Ngay cả khi bộ phận địa vật lý trên bờ đã kết luận vỉa giếng BH-1 là vỉa khô, không dầu, nhưng đội ngũ cán bộ khoa học dầu khí Việt - Xô bằng kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cộng với sự kiên nhẫn của mình đã quyết tâm quay lại thăm dò một lần nữa. Kỳ tích đã xuất hiện.
Vào khoảng giữa năm 1988, tình hình ở vòm Nam mỏ Bạch Hổ khá bi đát: các giếng ở MSP-1 đang tắt dần, giàn MSP-2 đang ngâm mình dưới sóng biển… Việc di chuyển chân đế giàn MSP-2 lên phía Bắc lúc đó là trọng tâm, nhưng vì phía bạn chưa chuẩn bị xong phương án nên kế hoạch di chuyển được hoãn đến tháng 9/1988, rồi hoãn sang năm sau.
Ngày 6/9/1988 bắt đầu khai thác dầu từ tầng móng mỏ Bạch Hổ đưa sản lượng những năm sau tăng vọt
Tại sao khi đó, Vietsovpetro quyết định tiến hành khoan lại tầng đá móng giếng BH-1, trong khi trước đó đã kết luận là vỉa khô, không dầu?
Ông Ngô Thường San, người đã ở ngoài giàn MSP-1 trực tiếp chỉ đạo chiến dịch khoan thăm dò BH-1 lúc đó cho biết: Sau phát hiện ban đầu mơ hồ ở giếng số 1, rồi đến BH-6, Rạng Đông cũng gặp và mặt khác, khi kiểm tra lại tài liệu cũ của Mobil thì thấy kết tinh mẫu vụn khoan vào tầng móng phát quang có dầu… Tất cả những điều này đã củng cố niềm tin trước đây của ông khi khoan BH-1 là trong tầng móng Bạch Hổ có dầu.
Thế nên trong cuộc họp tháng 8/1988 của Ban Tổng giám đốc Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro, ông V.S.Vovk lúc đó thay ông Ph.G.Arjanov làm Tổng giám đốc, cùng các ông Nguyễn Ngọc Cư, G.V.Puri và Ngô Thường San thảo luận về phương hướng tiếp tục đối với giàn MSP-1 và MSP-2. Ông San có nói lại quy trình trước đây khi khoan giếng BH-1 và sau đó chỉ đặt cầu xi măng chứ không đổ kín và đề nghị quay lại kiểm tra giếng này một lần nữa trước khi cưa chân đế giàn khoan đưa lên phía Bắc, vì dù gì thì việc cưa chân đế cũng chuyển lại qua năm sau. Hơn nữa, cưa chân đế giàn khoan đồng nghĩa với việc sẽ kết thúc việc thăm dò phía Nam và chuyển toàn bộ lên phía Bắc mỏ Bạch Hổ.
“Tôi cũng không hiểu vì sao khi đó ông Volk đồng ý quay trở lại khoan kiểm tra giếng này, vì kỳ thực cách làm đó không an toàn, giếng đã bắn vỉa mà bây giờ đưa choòng khoan xuống nữa thì sẽ bị kẹt. Nhưng không thể ngờ rằng, quyết định đó đã làm nên một kỳ tích lịch sử của ngành Dầu khí Việt Nam” - ông San nhớ lại.
Kế hoạch quay trở lại khoan giếng BH-1 là ngày 3/9 sau khi nghỉ lễ 2/9. Đến khoảng 8 giờ ngày 6/9, ông Volk thông báo là dầu lên rất mạnh khi khoan qua tầng móng, áp lực của vỉa đẩy ra, dung dịch sét - trấu bung ra, khi khoan qua cầu xi măng cuối cùng thì dầu bắt đầu phun rất mạnh, áp suất trên miệng giếng khoảng 110 atm, phải đóng đối áp bên trên và điện vào đất liền để tìm phương án tiếp theo.
Tình hình lúc đó không thể đóng giếng lâu vì có thể thiết bị đầu giếng với áp suất thiết kế không chịu nổi... Hai cách được Vietsovpetro đưa ra: Một là bơm sét vào để dập giếng và hoàn tất giếng theo đúng quy cách bằng cần khai thác. Hai là cứ để vậy và cho khai thác bằng cần khoan, chờ đến khi áp suất giảm, lúc đó mới sửa chữa giếng và hoàn tất giếng đúng theo quy định của một giếng khai thác.
Nhưng nếu dập giếng thì có thể rất khó để khơi giếng trở lại, thế nên cuối cùng ban lãnh đạo Vietsovpetro chọn phương án khai thác luôn trong điều kiện bộ khoan cụ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử dầu khí thế giới dầu được khai thác trong cần khoan thời gian dài để chờ áp suất giảm.
Ngày 24/5/1984 tàu khoan Mikhain Mirchin phát hiện dòng dầu công nghiệp đầu tiên trong tầng Miocene tại giếng BH 5 mỏ Bạch Hổ
Giếng BH-1 cho dòng dầu lớn, khoảng 2.000 tấn/ngày. Không chỉ CBCNV Vietsovpetro vui mừng mà cả nước vui mừng trước thông tin này. Khi báo tin ra Trung ương, không ít lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã không kìm nổi xúc động, nhiều người rơm rớm nước mắt. Không vui mừng và hạnh phúc sao được khi Vietsovpeto tìm thấy dầu trữ lượng lớn khi đất nước trong giai đoạn vô cùng khó khăn, Liên Xô đến năm 1990 sẽ không cung cấp dầu cho Việt Nam nữa. Đây chính là sự thành công của công cuộc đổi mới, nông nghiệp là để đủ ăn, còn dầu khí là tiềm lực kinh tế để phát triển đất nước.
Quay trở lại chuyện khoan giếng BH-1 lần đầu bị thất bại vào giữa năm 1985. Giếng khoan BH-1 được khởi khoan từ giàn MSP-1. Giếng có nhiệm vụ vừa khai thác vừa thăm dò. Mặc dù tầng 23 được xác định ở chiều sâu 2.730m nhưng vì có nhiệm vụ thăm dò nên giếng được thiết kế khoan hết lát cắt trầm tích đến chiều sâu thiết kế 3.300m, lý do là theo tính toán mặt phản xạ tầng móng được xác định ở 3.150m và theo quy định của giếng thăm dò ở Liên Xô thì chiều sâu thiết kế phải cộng thêm 5%.
Ông Ngô Thường San nhớ lại, ban đầu, khi khoan đến độ sâu 3.050m thì giếng số 1 bắt đầu phát quang, có biểu hiện dầu. Nhưng lúc đó Việt Nam không có dung dịch khoan (Bentonite) và cũng không dễ dàng nhập từ nước ngoài về. Chất lượng dung dịch khoan kém nên khi khoan vào tầng móng ở giếng BH-1 được khoảng 50-100m thì bắt đầu bị mất dung dịch khoan rất lớn mà không biết làm như thế nào. Ông Volk - Giám đốc Xí nghiệp Khoan khi đó - đưa ra giải pháp là phải chở sét từ Di Linh về và trộn với trấu để làm dung dịch khoan, dù sét này không phải Bentonite thuần túy.
Sét trộn với trấu làm bít lỗ khoan lại thì tiến hành khoan được nhưng cũng vì vậy mà những lỗ rỗng bị bít hết. Ông Ngô Thường San yêu cầu thử vỉa, lần 1 không ra dòng vì đã bị sét bít hết. Khi đưa toàn bộ tài liệu khoan về bờ thì bộ phận địa vật lý kết luận là vỉa khô, không có dầu.
“Tôi có yêu cầu thử lại lần nữa nhưng không được do bị thúc ép về thời gian từ trong đất liền”, ông San nhớ lại.
Cụ thể, lúc đó tàu Chí Linh (tàu FSO 01) của Liên Xô được hoán cải đưa về, dự kiến ngày 19/5 đưa tấn dầu đầu tiên vào đất liền, nhưng vì quá trình thử vỉa kéo dài nên chuyển sang đầu tháng 6. Do đó, ông San cùng đội khoan bị bị thúc ép là phải kết thúc thăm dò sớm và khai thác dầu chứ không thể để tàu Chí Linh nằm chờ. Hơn nữa, bộ phận địa vật lý trên bờ đã kết luận là BH-1 không có dầu rồi thì không có lý do gì để làm thêm. Lúc đó đã vào cuối tháng 5.
Ông Ngô Thường San kể: “Lúc đó tôi suy nghĩ là sẽ quay lại BH-1 vào thời điểm khác nên thay vì đổ xi măng bịt phía dưới để bảo vệ tầng dầu phía trên thì chỉ đặt những nút xi măng cách nhau khoảng 100m để không bịt tầng móng bên dưới. Tôi vẫn có linh cảm là trong tầng móng đó có dầu”…
Có thể khẳng định, việc phát hiện ra dầu ở tầng đá móng không phải là một kết quả ngẫu nhiên, mà là kết quả tất yếu từ những quyết định mạnh dạn dựa vào sự dấn thân, bề dày kinh nghiệm thực tiễn trong nhiều năm nghiên cứu, khảo sát, tìm kiếm, thăm dò của các nhà khoa học dầu khí Việt Nam và Liên Xô.
Sau này, khi gặp đại diện Hãng Mobil, ông Ngô Thường San có nói với họ rằng: “Nếu các ông kiên nhẫn thì sẽ phát hiện dầu trong tầng móng mỏ Bạch Hổ đầu tiên”. Vì mẫu kết tinh phát quang có dầu, mà về nguyên tắc đã phát quang thì phải thử vỉa, nhưng có lẽ họ không kiên nhẫn, không có lòng tin là trong tầng đá móng lại có dầu.
(Xem tiếp kỳ sau)
Kỳ tích ở tầng đá móng
Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975), sức ép về nhu cầu năng lượng để tái thiết và sản xuất của chúng ... |
Phát hiện Dầu ở tầng đá móng mỏ Bạch Hổ - Hành trình từ trái tim đến ngọn lửa Dầu khí: Cao điểm “chiến dịch” Bạch Hổ
Có dầu đến khai thác được dầu là hai thái cực. Trên biển khơi mênh mông, tìm được cấu tạo địa chất có dầu đã ... |
Phát hiện Dầu ở tầng đá móng mỏ Bạch Hổ - Hành trình từ trái tim đến ngọn lửa Dầu khí: Niềm hy vọng vụt sáng
Liên doanh Vietsovpetro đã phải tạm thời từ bỏ Bạch Hổ, chuyển hướng mở rộng tìm dầu từ các mỏ khác với những hy vọng ... |
Phát hiện Dầu ở tầng đá móng mỏ Bạch Hổ - Hành trình từ trái tim đến ngọn lửa Dầu khí: Hiện thực khắc nghiệt
Liên tục các mũi khoan gây thất vọng, lãnh đạo bị miễn chức, áp lực đến từ mọi phía bao phủ Vietsovpetro, lần đầu tiên ... |
Ngày đăng: 17:06 | 04/09/2018
/ Cổng thông tin điện tử PVN