Điểm chuẩn 2021 các trường tăng "phi mã" khiến một số thí sinh 27 điểm vẫn trượt đại học, vậy vấn đề ở đây là đề thi dễ hay học lực của thí sinh tăng?
Nhiều ngành của Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội điểm chuẩn tăng từ 9 tới gần 11 điểm so với năm ngoái, như ngành Quản trị dịch vụ Du lịch và Lữ hành (tăng 10,95 điểm), Công nghệ thông tin (tăng 10 điểm), Kinh doanh quốc tế (tăng 9,9 điểm). Điểm chuẩn vào các ngành của trường này tăng lên đáng kể, dao động từ 18 - 26 điểm.
Hay ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tăng 9 điểm, từ 16 điểm năm 2020 lên 25 điểm năm 2021. Ngành Marketing cũng tương tự, từ 17 lên 26 điểm. Ngành Ngôn ngữ Anh tăng 9 điểm, từ 15 lên 24. Còn lại các ngành khác của trường đều tăng từ 4 đến 8 điểm.
Đề thi dễ?
Cô giáo Trần Linh Vân (Hà Tĩnh) cho biết, mùa tuyển sinh năm nay không hiếm những thí sinh đạt 26, 27, thậm chí 28 điểm vẫn trượt nguyện vọng 1, 2. Điều này rất đáng lo ngại. Bộ GD&ĐT nên xem lại cách ra đề thi tốt nghiệp THPT.
Mặc dù mục đích chính của tốt nghiệp THPT là xét tốt nghiệp, nhưng điểm thi của kỳ thi này vẫn là căn cứ quan trọng để các trường đại học xét tuyển đầu vào. Do đó, Bộ GD&ĐT cần ra đề theo hướng phân hoá rõ rệt. Bên cạnh đó, nhiều thí sinh quá chủ quan và không tìm hiểu kỹ thông tin trước khi điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học cũng dẫn đến tình trạng "trắng tay" trong đợt tuyển vừa qua.
Theo thầy giáo Nguyễn Tiến Quang, trường THPT Chu Văn An, sở dĩ điểm chuẩn các ngành cao một phần do đề thi tốt nghiệp THPT dễ, phổ điểm các môn khối Khoa học Xã hội năm nay cao và số lượng điểm 10 cũng nhiều hơn hẳn so với các năm trước. Cụ thể, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, cả nước có 24.318 điểm 10 ở các môn thi tốt nghiệp THPT - gấp 4,1 lần năm 2020, gấp 19,1 lần năm 2019. Trong khi đó năm 2020, cả nước có 5.965 điểm 10; năm 2019, số lượng điểm 10 trên cả nước là 1.285.
Riêng các môn trong tổ hợp Khoa học xã hội như Ngữ văn, năm nay 3 thí sinh đạt điểm 10 (năm 2020, 2 thí sinh được 10 điểm ở môn thi này). Ở môn Địa lý, 227 bài thi được điểm 10 và môn Lịch sử dù được đánh giá đề thi khó, nhưng tới 266 thí sinh được điểm 10 tăng so với năm trước.
Như vậy có thể lý giải phần nào đó lý do nhiều thí sinh 27, 28 điểm vẫn có thể trượt đại học nếu không tỉnh táo trong đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT 2021. |
Thí sinh ảo?
Ở góc độ các trường đại học, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, nguồn tuyển thí sinh điểm cao năm nay dồi dào hơn năm trước. Một số trường như Đại học Kinh tế quốc dân, Ngoại thương, Học viện Tài chính... tuyển nhiều sinh viên qua các phương thức xét tuyển khác nhau, số chỉ tiêu dành cho phương thức xét theo điểm thi THPT giảm nhiều, do đó điểm chuẩn năm nay đẩy lên rất cao.
PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, điểm chuẩn tăng vì 2 lý do, điểm thi tốt nghiệp cao hơn năm trước và thí sinh tăng số nguyện vọng xét tuyển nhiều lên, tập trung vào các trường top, ngành hot.
TS Nguyễn Đào Tùng, Phó Giám đốc Học viện Tài chính bày tỏ, nguyên nhân khách quan là ở một số ngành/trường học số lượng thí sinh dự thi đông, hơn 1 triệu thí sinh dự thi dẫn đến việc số lượng đăng ký vào đại học, cao đẳng tăng so với năm ngoái.
Mặt khác, điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay cao, phổ điểm 7,5 - 8,5 nhiều hơn so với năm ngoái. Đặc biệt, phổ điểm môn tiếng Anh và Giáo dục công dân tăng cao nên những tổ hợp hai môn này sẽ tăng cao. Nhưng thực tế, điểm chuẩn tăng mạnh ở một số trường đại học top giữa và top dưới. Các trường đại học top trên điểm chuẩn tăng không đáng kể so với năm ngoái.
Ngoài các nguyên nhân trên thì việc các trường đa dạng hoá hình thức xét tuyển và chỉ tiêu dành cho xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT ít đi. Chẳng hạn hình thức xét bằng học bạ, xét điểm đánh giá năng lực, sử dụng chứng chỉ IELTS Academic, Cambridge, TOEFL iBT,...
Theo ông Tùng, phần lớn thí sinh điểm cao hẳn sẽ chọn xét tuyển bằng điểm thi. Những bạn điểm thấp hơn một chút, đỗ đại học theo các hình thức còn lại đã xác nhận nhập học. Như vậy, chỉ còn lại các em nguyện vọng cao hẳn, hoặc không đỗ được hình thức khác sử dụng xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Đây cũng là nguyên nhân tạo ra khoảng cách điểm chuẩn giữa các nhóm ngành/trường học.
Về nguyên nhân chủ quan, ông cho rằng do các thí sinh. Điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay cao hơn so với năm ngoái khiến các thí sinh và phụ huynh rơi vào trạng thái chủ quan, an tâm “ảo”.
Khi công bố điểm chuẩn, Bộ GD&ĐT, các chuyên gia, thầy cô đều khuyến cáo rất nhiều lần trên các phương tiện truyền thông. Nhưng nhiều thí sinh vẫn chủ quan và chỉ đăng ký nguyện vọng vào những trường top đầu, trường mà các em yêu thích hay những trường có điểm chuẩn năm ngoái tương đương điểm thi năm nay của các em và không đăng ký thêm các nguyện vọng dự phòng. Đây cũng là lý do đáng tiếc khiến nhiều điểm rất cao nhưng vẫn không trúng tuyển nguyện vọng nào.
Ngày đăng: 17:46 | 17/09/2021
/ vtc.vn