục. Điều này thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc, cạnh tranh mạnh với các sản phẩm của các đơn vị thuộc Tập đoàn tại cả thị trường trong nước và quốc tế như sản phẩm cao su, hóa chất cơ bản, các sản phẩm phân bón như DAP, NPK...
Bên cạnh đó, tình trạng gian lận thương mại đối với hàng nhập khẩu vẫn diễn biến phức tạp, làm giảm sản lượng tiêu thụ phân bón, pin ắc quy, sản phẩm cao su... của Vinachem.
Lương Bằng
.
Ngày đăng: 09:47 | 30/08/2019
/ vietnamnet.vn