Gia đình ông Ngô và ông Kính không chỉ chung nghề nghiệp còn cùng chia sẻ nỗi đau mất con trong nhiều năm.
Năm 1996, ông Ngô và ông Kính cùng làm quản đốc xây dựng tại công trường ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây. Ông Ngô có con gái ba tuổi tên là Ngô Cầm, ông Kính có con trai bốn tuổi tên Kính Bằng.
Hai em bé bị bắt cóc. Ảnh: CCTV. |
Ngày 3/12 năm đó, vợ ông Ngô ra giếng khoan giặt quần áo, nhìn thấy một công nhân tên Trương Minh Hùng dẫn Cầm và Bằng ra ngoài chơi. Hùng làm thợ xây tại công trường gần hai năm, rất cần cù chịu khó, cũng thường xuyên mua kẹo bánh cho hai em bé nên người mẹ cũng không để ý. Chờ đến đêm khuya không thấy Hùng dẫn hai em bé về, hai gia đình mới đi báo cảnh sát.
Dù đã làm việc tại công trường hai năm, Hùng chỉ là người làm thuê, không có hợp đồng lao động. Mọi người chỉ biết Hùng là người Tứ Xuyên, thậm chí cũng không thể xác định tên hắn là Trương Minh Hùng hay Trương Danh Hùng, Trương Dân Hùng (ba chữ "Minh", "Danh" và "Dân" gần âm trong tiếng Trung).
Năm 1996, trên đường phố chưa có camera giám sát, hệ thống quản lý hộ khẩu còn chưa kết nối trực tuyến, thậm chí cơ quan công an còn chưa có máy tính, toàn bộ thông tin hộ khẩu đều phải viết tay, tìm một người chỉ biết tên và quê quán cũng khó như mò kim đáy bể.
Xác định đây là vụ bắt cóc trẻ em, cảnh sát Tây An thành lập ban chuyên án. Tuy nhiên do có quá ít thông tin, việc điều tra không có tiến triển. Nhiều năm trôi qua, các thành viên ban chuyên án lần lượt thay đổi, nhưng ban chuyên án vẫn còn tồn tại. Hai cặp vợ chồng cũng luôn cho rằng sẽ có ngày bọn trẻ quay về, dù điều kiện kinh tế đã khá hơn, họ vẫn sống trong ngôi nhà cũ, vì sợ lúc con về lại không tìm thấy nhà.
Năm 2011, công nghệ ADN phát triển, hệ thống quản lý hộ khẩu hộ tịch của Trung Quốc cũng đã kết nối toàn quốc, việc tìm người thân trở nên thuận lợi hơn nhiều. Sau bốn năm điều tra tất cả những người hộ khẩu Tứ Xuyên có tên là Trương Minh Hùng hoặc tương tự, cuối năm 2015, cảnh sát xác định được một người rất có thể là kẻ bắt cóc trẻ em.
Cảnh sát đưa cho hai gia đình tập ảnh trong đó có ảnh của người này (lấy từ hệ thống quản lý hộ khẩu), cả bốn người đều nhận ra hắn chính là gã công nhân 19 năm trước.
Xác định được thân phận của nghi phạm, cảnh sát Tây An lập tức lên đường tới Tứ Xuyên. Khi bị bắt, Hùng không phản kháng, thậm chí còn nói với cảnh sát: "Người các ông tìm chính là tôi".
Hùng khai năm 1994 hắn quen Giả Tam Tài ở tỉnh Hà Nam. Tài nói muốn mua một bé trai, sẵn sàng trả 10.000 nhân dân tệ. Đầu năm 1995, Hùng đến Tây An làm thuê tại công trường. Khi nhìn thấy Bằng, Hùng lập tức nhớ tới đề nghị của Tài nhưng hắn không vội mà quyết định ở lại công trường làm thuê một thời gian rồi tìm cơ hội hành động.
Trong thời gian này, hắn cực kì chăm chỉ, việc nặng nhọc đến mấy cũng làm nên nhanh chóng giành được thiện cảm của những người xung quanh. Ngày 3/12/1996, hai bé Bằng và Cầm đòi hắn dẫn đi mua kẹo, thấy cơ hội đã đến, hắn đưa hai đứa bé đến Hà Nam.
Khi phạm tội, Hùng biết rõ buôn bán trẻ em là phạm pháp nên gần 20 năm qua hắn lẩn trốn khắp nơi, không dám liên lạc với người nhà, cả ngày sống trong nỗi thấp thỏm sợ hãi. Đối với hắn, bị bắt có lẽ cũng là một sự giải thoát.
Theo thông tin do Hùng cung cấp, cảnh sát Tây An đến Hà Nam tìm được Giả Tam Tài. Tài khai đã bán bé trai Kính Bằng cho một gia đình họ Lý ở thôn bên cạnh làm con nuôi. Bé gái Ngô Cầm không có ai mua, hắn mang đến cho em họ mình là Giả Thất và bạn gái Lý Cầm. Nhưng Thất đã ốm chết từ 10 năm trước, Tài cũng không biết Lý Cầm đang ở đâu.
Cảnh sát đến nhà họ Lý ở thôn bên cạnh, phát hiện con trai ông Lý đúng bằng tuổi Kính Bằng, tên cũng là Lý Bằng. Kết quả xét nghiệm cho thấy Lý Bằng chính là cậu bé Kính Bằng bị bắt cóc 19 năm trước.
Theo các đầu mối do Tài cung cấp, cảnh sát điều tra được Lý Cầm tên thật là Lý Hoa Vinh. Vinh khai từng có ý định bán Ngô Cầm nhưng không tìm được người mua, vì thế một buổi tối mùa đông đã mang Cầm đến bò lại trước cổng một gia đình ở thôn khác. Cảnh sát dẫn Vinh đến tìm gia đình này, may mắn là nắm đó gia đình họ Trần này phát hiện bé gái yếu ớt co ro trong gió lạnh ngoài cửa nên đã bế về nhà nuôi, sau đó còn đến đồn công an trình báo vụ việc, nhiều năm qua vẫn giúp con tìm cha mẹ đẻ.
Tháng 6/2017, vợ chồng ông Ngô đi theo cảnh sát đến Hà Nam gặp con gái. Họ không ngờ bé gái bị bắt cóc khi mới ba tuổi lúc này đã là mẹ của ba đứa con. Hai mẹ con gặp nhau mà không nói được một lời nào, chỉ biết ôm nhau khóc nức nở.
Ngô Cầm đoàn tụ với gia đình. Ảnh: CCTV. |
Sau 21 năm, cuối cùng cảnh sát Tây An đã bắt được ba nghi phạm buôn bán trẻ em. Nhưng khi xảy ra vụ án, cảnh sát không xác định được thân phận nghi phạm, đến cuối năm 2015 mới rõ. Từ khi gây án đến lúc này là 19 năm, đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nên sau đó cả ba nghi phạm đã được trả tự do.
Theo Luật hình sự Trung Quốc, tội phạm có khung hình phạt cao nhất dưới năm năm thì thời hiệu truy cứu là năm năm; khung hình phạt cao nhất từ năm năm đến dưới 10 năm thì thời hiệu truy cứu là 10 năm; khung hình phạt cao nhất là tù có thời hạn 10 năm trở lên thì thời hiệu truy cứu là 15 năm. Trong vụ án này, tội buôn bán trẻ em có khung hình phạt cao nhất từ năm đến tám năm, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 10 năm. Năm 2015 đã hết thời hiệu truy cứu, cơ quan tư pháp không có quyền truy cứu trách nhiệm hình sự nữa.
Khang Diệp (Theo CCTV)
Ngày đăng: 17:57 | 16/11/2019
/ vnexpress.net