Lẽ ra, giáo viên phải là những người giỏi nhất. Nhưng hiện nay, các trường sư phạm lại tuyển được những người có năng lực học tập yếu nhất.
Đó là khẳng đinh của TS. Giáp Văn Dương, Tiến sĩ ngành Vật lý kỹ thuật ĐH Công nghệ Vienna (Áo); từng làm việc và nghiên cứu tại ĐH Liverpool (Anh), ĐH Quốc gia Singapore, người sáng lập nền tảng giáo dục trực tuyến GiapSchool với Đất Việt trước tình trạng nhiều thí sinh đạt 3 điểm/môn vẫn đỗ ngành sư phạm.
Đất Việt xin giới thiệu toàn bộ bài viết thể hiện quan điểm của TS Giáp Văn Dương về vấn đề này.
Năm nay điểm trúng tuyển của các trường sư phạm thấp bất ngờ. Là người quan tâm đến giáo dục và ít nhiều trực tiếp tham gia vào giáo dục, tôi thấy rất đáng lo. Với điểm đầu vào khối sư phạm thấp như vậy, thì trường sư phạm sẽ tuyển được những thí sinh có năng lực học tập rất thấp.
Nhiều trường cao đẳng sư phạm có điểm chuẩn là 9 điểm. Nếu tính điểm ưu tiên khu vực là 1,5 điểm thì chỉ cần 7.5 điểm cho 3 môn là đỗ, tức mỗi môn chỉ cần 2,5 điểm.
Nhưng nếu để ý thì sẽ thấy, với đề thi trắc nghiệm, mỗi câu sẽ có 1 phương án đúng, 3 phương án sai. Do đó, nếu cứ nhắm mắt chọn bừa thì về nguyên tắc, xác suất đúng là 25%, tức thí sinh sẽ được 2,5 điểm.
Như vậy là về mặt nguyên tắc, thí sinh không chỉ cần làm bài theo lối chọn đại, và nếu có 1,5 điểm ưu tiên, là có thể đỗ vào trường cao đẳng sư phạm. Sau 3 năm ra trường là thành giáo viên dạy bậc THCS.
Với những giáo viên như thế, họ sẽ dẫn dắt con em chúng ta đi đến đâu. Thú thực, nếu tôi biết con tôi học một giáo viên trước đây chỉ được ba bốn điểm khi thi đại học, tôi sẽ đổi giáo viên. Những giáo viên như vậy tôi không tin sẽ giúp con tôi học tốt được.
Cung nhân lực ngành sư phạm đã vượt quá cầu
Việc học sinh và phụ huynh không mấy mặn mà với khối ngành sư phạm, tôi cho rằng đây chủ yếu là chuyện cung-cầu của thị trường lao động.
Hiện giờ cung nhân lực ngành sư phạm đã vượt quá cầu. Nói nôm na là đang xảy ra tình trạng thừa giáo viên. Chưa kể giáo viên hiện nay khi đã là viên chức thì công việc rất ổn định, khi nào về hưu mới nghỉ, chứ không như các ngành khác ở đó người lao động có thể đổi công việc, đổi lĩnh vực dễ dàng.
Vì thế, học sư phạm ra rất khó tìm việc. Lương của nhà giáo cũng thấp hơn mặt bằng chung của xã hội nên nếu không dạy thêm thì nhà giáo rất khó sống bằng lương. Viễn cảnh việc làm và thu nhập ảm đạm như thế làm cho các thí sinh e ngại không muốn thi vào sư phạm.
Tôi gặp nhiều giáo sinh, tốt nghiệp vài năm rồi mà vẫn chưa có công việc. Cả ở tỉnh và ở thành phố. Nhiều giáo sinh phải chạy vạy để được đi dạy. Không thì ở nhà lay lắt, hoặc đi làm công nhân. Những chuyện này các em và gia đình đều chứng kiến, nên e ngại khi vào sư phạm.
Ngoài ra, cũng có một nguyên nhân nữa, không phải là nguyên nhân chủ đạo những cũng góp phần làm cho việc tuyển sinh ngành sư phạm xấu đi. Đó là việc truyền thông của các trường sư phạm rất yếu.
Hầu như tôi không bao giờ nhận được thông điệp gì từ các trường sư phạm. Trong khi các trường kinh tế, kỹ thuật thì nương vào các trào lưu khởi nghiệp, kinh doanh, các cuộc thi… để xuất hiện, thì trường sư phạm cứ im ỉm như không hề tồn tại. Trường sư phạm vì thế cần thay đổi, cần chủ động truyền thông và thu hút học sinh giỏi, thay vì thụ động ngồi chờ.
Nếu các trường sư phạm chủ động hơn nữa trong việc thu hút thí sinh giỏi, không chỉ trong mùa tuyển sinh mà trong cả năm học trước đó, thì tình trạng chắc sẽ không xấu như hiện giờ.
Điểm trúng tuyển ngành sư phạm thấp khiến cho chất lượng giáo dục trong tương lai bị ảnh hưởng. Ảnh minh họa |
Chất lượng giáo dục méo mò vì giáo viên yếu
Đề thi năm nay thực ra rất dễ. Bằng chứng là số thí sinh được điểm tuyệt đối rất nhiều. Một số trường có điểm chuẩn trên 30 cũng là bằng chứng. Những em chỉ được dưới trung bình thực chất đều có năng lực học tập rất yếu. Với năng lực học tập như thế, khi vào trường sư phạm, cũng không hy vọng gì các em sẽ bỗng nhiên giỏi ra.
Như thế, chất lượng đầu vào thấp thì đương nhiên chất lượng đầu ra sẽ ảnh hưởng. Kết quả là chúng ta có những lứa giáo viên trước đây học rất kém. Những giáo viên đó sẽ có hàng chục năm đứng lớp để dẫn dắt con em mình, hiển nhiên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
Trẻ em là tương lai của đất nước. Giáo viên lại là người trực tiếp dạy dỗ và hướng dẫn các em. Lẽ ra, giáo viên phải là những người giỏi nhất. Nhưng hiện nay, các trường sư phạm lại tuyển được những người có năng lực học tập yếu nhất.
Về dài hạn, một đất nước có phát triển được hay không phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng con người. Không nước nào có thể phát triển được nếu chỉ có những công dân kém chất lượng. Vì thế, giáo viên đóng vai trò rất quan trọng. Đó là lý do vì sao một số nước phát triển dành cho ngành sư phạm nhiều ưu ái để tuyển những người giỏi nhất. Còn ở ta thì xu hướng là ngược lại.
Đảm bảo thu nhập cho giáo viên
Nghề giáo, trên thực tế, còn được ưu ái coi là nghề cao quý trong tâm trí của chúng ta, nên nếu khả năng kiếm việc như nhau, thu nhập như nhau, thì nhiều người sẽ chọn nghề giáo vì tâm lý này.
Vì thế, để thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm, thì chỉ cần đảm bảo công việc tương lai cho giáo sinh, và thu nhập sao cho nhà giáo sống được bằng lương. Có công ăn việc làm, nhà giáo có thể nuôi sống bản thân và gia đình bằng đồng lương của mình, lại thêm lòng tự hào nghề nghiệp, thì ngành sư phạm nghiễm nhiên sẽ thu hút được nhiều người giỏi.
Muốn vậy phải chấm dứt việc đào tạo giáo viên quá nhiều trong thời gian qua vì hiện nay cung đang vượt quá cầu. Chất lượng giáo viên cũng phải tăng lên thông qua việc siết chặt hơn chất lượng đầu vào.
Các trường sư phạm phải dũng cảm cắt bớt chỉ tiêu, không đánh đổi số lượng lấy chất lượng. Một số trường có năng lực đào tạo yếu cần phải dừng lại để tập trung cho một số trường sư phạm tốt hơn để tránh có quá nhiều trường, đặc biệt là các trường ở các tỉnh, tham gia đào tạo giáo viên như thời gian vừa rồi.
Chế độ làm việc được ngầm hiểu là trọn đời nếu thi đỗ viên chức của giáo viên cũng cần xem xét lại để có cơ chế loại bỏ những người quá kém, không phù hợp.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý thêm rằng nếu nhà giáo không sống được bằng lương thì tương lai ngành sư phạm sẽ còn ảm đạm, và mọi cải cách giáo dục trước sau gì cũng sẽ thất bại.
Sơ qua vài điểm như vậy để thấy, cần phải có một cuộc chấn chỉnh, tái cấu trúc nhiều lĩnh vực trong ngành giáo dục thì mới giải quyết được vấn đề này.
Ngày đăng: 14:48 | 12/08/2017
/ TS. Giáp Văn Dương/baodatviet.vn