Thảm kịch đã xảy ra vào năm 1972 khi một nhóm khủng bố Palestine bắc cóc và thảm sát một loạt người Israel tại Đức.
Một kẻ khủng bố cố thủ trong căn nhà ở làng Olympic tại Munich năm ngày 5/9/1972. Ảnh: Sydney Morning News.
4h30 sáng ngày 5/9/1972, 8 kẻ thuộc tổ chức khủng bố Palestine Tháng 9 đen lẻn vào làng Olympic ở Munich, mang theo súng trường AKM, súng Tokarev và lựu đạn. Chúng vào 31 Connollystrasse, nơi đoàn Israel ở, giết hai người đàn ông và bắt 9 người làm con tin, gồm các huấn luyện viên, trọng tài, vận động viên đấu vật và vận động viên cử tạ.
Những kẻ khủng bố ném thi thể huấn luyện viên đấu vật Moshe Weinberg ra trước cửa căn nhà chúng cố thủ để thị uy. Israel ngay lập tức tuyên bố họ sẽ không thương lượng. Chính sách chính thức của Israel lúc đó là từ chối đàm phán với những kẻ khủng bố dưới bất kỳ hoàn cảnh nào, vì theo họ, các cuộc đàm phán như vậy sẽ dung túng cho các cuộc tấn công trong tương lai.
Theo nhà báo John K. Cooley, cuộc khủng hoảng là một tình huống chính trị rất khó khăn với người Đức vì các con tin là người Do Thái. Cooley viết rằng người Đức đã gợi ý sẽ chuyển tiền chuộc cho nhóm khủng bố Palestine nhưng nhóm này từ chối. "Tiền không có ý nghĩa gì với chúng tôi; mạng sống cũng chẳng có ý nghĩa gì với chúng tôi", nhóm này trả lời.
Vào 16h30, một đội cảnh sát Đức 38 người được điều tới làng Olympic với kế hoạch chui vào ống thông gió để giết những kẻ khủng bố. Tuy nhiên, nhóm Tháng 9 đen phát hiện ra kế hoạch này vì các hãng tin đã truyền hình trực tiếp chiến dịch. Sau khi Issa - thủ lĩnh của nhóm khủng bố, đe doạ giết hai con tin, cảnh sát phải rút lui khỏi cơ sở.
Hai cảnh sát Đức trên mái nhà những kẻ khủng bố cố thủ ngày 5/9/1972. Ảnh: AP.
Đến 18h, Issa yêu cầu giới chức chuẩn bị cho chúng máy bay để đến Cairo. Đức sắp xếp hai trực thăng quân sự UH-1 Bell để đưa những kẻ khủng bố và con tin từ làng Olympic đến căn cứ không quân Fürstenfeldbruck nhằm lên một chiếc Boeing 727. Họ lên kế hoạch thực hiện một vụ phục kích ở đây.
Đức triển khai 5 cảnh sát để bắn tỉa, tuy họ không có thiết bị chuyên dụng. Họ cho 16 cảnh sát mai phục bên trong máy bay Boeing, mặc phục trang như phi hành đoàn. Do những hạn chế trong hiến pháp Tây Đức thời hậu chiến, quân đội không thể tham gia giải cứu vì lực lượng vũ trang Đức không được phép hoạt động trong thời bình.
Theo kế hoạch của Đức, khi hai kẻ cầm đầu nhóm khủng bố kiểm tra máy bay, cảnh sát bên trong sẽ khống chế họ, để người bắn tỉa có cơ hội tiêu diệt những kẻ còn lại trong trực thăng, được giới chức Đức cho là có 2, 3 tên. Tuy nhiên, khi chúng lên trực thăng, đội xử lý khủng hoảng mới nhận ra có 8 tên tất cả.
Cảnh sát trên máy bay cảm thấy đây là một nhiệm vụ tự sát nên đã quyết định hủy nhiệm vụ vào phút chót mà không xin ý kiến của chỉ huy trung tâm, khiến cho các cảnh sát bắn tỉa là lực lượng duy nhất đương đầu với nhóm khủng bố.
Trực thăng hạ cánh sau 22h30, 4 phi công và 6 kẻ bắt cóc xuống máy bay. Issa cùng một tên khác vào trong máy bay Boeing kiểm tra và thấy nó trống rỗng. Phát hiện ra chúng bị lùa vào một cái bẫy, hai tên chạy về trực thăng và hô hoán thông báo cho những kẻ còn lại.
Các cảnh sát bắn tỉa nổ súng, hai kẻ khủng bố bị tiêu diệt trong khi những tên còn lại nấp đằng sau và bên dưới trực thăng để bắn trả. Chúng bắn vào đèn ở sân bay, gây khó khăn cho tầm nhìn của cảnh sát. Phi công trực thăng chạy trốn nhưng các con tin bị trói không thể thoát ra ngoài.
Đức cho điều xe bọc thép đến để phá vỡ thế bế tắc. Do không chuẩn bị trước, những xe này bị kẹt trên đường đi và đến nửa đêm mới tới được sân bay. Cảm thấy cục diện thay đổi vì sự xuất hiện của xe bọc thép, những kẻ khủng bố đã cuống quá làm liều.
Khoảng 0h04 ngày 6/9/1972, chúng nã súng vào con tin và quăng lựu đạn vào trực thăng trong khi đấu súng ác liệt với cảnh sát. Toàn bộ con tin thiệt mạng, ba trong số những kẻ khủng bố sống sót. Khủng hoảng kết thúc vào lúc 1h30.
Trực thăng bị phá hủy trên đường băng ở Munich ngày 6/9/1972. Ảnh: jewishvirtuallibrary.
Ba tên sống sót bị giam trong một nhà tù ở Munich để chờ xét xử. Ngày 29/10, chuyến bay 615 của hãng hàng không Đức Lufthansa bị cướp và đe dọa cho nổ tung nếu những kẻ tấn công Munich không được thả. Tây Đức đã cho thả những kẻ này và chúng được đưa đến Libya.
Israel tiến hành chiến dịch báo thù mang tên "Mivtza Za\'am Ha\'el" (Sự phẫn nộ của Chúa trời), nhằm ám sát những cá nhân có liên quan tới vụ thảm sát. Hai trong ba kẻ nói trên bị các đặc vụ Israel giết vào thập niên 1970 và 1980. Không rõ số phận của tên còn lại, lần gần đây nhất có dấu hiệu y còn sống là vào năm 1999.
Vụ việc đã khiến Đức phải xem xét lại chính sách chống khủng bố và sau đó cho thành lập nhánh cảnh sát chống khủng bố tinh nhuệ GSG 9.
Các sự kiện trong khuôn khổ Olympic năm 1972 đã bị dừng khi cuộc khủng hoảng diễn ra nhưng sau đó được tiếp tục. Vào ngày 6/9/1972, một cuộc tưởng niệm diễn ra tại sân vận động Olympic với sự tham dự của 3.000 vận động viên và 80.000 khán giả. Đoàn Israel rút tất cả vận động viên về nước. Một số nước như Ai Cập, Philippines cũng làm điều tương tự.
Năm 2012, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) từ chối tổ chức một phút mặc niệm tại lễ khai mạc Thế vận hội London nhằm tưởng nhớ các nạn nhân Israel vào dịp kỷ niệm 40 năm vụ thảm sát. Động thái này đã bị nhiều người chỉ trích.
Ngày 4/8/2016, IOC tổ chức buổi tưởng niệm tại làng Olympic ở Rio. Ilana Romano và Ankie Spitzer, hai góa phụ của các nạn nhân, đã đến dự sự kiện. "Chúng tôi đã chờ đợi 44 năm để có lễ tưởng niệm này", Spitzer nói.
Cuộc chiến ngầm ở châu Phi
Sự mở rộng hoạt động quân sự của Mỹ tại châu Phi đe dọa gây ra không ít thiệt hại và sự bất ổn cho ... |
Trùm mafia Nga đưa "thần chết" đi diệt cả triệu người khắp nơi
Lái buôn này được cho là chỉ xếp sau trùm khủng bố Osama bin Laden về độ nguy hiểm. |
Ngày đăng: 08:25 | 23/01/2018
/ https://vnexpress.net