Thoát "bệnh" không biết xài tiền là cách để không phải chật vật trong khi người khác cùng số tiền kiếm được lại sống dư dả hơn.
Đã bao nhiêu lần trong những cuộc nói chuyện với bạn bè, bạn từng nghe ai đó hay chính bạn than rằng "Tôi rất dở chuyện tiền bạc", hay "Tôi không biết xài tiền"?
Hẳn những câu nói này rất quen và nếu là do chính bạn thốt ra thì đã đến lúc cần khắc phục điểm yếu tiền bạc của chính mình, thay vì chỉ than vãn về nó. Đó cũng chính là lời khuyên của chuyên gia tài chính cá nhân Ramit Sethi, tác giả của quyển sách "I Will Teach You to be Rich". Sau đây là 3 lời khuyên để bắt đầu thay đổi mà vị chuyên gia gợi ý.
Tư duy tích cực
Bước đầu tiên trong việc kiểm soát tài chính là thay đổi cách bạn mô tả về bản thân. Thay vì nói rằng mình rất dở chuyện tiền bạc thì nên nói "Tôi đã không được học những kỹ năng quản lý tài chính hiệu quả". Đây là một cách mạnh mẽ để khuyến khích bộ não suy nghĩ tích cực.
Đối với nhiều người, họ còn bị ám ảnh bởi hàng loạt câu hỏi bi quan và tiêu cực về khả năng tài chính của bản thân, kiểu như: Có quá muộn không? Liệu có còn kịp để kiếm tiền? Có muộn để tiết kiệm và đầu tư không?
Vì vậy, nếu có hỏi bản thân như thế này thì bạn phải có tâm lý vững vàng và trả lời chính mình rằng "Không. Không bao giờ là quá muộn".
Lên kế hoạch hành động
Một kế hoạch hành động không cần phải phức tạp. Bạn chỉ cần thành thật, nghiêm túc và nhớ rõ từng chi tiết để trả lời các vấn đề như sau.
Đầu tiên, xác định tiền của bạn đã đi đâu. Hãy hỏi bản thân, sau khi nhận lương, bạn đã dùng số tiền đó như thế nào. Tuy nhiên, không được tự trách bản thân về cách xài tiền thời gian qua của mình. Bước này chỉ đơn giản là tìm ra thói quen tài chính đang có của bạn.
Tiếp theo, hãy tự hỏi bạn muốn tiền của mình đi về đâu. Nếu không chắc, Sethi khuyên bạn nên tiết kiệm 10% và đầu tư 10% số tiền kiếm được mỗi tháng. Riêng vấn đề tiết kiệm, để phát huy tính kỷ luật, bạn nên đăng ký dịch vụ tiết kiệm tự động, để chỉ cần đến ngày, ngân hàng sẽ rút tiền trong tài khoản để chuyển vào tài khoản tiết kiệm của bạn.
Đối mặt với nợ nần
Đối với nhiều người, sự vấp ngã về tài chính nằm ở chuyện nợ nần. Trong trường hợp này, bạn phải vượt qua nó. Hãy thẳng thắn nói về những khoản nợ của chính mình, từ các khoản nợ thời sinh viên hay nợ thẻ tín dụng. Vấn đề là, nhiều người không dám đối diện với tình trạng nợ nần của họ.
Do đó, hãy thử thách bản thân. Hãy viết ra giấy chính xác các khoản nợ, số tiền bao nhiêu. "Đừng có cười nhé, bởi 90% những người viết ra giấy cho tôi vấn đề nợ nần của mình đều không biết rõ họ nợ bao nhiều", Sethi kể lại.
Đối diện với các con số nợ tạo ra trạng thái đe dọa, áp lực thần kinh. Tuy nhiên, đó là bước đầu tiên để thoát khỏi nợ nần. Cần phải biết chính xác số tiền bạn nợ, số tiền bạn phải trả mỗi tháng và từng khoản nợ sẽ được trả hết khi nào.
Từ đó, tìm ra mức trả nợ tối đa mà bạn có thể chi hàng tháng cho chúng, đặc biệt là các khoản có lãi suất cao. Không có gì là quá muộn. Bạn có thể thay đổi cách bạn nói về tiền cũng như cách bạn nghĩ về tiền. Và, quan trọng nhất, bạn có thể tạo một kế hoạch hành động trong tuần này để thay đổi cách xài tiền của mình. "Hãy kiểm soát nó, bạn có thể làm được", Sethi nói.
Phiên An (theo CNBC)
Cô gái 24 tuổi khiến bạn nhận ra vì sao mình chưa giàu
Tori Dunlap (Mỹ) làm việc cật lực từ khi còn rất trẻ, và sớm nhận ra cái bẫy 'thu nhập tăng, chi nhiều lên'. |
Những dấu hiệu bạn đang bội chi mà không biết
Mua rau củ quả sơ chế, thuê nhà tốn hơn 1/4 thu nhập mỗi tháng... là bạn đang vứt tiền qua cửa sổ mà không ... |
Ngày đăng: 13:00 | 11/06/2019
/ VnExpress