Tại Việt Nam, xe máy vẫn là phương tiện giao thông chính, chiếm 93% phương tiện lưu hành. Vì vậy, 3/5 số ca tử vong do tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến xe máy, trong số đó 3/4 do chấn thương đầu.

hoi-thao-xe-may.jpg
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Tuấn Lương.

Đó là thông tin được nêu tại hội thảo quốc tế "An toàn giao thông xe máy: Những thách thức và bài học kinh nghiệm", do Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (TDSI) phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức ngày 4-11, tại Hà Nội.

Xe máy chiếm 93% số phương tiện giao thông đường bộ

Tại hội thảo, Tiến sỹ Khuất Việt Hùng, Viện trưởng TDSI cho biết, bảo đảm an toàn giao thông với xe máy là vấn đề nóng bỏng hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới.

Tại Việt Nam, đến cuối năm 2023, cả nước có hơn 73 triệu xe máy, chiếm khoảng 93% số phương tiện giao thông đường bộ. Tỷ lệ tai nạn giao thông liên quan đến xe máy chiếm khoảng 60% số vụ tai nạn giao thông đường bộ. Điều này đòi hỏi phải có giải pháp quyết liệt và toàn diện để bảo vệ người đi xe máy, giảm thiểu thương vong và hậu quả từ các vụ tai nạn.

tngt-xe-may-tuan-nguyen.jpg
Xe máy chiếm khoảng 60% tổng số vụ tai nạn giao thông đường bộ. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

“Dự báo xe máy tiếp tục gia tăng, nhiều gia đình có ô tô vẫn giữ xe máy” là nhận định của ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.

Theo ông Trần Hữu Minh, với tỷ lệ sở hữu 770 xe máy/1.000 dân, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ sở hữu xe máy cao nhất thế giới. Trong khi quy hoạch và hạ tầng giao thông còn bất cập, các lợi thế của xe máy, như tốc độ khá cao, có khả năng chuyên chở linh hoạt, thuận tiện, chi phí vận hành rẻ... càng được phát huy khi so sánh với phương tiện vận tải khác. Song đi kèm là độ an toàn thấp và nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao.

“Hiện nay nhóm thanh thiếu niên 16-18 tuổi có thể điều khiển xe máy dung tích dưới 50cc hợp pháp, trong khi vẫn thiếu kiến thức và kỹ năng điều khiển xe an toàn. Hiện tượng người dưới 16 tuổi điều khiển các loại xe hai bánh gặp tai nạn giao thông vẫn đang diễn biến phức tạp” – ông Trần Hữu Minh nói.

Quan trọng nhất vẫn là ý thức tham gia giao thông

Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, để phòng ngừa xe máy gây tai nạn giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông đã mở nhiều đợt cao điểm xử lý vi phạm quy định an toàn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là cải thiện ý thức của người điều khiển xe máy.

Trong luật đã cụ thể hóa các quy định về xây dựng, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, từ phương tiện, hoạt động của phương tiện đến người điều khiển, đặc biệt là việc chấp hành quy định của người điều khiển phương tiện…

xu-phat-hoc-sinh.jpg
Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra học sinh vi phạm quy định điều khiển mô tô, xe máy. Ảnh: An Long.

Đồng thời, lực lượng chức năng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ, hướng dẫn kỹ năng lái xe máy an toàn cho học sinh, đồng thời với việc kiểm tra, xử lý, vì đây là đối tượng dễ tổn thương, cần lấy hướng dẫn, giáo dục là chính khi xử lý.

“Các quy định này không chỉ hoàn thiện về mặt pháp lý mà còn là nền tảng xây dựng một xã hội giao thông an toàn, văn minh. Chúng ta cần sự đồng lòng và hợp tác của tất cả các bên, từ lực lượng chức năng cho đến từng người dân, nhằm tạo ra môi trường giao thông an toàn, giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến xe máy” – Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh.

Theo ông Daniel Hardy Wuaku, cố vấn kỹ thuật an toàn đường bộ Cơ quan An toàn đường bộ quốc gia Ghana, để bảo đảm an toàn giao thông cho xe máy, trước hết cần cải thiện hạ tầng giao thông, xây dựng làn đường riêng cho phương tiện này, rà soát bổ sung biển báo và vạch kẻ đường.

Mặt khác, việc bảo dưỡng và kiểm tra xe định kỳ cần được chú trọng. Xe phải lắp đặt các thiết bị an toàn, có quy định về cấp chứng nhận đủ điều kiện lưu thông.

Người lái xe phải được đào tạo bắt buộc và có chế tài xử lý nghiêm vi phạm liên quan đến phương tiện này, như việc đội mũ bảo hiểm, tốc độ xe, tuân thủ biển báo,…

Chia sẻ về những khuyến nghị chính sách giúp bảo đảm an toàn giao thông cho xe máy, Phó Viện trưởng TDSI Lê Văn Đạt cho rằng, cần tăng cường các chiến dịch nâng cao nhận thức và giáo dục đối với người dân, tập trung về các nguy cơ của việc chạy quá tốc độ, lái xe khi có nồng độ cồn và không đội mũ bảo hiểm. Sử dụng các câu chuyện thực tế và hình ảnh để làm nổi bật hậu quả nghiêm trọng của các hành vi rủi ro, trong đó chú trọng đặc biệt vào nhóm người trẻ tuổi, có xu hướng thực hiện các hành vi rủi ro nhiều hơn.

Mặt khác, lực lượng chức năng cần tăng cường xử phạt cũng như giám sát vi phạm giao thông, ứng dụng công nghệ để giám sát tự động (camera tốc độ), đặc biệt ở khu vực ngoại ô và các tuyến đường ít đông đúc, nơi vi phạm thường xảy ra...

https://hanoimoi.vn/3-5-so-ca-tu-vong-vi-tai-nan-giao-thong-tai-viet-nam-lien-quan-den-xe-may-683468.html

Ngày đăng: 07:44 | 05/11/2024

Tuấn Lương / HNM.com.vn